Thị trường xe điện Mỹ không phải màu hồng: Bị coi là phương tiện dự phòng hạng 2 cho ô tô xăng, người dân mua về phần lớn chỉ để... sạc
Tại Mỹ và Na Uy, phần lớn người mua xe điện về chỉ để... cắm sạc.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), ngày càng nhiều người dự đoán xe điện sẽ thống trị thị trường Mỹ, rằng ô tô động cơ đốt trong sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ. Hàng loạt doanh nghiệp bắt đầu sản xuất các dòng xe điện mới để giới thiệu trên thị trường trong khi chính phủ Mỹ ban hành Đạo luật chống lạm phát với các điều khoản hỗ trợ người mua ô tô điện.
Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden còn bày tỏ kỳ vọng xe điện sẽ chiếm 67% doanh số ô tô bán mới vào năm 2032, trong khi một số bang như California đã thông qua quy định cấm xe xăng vào năm 2035.
Hàng loạt những thông tin tốt đó đem lại về một giấc mơ xe điện cho thị trường Mỹ. Thế nhưng báo cáo gần đây của Hiệp hội bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) lại cho thấy một thực tế tàn khốc hơn nhiều và văn hóa hơn 120 năm lái xe xăng của người dân nước này không dễ thay đổi quá nhanh như vậy.
Các dự đoán của EPA cho thấy doanh số xe điện chỉ chiếm 15% tổng số ô tô bán mới vào năm 2030, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng 67% vào năm 2032 của Tổng thống Joe Biden.
Năm 2022, doanh số xe điện chỉ chiếm khoảng 6% tổng số ô tô bán mới.
Mặc dù xe điện có nhiều cải tiến về công nghệ nhưng ô tô chạy xăng cũng đang ngày càng hoàn thiện hơn. Vào năm 2026, bình quân mỗi gallon (3,7 lít) xăng có thể giúp ô tô chạy được 42 dặm (67,5km) và đến năm 2032 là 100 dặm (160,9km) tại Mỹ.
Phương tiện dự phòng
Dù giá xe điện đang giảm mạnh vì Tesla nhà Elon Musk khơi mào cuộc chiến dìm giá cũng như việc chính quyền Washington hỗ trợ cho người mua. Tuy nhiên tờ WSJ nhận định doanh số bán xe thực tế sẽ không được như kỳ vọng vì so về hiệu năng, chúng còn quá kém so với xe xăng.
Lấy ví dụ 3 dòng xe Model Y, Model 3 của Tesla và Ford Mustang Mach E vốn chiếm gần 2/3 doanh số xe điện trên thị trường Mỹ. Mức giá bình quân cho Model Y là khoảng 65.000 USD cho phạm vi hoạt động 330 dặm mỗi lần sạc. Thế nhưng nếu so sánh với dòng Mercedes GLC có giá 43.850 USD hoặc BMW X3 có giá 44.495 USD thì mỗi lần đổ xăng có thể giúp chúng đi xa được hơn 30% so với Model Y.
Tương tự, Tesla Model 3 có giá 46.990 USD trong khi những chiếc xe xăng cùng tính năng rẻ hơn đến 10.000 USD mà lại đi xa được hơn 50%. Với dòng Mach E của Ford có giá 43.895 USD, các mẫu ô tô xăng tương đương rẻ hơn ít nhất 15.000 USD và đi xa được hơn 60% phạm vi cho mỗi lần đổ xăng.
Mặc dù các doanh nghiệp cam kết giá xe điện sẽ còn hạ nhưng câu chuyện ở đây lại phức tạp hơn rất nhiều. Với các hộ gia đình Mỹ, một chiếc xe tương đương với một khoản đầu tư lớn trong đời. Bởi vậy dù hiếm khi di chuyển đến mức tối đa phạm vi hoạt động mỗi lần đổ xăng nhưng phần lớn người Mỹ vẫn kỳ vọng con số này sẽ ngày một cao hơn. Đây là lý do khiến xe điện vẫn khó lòng cạnh tranh được với xe xăng trong tương lai gần nếu không có sự đột phá thực sự nào nữa về công nghệ.
Bằng chứng rõ ràng nhất là tại Na Uy, quốc gia phổ biến xe điện hàng đầu Châu Âu, thách thức về phạm vi hoạt động mỗi lần sạc là điều khiến nhiều người chưa thể dùng ô tô điện làm phương tiện vận tải chính.
