Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, dịch vụ ngoại hối đen bùng nổ
Trong lúc thị trường chứng khoán biến động và nền kinh tế giảm tốc, nhiều người Trung Quốc đang cố gắng chuyển tiền của mình ra nước ngoài bằng các hình thức khác nhau nhằm tránh rủi ro trong nước.
Trong một cửa hàng nước nhỏ nằm dưới khu dân cư nghèo, ông Chen đang tìm cách để vận chuyển 100.000 USD khỏi Trung Quốc. Quán nước mà ông Chen mở chỉ là vỏ bọc cho hoạt động chuyển tiền ngầm của người dân Trung Quốc trong thời kỳ nhạy cảm hiện nay.
Số tiền 100.000 USD trên lớn gấp đôi theo quy định chuyển tiền ra nước ngoài được cho phép. Vì các ngân hàng thương mại không thể thực hiện điều đó, nên những người môi giới như ông Chen mới trở thành mắt xích trong đường dây rộng lớn về giao dịch ngoại hối và chuyển tiền ngầm ra nước ngoài
Theo ông Chen, người từ chối cho biết tên đầy đủ, việc chuyển tiền không bao giờ là chắc chắn do hoạt động này là phạm pháp và thông thường phí chuyển tiền sẽ cao hơn nếu tình hình trở nên khó khăn.
Trong lúc thị trường chứng khoán biến động và nền kinh tế giảm tốc, nhiều người Trung Quốc đang cố gắng chuyển tiền của mình ra nước ngoài nhằm tránh rủi ro.
Hiện không có số liệu chính thức theo dõi hoạt động chuyển tiền ngầm trên nhưng các quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng hệ thống ngầm này đang xử lý khoảng 800 tỷ Nhân dân tệ (125 tỷ USD) hàng năm và số tiền đang được chuyển ngầm từ đầu năm đến nay cao hơn mức bình thường so với mọi năm.
Theo tờ Wall Street Journal, việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm mạnh là một dấu hiệu cho thấy các hoạt động chuyển tiền ngầm đang gia tăng dù một phần nguyên nhân khác là do chính quyền Bắc Kinh đang bảo vệ tỷ giá Nhân dân tệ.
Trong tháng 8/2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 93,9 tỷ USD, còn trong tháng 9/2015 là 43 tỷ USD.
Những điểm nhận chuyển tiền tại Trung Quốc thường đặt trong các cửa hàng tiện lợi hay quán trà và khách hàng của hệ thống ngầm này cũng rất đa dạng, trải rộng từ những quan chức tham nhũng đến tầng lớp trung lưu muốn mua bất động sản ở nước ngoài.
Tất cả những người sử dụng dịch vụ này đều cho rằng giữ tiền ở nước ngoài an toàn hơn và cũng đem lại lợi nhuận cao hơn. Nhận thức này trong người dân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ kể từ sau khi chứng khoán nước này bắt đầu điều chỉnh mạnh trong tháng 6/2015.
Nhà môi giới bất động sản Jiang Jinjin tại New York cho biết cô đã xử lý gần 2.000 trường hợp từ đầu năm đến nay, trong đó các gia đình Trung Quốc có con theo học đại học Columbia muốn mua nhà tại Mỹ.
Theo cô Jiang, một số khách hàng của cô nhờ người thân và bạn bè mang tiền qua Mỹ theo các chuyến đi công tác hay du lịch, một số khác thì sử dụng các chi nhánh công ty tại Mỹ để có thể chuyển tiền qua.
Tình trạng hoạt động ngày càng gia tăng của hệ thống chuyển tiền ngầm ở Trung Quốc đang khiến những quan chức tài chính nước này phải đau đầu. Chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt quản lý giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng thương mại nhằm giữ dòng vồn ở lại trong nước do các dự án đầu tư tại đây đang thiếu vốn.
Các quan chức chính phủ cho rằng biện pháp này là cần thiết nhằm tránh tình trạng thoái vốn ồ ạt như những gì đã diễn ra trong cuộc khủng khoảng Châu Á năm 1997. Hơn nữa, việc quá nhiều tiền rút ra khỏi Trung Quốc sẽ khiến những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hạ lãi suất của Ngân hàng trung ương nước này (PBOC) bị giảm hiệu quả.
