[Chart] Tại sao Trung Quốc bỏ chính sách 1 con?

30/10/2015 09:42 AM |

Ban đầu là chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng dân số bùng nổ quá nhanh khiến các nguồn tài nguyên không đủ đáp ứng, cuối cùng chính sách 1 con lại trở thành điều đe dọa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Cuối cùng thì Trung Quốc cũng đối mặt với quả bom hẹn giờ dân số. Tối hôm qua (29/10), nước này thông báo chính thức dỡ bỏ chính sách 1 con vốn đã được áp dụng suốt từ cuối những năm 1970 đến nay. Như vậy giờ đây các cặp vợ chồng ở Trung Quốc được phép có hai con.

Các biểu đồ dưới đây sẽ thể hiện tại sao Trung Quốc phải dỡ bỏ chính sách 1 con.

Tỷ lệ sinh giảm

Đến năm 2013, vì chính sách 1 con và cả những thay đổi khác trong xã hội Trung Quốc, số lượng trẻ em mới được sinh ra ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 12,1 trẻ trên 1.000 người, so với mức 23,3 của năm 1987.

Trong khi đó theo World Bank, tỷ lệ ở Mỹ là 13, Malaysia là 18 và Việt Nam là 16. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản – đất nước nổi tiếng về dân số già – chỉ ở mức 8.


Tỷ lệ sinh của Trung Quốc (giai đoạn 1952 - 2013)

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc (giai đoạn 1952 - 2013)

Lực lượng lao động suy giảm

Tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là số dân ngày càng giảm và do đó lực lượng lao động cũng giảm. Điều này có thể kéo lùi tăng trưởng kinh tế và khiến tiền lương tăng nhanh, cuối cùng các công ty sẽ chuyển nhà máy sang những quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn ở châu Á.

Năm 2014, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 giảm lần đầu tiên trong ít nhất 2 thập kỷ. Mức giảm là 1,6 triệu người (tương đương 0,2%), xuống còn 1,004 tỷ người.

Dân số già

Sự thay đổi trong cơ cấu dân số khiến tỷ lệ người già tăng cao, làm tăng chi phí y tế cũng như tạo thêm gánh nặng cho các lao động trẻ tuổi. Liên hợp quốc dự đoán trong 25 năm tới, số dân từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, lên 431 triệu người. Đến năm 2050, nhóm này sẽ chiếm 36,5% dân số, so với mức 15,2% của năm 2015.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM