Công tơ điện 'múa may', Bộ Công Thương nói gì?
Hóa đơn tiền điện tại khu vực Hà Nội tháng 6 tăng đột biến và tháng 7 lại giảm là do thời tiết...
Ngày 4/8, tại buổi họp thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định chưa có chủ trương tăng giá điện dù giá than bán cho điện tăng gần 5% từ 1/7.
Trước lo ngại của dư luận về việc, giá than bán cho điện tăng từ 1/7 có thể sẽ khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải điều chỉnh tăng giá bán điện.
Ông Hải cho biết, theo quy định hiện nay, EVN muốn tăng giá điện, phải có đề xuất gửi Bộ Công Thương. Nếu EVN có kiến nghị, lúc đó Bộ Công Thương sẽ xét xem phương án tăng giá điện liệu đã hợp lý chưa.
“Tuy nhiên, đến lúc này, tôi khẳng định là vẫn chưa nhận được bất cứ một đề xuất nào từ phía EVN. Cho nên, có thể khẳng định là trước mắt Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện”, ông Hải nói.
Trước thực tế thời gian qua, công tơ điện tại khu vực Hà Nội tăng giảm thất thường, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hóa đơn tiền điện tại khu vực Hà Nội tháng 6 tăng đột biến và tháng 7 lại giảm là do thời tiết. “Khi nhiệt độ tăng, tiền điện tăng và ngược lại”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trong tháng 6, khi dư luận phản ánh hóa đơn tiền điện tại Hà Nội tăng cao, Cục Điều tiết điện lực đã chỉ đạo EVN Hà Nội kiểm tra. Sau đó, có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc EVN phải công khai hóa chỉ số công tơ để khách hàng biết.
“Qua kiểm tra tại EVN Hà Nội, việc tăng giảm công tơ điện tháng nào cũng có. Nguyên nhân công tơ điện tháng 7 giảm là do thời tiết tháng 7 mát hơn tháng 6. Đặc biệt, vào cuối tháng 7, nhiệt độ xuống thấp nên lượng điện tiêu thụ thấp hơn tháng 6”, ông Phúc nói.
Bình luận về tiền sử dụng điện tăng đột biến trong tháng 6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Rõ ràng, tiền điện tăng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Khi tiếp nhận thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc EVN tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm.
“Qua kiểm tra, đã cho nghỉ việc 2 công nhân sai phạm. Về lâu dài, các đơn vị thuộc EVN trên phạm vi cả nước cần phải tăng cường giám sát và công khai những thông tin cần thiết để khách hàng được biết”, ông Hải nói.
“Không phải ai thích tăng là tăng”
Trước lo ngại giá xăng dầu trong nước liên tục tăng từ đầu năm đến nay, trong khi giá thế giới có xu hướng giảm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định việc điều hành giá xăng dầu phải theo Nghị định 84 của Chính phủ.
Theo đó, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để điều hành kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, vì nghị định được ban hành cách đây đã 5 năm nên có những bất cập cần sửa đổi. Bộ Công Thương và các bộ liên quan đã phải xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 84 và hiện đã trình phương án cuối cùng.
“Gần đây nhất, Thủ tướng đã làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Hy vọng, trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng sẽ ký ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 84”, ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện Nghị định 84 vẫn có hiệu lực nên cơ sở để tính giá bình quân là của 30 ngày trước đó. Do đó, giá xăng dầu thế giới giảm, chắc chắn trong nước phải giảm theo.
“Về chủ trương, nếu giảm được là phải giảm ngay. Còn nếu tăng, phải rất cân nhắc và báo cáo Thủ tướng. Do đó, mọi người yên tâm là không phải ai thích tăng là tăng, kể cả cấp Bộ”, ông Hải khẳng định.>> EVN giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện thế nào?