Chính sách 1 con - Quả bom nổ chậm của Trung Quốc
18/03/2013 08:25 AM
|
Các nhà nghiên cứu về dân số cho rằng những tổn hại mà chính sách 1 con gây cho xã hội cũng như nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ.
Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã nghiêm ngặt tuân thủ chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con. Giờ đây, trước nhiều lời cảnh báo về tình trạng dân số già hóa và trong bối cảnh thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải đã đến lúc chính sách 1 con nên chấm dứt?
Sáng 17/3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã họp phiên bế mạc, thông qua một số dự thảo nghị quyết quan trọng. Bộ Đường sắt được chia tách với việc nhượng lại một số quyền lực cho bộ Giao thông. Bộ quản lý an toàn thực phẩm và năng lượng cũng được chấn chỉnh lại.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhận được nhiều sự quan tâm nhất chính là việc cơ cấu lại cơ quan kế hoạch hóa gia đình. Bộ y tế thành lập Ủy ban sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình - bộ phận hoàn toàn mới kiểm soát tốc độ tăng dân số. Các quan chức Trung Quốc khẳng định điều này không có nghĩa là chính sách 1 con sẽ kết thúc. Tuy nhiên, dư luận đang ngày càng hoài nghi về vấn đề này, tạo nên áp lực buộc chính phủ phải nới lỏng chính sách.
Các nhà nghiên cứu về dân số cho rằng những tổn hại mà chính sách 1 con gây cho xã hội cũng như nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ. Lực lượng lao động đang sụt giảm. Năm 2012, số dân của Trung Quốc giảm 3,45 triệu người, ghi nhận năm giảm đầu tiên trong vòng 50 năm qua. Với xu hướng này, dự đoán đến năm 2030 tỷ lệ người nộp thuế/người hưởng lương hưu sẽ giảm từ 5 lần xuống chỉ còn 2 lần. Thượng Hải là ví dụ điển hình cho “quả bom hẹn giờ” về dân số mà Trung Quốc đang phải đối mặt: tỷ suất sinh ở đây chỉ là 0,7 – một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.
Theo Wang Feng, chuyên gia phân tích về dân số và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách công Brookings – Thanh Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh, áp lực từ phía công chúng sẽ buộc chính phủ phải chấm dứt chính sách 1 con.
Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu nhận được sự đồng ý của chính trị gia. Từ trước đến nay, họ luôn phản đối. Khảo sát cho thấy rất nhiều bậc cha mẹ ở thành thị chỉ muốn có 1 đứa con. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là các chính trị gia lo sợ cải cách như vậy sẽ khiến dân số bùng nổ. “Điều đó là không cần thiết”, Zuo Xuejin, chuyên gia đến từ Viện khoa học xã hội Thượng Hải nhận định.
Ông Zuo tin rằng ở bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ cho phép tất cả các vợ chồng có 2 người con. Tuy nhiên, có lẽ đó là sự thay đổi quá lớn đối với các vị lãnh đạo. Hiện nay, một số trường hợp đặc biệt được phép có 2 con bao gồm những cặp vợ chồng đều là con một, những cặp vợ chồng ở nông thôn có con đầu lòng là con gái và những cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số. Trong 2 năm qua, ủy ban kế hoạch hóa gia đình luôn mong muốn thử nghiệm chính sách cho phép các cặp vợ chồng có một trong hai người là con một được có 2 con. Mặc dù đang được áp dụng ở một số tỉnh thành, chính sách này không được cấp trên thông qua.
Trong khi những hệ quả của chính sách 1 con đang được tự do thảo luận trên các kênh truyền thông trực thuộc nhà nước, gần đây, những phóng sự về vấn đề xã hội phát sinh trong những gia đình người cao tuổi có người con duy nhất đã qua đời bắt đầu được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia. Theo ước tính, có khoảng 10 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc lâm vào tình trạng này, trong đó có 300.000 hộ ở Thượng Hải.
Minh Anh
Theo The Economist
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!