Nghề nhặt rác kiếm đến 23 triệu đồng/ngày tại New York: Cha truyền con nối, mua nhà, tậu xe và thậm chí thành triệu phú bất chấp những lời dè bỉu
Thành phố New York có khoảng 10.000 người nhặt rác và khoảng 100 người trong số đó làm giàu từ nghề nhặt ve chai.
Vào một buổi chiều thứ 4 thường ngày, góc đường giữa phố Riverside Drive và West 89th Street-New York có một túi nhựa xanh chứa đầy lon nhôm và chai nhựa rỗng. Với người qua đường, đây chẳng qua là một cái túi rác nhưng với những người nhặt rác như chị Jeanett Pilatacsi, đây lại là “túi tiền” cho cuộc sống mưu sinh của mình.
Thông thường với mỗi túi rác chứa khoảng 200 vỏ lon, chai nhựa vứt đi sẽ đổi được 5 cent (0,05 USD) cho môi vỏ lon/chai ở Trung tâm tái chế Elmsford-New York. Đây chính là con đường mưu sinh mà những người như chị Pilatacsi hướng đến.
Vào những ngày thuận lợi, người nhặt rác như chị Pilatacsi có thể nhặt được 100 túi đựng rác như trên và kiếm được khoảng 1.000 USD lợi nhuận, tương đương hơn 23 triệu đồng Việt Nam.
Theo giám đốc Ryan Castalia của tổ chức phi lợi nhuận “Sure We Can”, New York có khoảng 8.000-10.000 người nhặt rác mưu sinh, thường xuyên loanh quanh các thùng rác hay bãi phế liệu để tìm kiếm nhặt nhạnh. Thậm chí khoảng 100 người nhặt rác trong số này làm giàu nhờ nhặt ve chai. Ví dụ như vào năm 2022, triệu phú Lisa Fiekowsky, đồng thời cũng là một chủ đất có tiếng ở New York, nổi tiếng với việc chuyên đi thu thập ve chai tại Brooklyn-New York và bán lại.
Tất nhiên không phải ngày nào cũng như ngày nào. Người nhặt rác tại New York biết rất rõ những đợt nghỉ lễ, ăn mừng thường là cơ hội với họ khi các đám đông tiêu thụ đồ uống, rượu bia nhiều hơn bình thường.
“Ngày lễ thánh Patrick là thời gian nhặt rác tuyệt vời nhất. Mọi người đều ăn uống từ rất sớm, thế rồi khoảng 2h chiều đổ ra là họ sẽ đến quán bar ăn mừng, tạo điều kiện cho những người nhặt rác thu thập ve chai. Bản thân tôi đã từng kiếm được đến 800 USD chỉ trong một ngày, đơn giản bằng việc nhặt nhãnh những vỏ lon/chai mà mọi người vứt đi”, anh Ray Del Carmen, cựu nhặt rác ở New York và hiện đang làm cho tổ chức Sure We Can nhớ lại.
Phần lớn những người nhặt rác ở New York là người nhập cư, không có tiền bạc hoặc tay nghề gì nhưng cần mưu sinh để kiếm sống.
Cha truyền con nối
Trong khi nhiều người New York nghi ngờ về khả năng mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, hay thậm chí là làm giàu từ đó nhưng chị Pilatacsi, 38 tuổi lại khẳng định về điều này.
“Công việc này có thu nhập tốt hơn nghề cũ làm công nhân nhà máy nến của tôi. Công việc cũ trả lương quá thấp nhưng lại ngốn rất nhiều thời gian. Giờ đây với nghề nhặt ve chai, tôi cùng gia đình có thể làm tự do từ chiều đến 8h tối cho đến khi chất đầy xe”, chị Pilatacsi tự hào nói.
Chiếc xe Mercedes được gia đình chị Pilatacsi mua để chở ve chai và thường xuyên được dùng hết công suất. Đôi khi chị Pilatacsi và gia đình phải chạy từ 1-2h sáng để thu thập vỏ chai ở các quán bar trước khi họ đóng cửa.
Theo người nhặt ve chai này, mức giá 5 cent mỗi lon/chai là quá bèo vì chúng được giữ nguyên kể từ năm 1983 đến nay mà không tính đến lạm phát. Chị Pilatacsi cho biết 5 cent thời kỳ đó phải có sức mua tương đương 15 cent hiện nay.
