Bí quyết kiếm tiền của tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault khiến Elon Musk 'hít khói': Trung Quốc
Vị tỷ phú người Pháp Bernard Arnault chắc chắn phải dành lời cảm ơn chân thành đến những người tiêu dùng Trung Quốc vì giúp ông ngày càng giàu lên, bỏ xa vị trí thứ 2 là Elon Musk.
Theo hãng tin Bloomberg, đại gia người Pháp Bernard Arnault đã gia tăng 12 tỷ USD tài sản để khẳng định vị trí người giàu nhất thế giới của mình với 210 tỷ USD tổng số, cao hơn nhiều so với mức 180 tỷ USD của Elon Musk.
Thông tin này gây bất ngờ cho nhiều người khi nền kinh tế toàn cầu khó khăn còn người tiêu dùng thì siết chặt hầu bao, nhưng mảng đồ xa xỉ của đế chế LVMH của Bernard dường như chẳng hề chịu ảnh hưởng.
Hãng tin Bloomberg cho biết trên thực tế, bí mật thành công của ông trùm người Pháp này đến từ Trung Quốc, hay chính xác hơn là phong trào mua sắm trả thù của giới nhà giàu nền kinh tế này sau 2 năm bị kìm kẹp vì dịch bệnh.
Số liệu của Bloomberg cho thấy doanh số bán hàng hữu cơ (Organic Sale-không bao gồm những biến động sáp nhập có ảnh hưởng từ tỷ giá) của LVMH đã tăng 18% trong quý I/2023, cao hơn gấp đôi so với dự đoán nhờ việc Trung Quốc nới lỏng các lệnh giãn cách và chiến lược Zero Covid.
Thậm chí tại những mảng liên quan đến làm đẹp và du lịch, tăng trưởng doanh số của LVMH lên tới 28% trong cùng kỳ, mức cao nhất trong tất cả các mảng. Theo Bloomberg, làn sóng du lịch trở lại của người dân tới Hong Kong, Ma Cao và Châu Âu tại Trung Quốc đã trực tiếp làm giàu thêm cho tỷ phú Bernard và củng cố ngôi vị người giàu nhất thế giới của ông.
Nhiều dự đoán cho thấy làn sóng chi tiêu trả thù này của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục vào cuối năm nay cũng như sang năm 2024.
Chỉ số MSCI toàn cầu về may mặc, hàng xa xỉ đã tăng gần 20% kể từ đầu năm đến nay, vượt qua cả chỉ số MSCI toàn cầu nói chung vốn chỉ tăng 7% cùng kỳ.
Nhờ những thông tin tích cực trên mà cổ phiếu LVMH đã tăng 23% từ đầu năm đến nay.
Theo đánh giá của Bloomberg, LVMH đang nắm trong tay những tên tuổi được đánh giá cao tại Trung Quốc, từ Louis Vuitton, Dior cho đến Tiffany.
Năm 2022, Louis Vuitton lần đầu tiên đạt doanh số 20 tỷ Euro, tương đương 22 tỷ USD. Những thương hiệu khác như Dior cũng đạt doanh số 8,5 tỷ USD cùng kỳ.
Với tổng mức vốn hóa thị trường 420 tỷ Euro hiện nay, LVMH đang có rất nhiều tài nguyên để tái đầu tư vào các thương hiệu xa xỉ của mình nhằm thúc đẩy thêm doanh số tại Trung Quốc.
Mỹ nhạt nhòa
Trong khi Trung Quốc trở thành điểm sáng kiếm ra tiền cho tỷ phú Bernard thì trái ngược lại, thị trường Mỹ khá ảm đạm dù nền kinh tế số 1 thế giới từng là mục tiêu chính của LVMH.
Tình trạng sa thải hàng loạt trong mảng công nghệ, thị trường tài chính-ngân hàng gặp khó khăn đi kèm với lạm phát và lãi suất đều tăng khiến doanh số hàng xa xỉ tại đây khá ảm đạm. Giám đốc tài chính Jean Jacques Guiony của LVMH cho biết doanh số thời trang, đồ da và trang sức tại Mỹ của hãng đều suy giảm.
Một số chuyên gia cho rằng việc người Mỹ đổ xô sang Châu Âu, sân nhà của LVMH, để mua sắm nhằm tận dụng đồng USD tăng giá đã tác động đến doanh số của họ tại nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên giám đốc Guiony nhận định lý do chính vẫn đến từ việc nhu cầu yếu trên thị trường.
Doanh số của LVMH tại Mỹ trong quý I/2023 dù tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng gần như đi ngang so với quý IV/2022. Điều trớ trêu là nền kinh tế Mỹ đã mở cửa trở lại trước cả Trung Quốc nhưng thị trường này lại chẳng tạo nên sự bùng nổ doanh số nào cho LVMH.
*Nguồn: Bloomberg