Sau những ngày tháng mệt mỏi với công việc, tôi nhận ra rằng một giấc ngủ trưa đơn giản lại là một liều thuốc vô giá cho mình

22/05/2019 08:05 AM | Sống

Bạn ngủ sớm vào ban đêm, thức dậy vào khoảng 7-8 giờ sáng, thế nhưng mỗi khi buổi trưa ập đến, bạn lại liên tục cảm thấy đôi mắt mình nặng trĩu đến nổi chẳng có loại cà phê nào cứu vãn được nó. Bạn mệt mỏi rã rời như thể đang thức khuya cho một đêm dài đằng đẵng vậy.

Liệu khi đọc những dòng này bạn có thấy hình ảnh của mình ở đó hay không? Nếu chúng quá đỗi quen thuộc và xảy ra thường xuyên thì bạn cũng đừng trách bản thân, không hẳn là do bạn lười biếng mà có thể còn rất nhiều nguyên nhân khác ẩn sau những cơn "buồn ngủ trưa" đầy phiền phức đó.

Bạn có biết rằng 85% động vật có vú ngủ trong thời gian ngắn trong suốt cả ngày, đó là bản chất tự nhiên (theo nghiên cứu của Tổ chức Giấc ngủ Hoa Kỳ). Tuy nhiên, thông qua quá trình tiến hóa, con người lại ngủ trong một thời gian dài, suốt một đêm như ta vẫn thấy. Thế nhưng, bên cạnh xu hướng tự nhiên đó, một số người vẫn có xu hướng ngủ trong một thời gian ngắn hay nói đúng hơn là một giấc ngủ trưa.

Ngoài ra thì còn một số lý do khác khiến bạn cần phải ngủ trưa, chủ yếu là vì việc không ngủ đủ giấc từ bảy đến chín giờ liên tục mỗi đêm. Và sau khi qua 16 tuổi, con người thường không cần ngủ trưa nữa, trừ khi bạn bị thiếu giấc.

Như bạn biết, cuộc sống càng bận rộn thì giấc ngủ của con người lại càng hiếm hoi. Và người Singapore vốn khét tiếng về việc thiếu ngủ như vậy. Theo khảo sát về sức khỏe giấc ngủ tốt hơn toàn cầu năm 2019 của Philips, người Singapore chỉ ngủ 6,3 giờ vào các ngày trong tuần và 6,7 giờ vào cuối tuần, thấp hơn mức trung bình toàn cầu lần lượt là 6,8 và 7,8 giờ.

Giữa cuộc sống đầy tất bật, nhiều người thường chọn cho mình việc ngủ bù vào cuối tuần thay vì giấc ngủ trưa. Thế nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, việc ngủ một giấc thật dài vào ngày cuối tuần để bù lại những giây phút thiếu ngủ trong tuần không tốt bằng một giấc ngủ trưa vì nó có thể dẫn đến phá vỡ nhịp sinh học và dễ dẫn đến tình trạng khó ngủ hoặc các bệnh khiến bạn không thể ngủ sâu được.

Vậy cuối cùng lợi ích của giấc ngủ trưa là gì, tại sao nó lại đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta?

Sau những ngày tháng mệt mỏi với công việc, tôi nhận ra rằng một giấc ngủ trưa đơn giản lại là một liều thuốc vô giá cho mình - Ảnh 1.

Lợi ích của giấc ngủ trưa

Mặc dù tôi không biết chính xác rằng liệu tác phẩm nổi tiếng Mona Lisa của Da Vinci có phải là kết quả của những giấc ngủ ngắn 20 phút sau mỗi 4 giờ hay không (Da Vinci được biết đến với việc thực hiện việc ngủ và nghỉ ngơi một cách độc đáo để có thể làm việc hiệu quả hơn), nhưng các chuyên gia cho biết rằng việc ngủ trưa có thể khôi phục sự tỉnh táo, hiệu suất làm việc và giảm các sai lầm, những tai nạn đáng tiếc xảy ra do quá mệt mỏi.

