Chỉ một hộp cơm 200.000 đồng đang làm 'tan vỡ' cả thương hiệu Đà Nẵng?
Những lo sợ và thông tin tiêu cực được chia sẻ cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào nhà cung cấp dịch vụ đang bị tổn hại nghiêm trọng. Nhà cung cấp ở đây, không phải là quán cơm hải sản kia, mà là toàn thành phố Đà Nẵng.
Câu chuyện hộp cơm hải sản bị tính phí tới 200.000 đồng tại Đà Nẵng đang gây ra những luồng dư luận trái chiều.
Điều khiến dư luận ngạc nhiên là Đà Nẵng, từ xưa đến nay vốn được biết tới với cái tên “thiên đường du lịch”, không chỉ bởi cảnh đẹp, mà còn nhờ quy cách quản lý vô cùng chặt chẽ của chính quyền.
Trên mặt báo, thông tin về du lịch Đà Nẵng toàn là thông tin tốt đẹp, chưa bao giờ có một thông tin nào liên quan đến việc “chặt chém” du khách.
Chủ nhân của 2 hộp cơm hải sản bức xúc trên trang cá nhân
200.000 đồng một hộp cơm như trong hình rõ ràng là quá đắt. Sau khi thông tin về hộp cơm lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội, đại diện của Đà Nẵng đã lên tiếng chính thức:
Theo đó, ông Vương Ngọc Tuấn, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng cho rằng: Cửa hàng cơm tại Đà Nẵng có niêm yết giá bán, vì vậy, về luật cửa hàng này không sai.
“Một hộp cơm như vậy có giá 200.000 đồng quả thực là đắt, nhưng nếu thấy đắt thì khách hàng đừng mua… Khách đã chấp nhận thì không nên than phiền”, ông Tuấn phát biểu.
Về lý, câu trả lời của ông Tuấn không sai, cửa hàng bán phần cơm 200.000 đồng cũng không làm gì phạm pháp. Công bằng mà nói, việc bán đắt cho du khách của một cửa hàng đơn lẻ như trên là điều có thể xảy ra ở mọi nơi, cho dù là những quốc gia văn minh nhất.
Đà Nẵng cũng đã phản hồi rất nhanh trên đường dây nóng, tiến hành điều tra trước khi đưa ra câu trả lời.
Thế nhưng, câu trả lời của Đà Nẵng dường như chưa đủ để thuyết phục du khách.
Những tranh luận nổ ra trên mạng xã hội cho thấy có vấn đề nảy sinh sau câu trả lời của đại diện thành phố Đà Nẵng. Đó là thái độ bất an của những vị khách du lịch. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại nơi vốn nổi tiếng về du lịch nhất nước.
Khách du lịch cảm thấy lo sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo giống như vị khách kia: Liệu tôi có vô tình gọi một hộp cơm quá đắt mà quên xem giá?
Theo thông lệ, cứ sau một tin xấu mà nhà quản lý không xử lý đúng cách, những tin xấu khác sẽ dồn dập xuất hiện. Như mới đây, một hóa đơn uống cà phê bị “chém” tới 4 triệu đồng ở Đà Nẵng lại tràn ngập trên truyền thông.
Những lo sợ và thông tin tiêu cực được chia sẻ cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào nhà cung cấp dịch vụ đang bị tổn hại nghiêm trọng. Nhà cung cấp ở đây, không phải là quán cơm hải sản kia, mà là toàn thành phố Đà Nẵng.
Đến bây giờ, vấn đề không chỉ gói gọn giữa quán cơm với vị khách kia, mà là vấn đề của thành phố Đà Nẵng với những người có nhu cầu du lịch đến Đà Nẵng mất rồi.
Trong vai trò của nhà cung cấp dịch vụ, Đà Nẵng không cần thiết, và cũng không nên cãi lý với khách hàng. Thay vào đó, Đà Nẵng cần đưa ra biện pháp để lấy lại niềm tin nơi khách hàng, lôi kéo họ quay trở lại.
Đến đây, ta lại thấy câu trả lời “có lý” của ông Vương Ngọc Tuấn lại có phần không phù hợp. Cả ngành du lịch Đà Nẵng, mất hơn chục năm để phát triển, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người trong nước và quốc tế như hiện nay, lý nào lại để hộp cơm 200.000 đồng làm hỏng mất?
Nếu cái giá phải trả như vậy thì quá đắt.
Vậy Đà Nẵng nên làm gì?
Hãy xem cách làm của người Singapore. Đảo quốc này có chi phí ăn ở vui chơi không hề rẻ. Tại đây có một Sim Lim Square được mệnh danh là khu vực chuyên “chặt chém”, thậm chí là lừa đảo du khách.
Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện một du khách Việt bị lừa tại Sim Lim Square khi mua iPhone 6 tặng bạn gái. Anh chàng người Việt bị lừa hết tiền mua điện thoại, bị cười vào mặt người nơi đất khách quê người.
Lúc đó người dân Singapore đã làm gì? Họ nhanh chóng lên tiếng tẩy chay cửa hàng đấy tại Sim Lim Square. Chỉ trích mạnh mẽ cách làm của chủ cửa hàng và cùng nhau quyên góp lại tiền để trả cho vị khách Việt Nam đen đủi kia.
Trước sức ép từ riêng phía người dân Singapore, cửa hàng này đã phải đóng cửa.
Thông điệp Singapore đưa ra rất rõ ràng: Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hành vi lừa dối nào.
Một thông điệp và hành động mạnh mẽ từ phía nhà cung cấp dịch vụ (Singapore), đủ để lấy lại niềm tin nơi khách hàng (người đi du lịch).
Cho dù vẫn tồn tại những cửa hàng kinh doanh “xấu xí”, vẫn có “lừa đảo”, “chặt chém”, nhưng Singapore chưa bao giờ đánh mất niềm tin của khách du lịch. Du khách tránh xa Sim Lim Square nhưng không tránh xa Singapore. Họ vẫn đặt niềm tin vào nhà cung cấp dịch vụ này.
Một niềm tin không đến ngẫu nhiên. Nó đến từ cách Chính quyền cho đến người dân Singapore ứng xử khi có vấn đề phát sinh.