Năm 2022, khoảng 2/3 số ô tô bán mới tại Na Uy là xe điện nhưng phần lớn người dùng lại chỉ xem chúng như phương tiện dự phòng cho chiếc xe xăng đang dùng chủ yếu. Mặc dù quãng đường đi làm hay khoảng cách lái xe tại Na Uy ngắn hơn so với Mỹ nhưng người dân sở hữu xe điện tại đây vẫn dùng 60% phương tiện là ô tô chạy xăng.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ khi xe điện phần lớn được những hộ gia đình có thu nhập trung bình khá đến giàu mua về để làm phương tiện dự phòng hoặc để trải nghiệm công nghệ mới. Tỷ lệ người mua làm phương tiện di chuyển chính bằng xe điện rất nhỏ tại Mỹ. Thậm chí những người mua xe điện cũng dùng chúng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với những chiếc ô tô xăng mà họ đang có.
Tờ WSJ cho biết những người chủ xe điện tại cả Mỹ và Na Uy dành phần lớn thời gian để sạc ô tô điện hơn là dùng chúng vì sợ “tắt điện giữa đường”.
Không nguyện ý
Theo WSJ, các hãng xe điện muốn cạnh tranh được sòng phẳng với ô tô chạy xăng và đạt được mục tiêu như kỳ vọng của Tổng thống Joe Biden thì sẽ phải giảm giá ít nhất 10.000-15.000 USD nữa, đồng thời nâng phạm vi hoạt động cho mỗi lần sạc đầy ắc quy thêm 50%.
Chính quyền Washington từng kỳ vọng rằng giá ắc quy sẽ tiếp tục giảm mạnh do nhiều siêu nhà máy xây dựng gia tăng sản lượng làm hạ chi phí bình quân.
Tuy nhiên những khó khăn về công nghệ cũng như tình hình kinh tế ảm đạm đang khiến mọi sự kỳ vọng trở nên mơ hồ.
Nếu 10 năm trước đây, chi phí sản xuất chiếm phần lớn tổng chi phí ắc quy thì hiện nay chúng chỉ còn chiếm chưa đến 1/3. Do đó cho dù có giảm chi phí sản xuất thì cũng chẳng tác dụng nhiều được nữa.
Phần lớn giá các ắc quy hiện nay lại phụ thuộc vào chi phí nguyên vật liệu. Tuy nhiên thay vì được giảm giá nhanh như chi phí sản xuất thì giá nguyên vật liệu cũng như tinh chế chúng chẳng thay đổi nhiều trong 10 năm qua, nếu không muốn nói là có lúc còn tăng lên do cung không đủ cầu.
Để giải quyết tình hình này, nhiều hãng ắc quy đã thử chuyển sang dùng những nguyên liệu rẻ tiền hơn như sắt, nhôm, đồng thay cho các kim loại quý như Lithium hay Cobalt hiện nay. Thế nhưng những nguyên liệu này lại có khả năng trữ điện kém, đồng nghĩa với việc thể tích ắc quy sẽ phải to ra cho cùng một lượng điện.
Chính vì nguyên nhân này mà Tesla dù đã phát triển dòng ắc quy Lithium sắt Phosphate nhưng chỉ dùng cho những dòng xe điện phạm vi hẹp giá rẻ.
Thậm chí, Trung Quốc đã phát triển công nghệ ắc quy muối (Sodium) với kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng toàn ngành lần thứ 2. Thế nhưng với cuộc chạy đua công nghệ hiện nay, Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận các hãng xe điện dùng ắc quy của Trung Quốc, trong khi việc nghiên cứu phát triển công nghệ mới sẽ tốn rất nhiều thời gian trước khi có thể sản xuất hàng loạt và đưa vào thay thế các sản phẩm cũ.
Tờ WSJ nhận định để đạt được con số 67% như kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, xe điện sẽ phải trở thành phương tiện vận tải chính của người Mỹ. Thế nhưng với dòng ắc quy Lithium như hiện nay thì khả năng đó khó có thể diễn ra trong 10 năm tới.
Thậm chí nếu một công nghệ mới hay nguyên liệu mới ra đời thì chúng cũng cần thời gian để ổn định được nguồn cung, chứng minh được độ an toàn, tiến hành thay thế sản phẩm cũ trên thị trường và đặc biệt là hạ xuống mức giá người tiêu dùng Mỹ chấp nhận được.
Với những nguyên nhân trên, WSJ nhận định sẽ chẳng có nhiều người Mỹ nguyện ý mua xe điện vì được trợ giá khi chúng vận hành chẳng bằng ô tô xăng mà còn đắt hơn. Trong bối cảnh người tiêu dùng tiết kiệm tiền do lo ngại khủng hoảng như hiện nay thì việc đổ tiền cho một phương tiện có khả năng lỗi thời trong chưa đầy 1 năm, kém hiệu quả hơn xe xăng là một quyết định không hợp lý.
*Nguồn: WSJ