Bất chấp điều đó, gia đình Pilatacsi vẫn theo nghề nhặt ve chai bởi chúng đã giúp cô vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất, thậm chí trở thành một nghề “cha truyền con nối”.
“Cách đây 15 năm, cha tôi mất việc ở công trường xây dựng. Tôi đã vô cùng sợ hãi vì chẳng biết làm gì để trả tiền nhà. Thế rồi ông ấy bắt đầu đi ra ngoài nhặt ve chai. Giờ đây khi bố tôi nghỉ hưu thì chúng tôi tiếp quản”, cô Pilatacsi nhớ lại.
Cũng theo Pilactasi, nghề nhặt rác này không hề đơn giản vì họ có thể gặp sự sỉ nhục, xúc phạm bất kỳ lúc nào. Thế nhưng bản thân cô đã học được cách ngó lơ những kẻ ganh ghét.
“Đôi khi sẽ có người nói xấu về nghề của chúng tôi, thế nhưng chúng tôi chẳng quan tâm. Chúng tôi hiểu được rằng mình đang làm cái gì”, cô Pilatacsi nói.
Không chỉ mua được xe, nghề nhặt rác còn giúp cô Pilatacsi cùng những nhóm ve chai khác mua được nhà ở Rego Park-New York. Khoản thu nhập từ nghề này giúp họ thanh toán được hết các hóa đơn và tiền trả góp mua nhà.
Hiện thế hệ sau của Pilatacsi đã bắt đầu nối nghiệp gia đình. Đứa cháu Nelson, 11 tuổi của cô cũng phụ giúp gia đình nhặt ve chai sau giờ học.
Giành lại sự tôn trọng
Ông Mario Palonci, một người nhập cư 70 tuổi từ Cộng hòa Séc coi nghề nhặt ve chai ở New York là sự nghiệp cứu cả cuộc đời mình.
Sau khi mất việc ở công trường xây dựng, không kiếm được việc làm ổn định đã khiến ông lão này ngập trong bia rượu. Cuối cùng để kiếm tiền mua bia, ông bắt đầu nhặt nhạnh ve chai, thế rồi dần dần cai rượu và đi lên từ đó.
Giờ đây, bình quân mỗi rối ông Palonci có thể gom được 2.000 vỏ lon/chai.
“Nghề này khá vất vả, nhưng lại thích hợp nhất đối với tôi”, ông Palonci tự hào.
Ngoài việc kiếm tiền từ nghề ve chai thì ông Palonci cho biết mình còn giành lại được sự tôn trọng của mọi người khi chuyển mình từ kẻ nghiện ngập, vô công rồi nghề thành một người biết chịu trách nhiệm trong công việc.
“Tôi thường sắp xếp ngăn nắp những ve chai, phân loại chúng và bỏ vào túi tử tế. Những chủ quán bar quanh đây đều biết tôi cũng như hiểu rằng tôi là người có trách nhiệm như thế nào”, ông Palonci vui vẻ nói.
Khác với Palonci, chị Josefa Marin, nhập cư từ Mexico thì lại làm nghề ve chai vì nuôi con nhỏ.
Vào đầu thập niên 2000, đứa con của chị phải đến trường Briarcliffe College tại Long Island học nhưng chị Marin không đi theo được vì nghèo. Tại thời điểm đó, chị Marin phải làm công nhân nhà máy dệt lẫn phục vụ trong quán ăn để kiếm thêm.
Sau khi bị mất việc, chị Marin chuyển qua nghề ve chai để kiếm thu nhập nuôi con cũng như đóng học phí.
“Tôi làm chủ sự nghiệp của mình và có thể thành công nếu chăm chỉ. Tất cả những gì bạn cần làm là cho mọi người thấy thái độ làm việc tốt cùng với sự tôn trọng. Bạn đừng làm bừa bãi và dọn gọn gàng mọi thứ khi đã nhặt nhạnh xong”, chị Marin hồ hởi.
Thậm chí, chị Marin còn gặp được anh Pedro Romero, cũng nhập cư cùng quê và làm cùng nghề. Cặp đôi này đến với nhau vào năm 2011.
“Chúng tôi đang tiết kiệm tiền bạc để có thể trở về quê nhà lập nghiệp. Chúng tôi muốn được nghỉ hưu tại Mexico hơn”, anh Romero cười nói.
*Nguồn: New York Post