Capital Economics cho rằng việc gia tăng rút vốn khỏi Trung Quốc cho thấy dấu hiệu mất niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Trung Quốc và chắc chắn điều này sẽ khiến PBOC gặp khó khăn hơn để đạt mục tiêu của mình.
Trong nhiều năm qua, hệ thống giao dịch ngoại hối và chuyển tiền ngầm đã phát triển mạnh tại Sán Đầu và Triều Châu, 2 thành phố ven biển Trung Quốc nổi tiếng với buôn lậu, hàng giả, ma túy và buôn vũ khí.
Tuy nhiên, hoạt động chuyển tiền này đang dần chuyển sang các thành phố nằm gần Hồng Kông hay Ma Cao, những thuộc địa cũ của nước ngoài với hệ thống tài chính mở cửa hơn. Khi các khoản tiền được chuyển đến Hồng Kông, chúng có thể được gửi đi bất kỳ đâu trên thế giới.
Một biện pháp khác được hệ thống ngầm trên sử dụng là chia khoản tiền thành những khoản nhỏ hơn đúng mức theo luật định, sau đó chuyển ra nước ngoài qua hàng trăm tài khoản ngân hàng kiểm soát bởi hệ thống ngầm.
Ngoài ra, hệ thống ngầm này cũng có thể nhận tiền gửi trước của khách hàng tại Trung Quốc đại lục, sau đó dùng tài khoản nước ngoài để chuyển số ngoại tệ có tỷ giá tương ứng ở nơi khác.
Mạng lưới chuyển tiền ngầm này được tầng lớp công nhân Trung Quốc tại nước ngoài ưa chuộng bởi nhiều người không thể mở tài khoản ngân hàng, do luật pháp quy định hay do làm việc bất hợp pháp, khi muốn gửi tiền trở lại gia đình.
Theo CBRE, đầu tư vào bất động sản nước ngoài của Trung Quốc đang trên đà vượt qua mức 10,5 tỷ USD của năm trước, một dấu hiệu nữa cho thấy tình trạng gia tăng hoạt động của hệ thống chuyển tiền ngầm.
Tháng 8/2015, Bộ Công an Trung Quốc cho biết họ đang đẩy mạnh chiến dịch chống lại hệ thống chuyển tiền ngầm, vốn đang gia tăng hoạt động sau khi chứng khoán điều chỉnh mạnh.
Tại Thẩm Quyến, rất nhiều điểm nhận đổi tiền ngầm tại tuyến phố đi bộ Xixiang đã bị bắt. Trong tháng 6/2015, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào một cơ sở chuyển tiền ngầm tại Thẩm Quyến và bắt giữ 31 người, đóng băng 1.087 tài khoản và thu 12 tỷ Nhân dân tệ.
Phố đi bộ Xixiang-Thẩm Quyến
Tờ Wall Street Journal cho biết hệ thống chuyển tiền ngầm hiện nay ưa thích sử dụng phương pháp chuyển tiền đặt cọc, nghĩa là khách hàng Trung Quốc đại lục gửi một khoản tiền vào tài khoản, sau đó một khoản tiền tương ứng được gửi vào tài khoản khách hàng chỉ định tại Hồng Kông sau khi đã trừ khoảng 0,3-3% phí dịch vụ.
Phương pháp này an toàn hơn so với việc vận chuyển tiền trực tiếp qua biên giới hay qua hệ thống gửi tiền khác.
Hệ thống chuyển tiền ngầm tại Trung Quốc đã thiết lập hàng trăm tài khoản ngân hàng nhờ chứng minh thư nhân dân của họ hàng, người thân, hàng xóm tại các làng quê nghèo của nước này. Những người dân tại đây sẽ được nhận một khoản tiền nếu cho mượn chứng minh thư và ký vào các giấy tờ mở tài khoản.
Tuy nhiên, dù dịch vụ chuyển tiền ngầm rất phát triển, nhưng tính an toàn của chúng là không cao khi ngày càng có nhiều nhóm lừa đảo lợi dụng nhu cầu chuyển tiền của người dân Trung Quốc để trục lợi.