"Một nghiên cứu của NASA về các phi công quân sự và phi hành gia đang cảm thấy buồn ngủ và phát hiện ra rằng một giấc ngủ ngắn 40 phút đã có thể cải thiện hiệu suất làm việc của họ 34% và khôi phục sự tỉnh táo 100%".

Các cơn buồn ngủ giữa chiều mà bạn thường hay gặp phải rất có thể là do nhịp sinh học trong bạn đang thúc đẩy tìm kiếm thức ăn, đồ uống để cung cấp cho bản thân. Chính vì thế nên nếu bạn đang cố gắng giảm cân thì thời gian ngủ trưa chính là một "đồng minh" đắc lực giúp ngăn cản bạn nạp thêm thức ăn trong ngày.

Bên cạnh đó, việc ngủ trưa cũng có thể giúp bộ nhớ của bạn được tăng cường, kết nối các dây thần kinh hình thành nên những ký ức cần thiết. Có nghĩa là trong khi ngủ, các vùng não liên quan đến việc thu nhận bộ nhớ ban đầu có thể được kích hoạt lại, hay nói cách khác là "phát lại" các hoạt động trong ngày mà bạn cần ghi nhớ ngay trong lúc ngủ.

Và một điều khác nữa là giấc ngủ trưa chính là một hình thức giúp giảm căng thẳng vô cùng hữu hiệu và dễ dàng thực hiện. Những giấc ngủ ngắn giúp chúng ta hạ huyết áp sau khi cảm thấy căng thẳng, stress đồng thời điều hòa nhịp tim, phục hồi các chức năng của cơ thể hiệu quả, giảm các triệu chứng bệnh do căng thẳng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Sau những ngày tháng mệt mỏi với công việc, tôi nhận ra rằng một giấc ngủ trưa đơn giản lại là một liều thuốc vô giá cho mình - Ảnh 2.

Vậy ngủ trưa như thế nào là đúng cách và hiệu quả?

Việc ngủ tưởng chừng như là một hành động bẩm sinh và quá đỗi đơn giản, tại sao vẫn có những bài nghiên cứu và những bài viết hướng dẫn cách ngủ như thế nào là đúng? Bởi vì khi thực hiện một cách bài bản và khoa học, giấc ngủ trưa sẽ không làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của bạn cũng như không tạo ra sự mệt mỏi sau khi thức dậy.

Hãy thử dùng caffeine trước khi ngủ

Vâng, những gì bạn vừa đọc qua là một điều nghe có vẻ điên rồ nhưng hoàn là sự thật. Theo các chuyên gia, uống một tách cà phê hoặc trà ngay trước khi ngủ trong 15 đến 20 phút giống như việc thêm một viên năng lượng vào giấc ngủ ngắn của bạn. Và chìa khóa cho giấc ngủ trưa thành công chính là ngủ trước khi tác dụng kích thích của caffeine diễn ra, và hãy nhớ chỉ chợp mắt từ 15 đến 20 phút mà thôi.

Vậy bí ẩn khoa học đằng sau "giấc ngủ caffeine" là gì? Buồn ngủ là do một chất hóa học gọi là adenosine gây ra, chúng ta càng thức lâu và càng sử dụng nhiều năng lượng thì sẽ càng có nhiều adenosine tích lũy trong não, và khi mức độ của nó đủ cao, não của bạn sẽ phát ra tín hiệu báo rằng bạn cần phải loại bỏ nó, cách duy nhất chính là đi ngủ.

Còn việc caffeine làm sao có thể giúp cho bạn tỉnh táo là bởi nó chen lấn với các adenosine và lấn át cả chúng giúp cho não bộ của bạn không phát hiện ra mức độ cao của các chất gây buồn ngủ và kết quả là bạn không cần phải mất thời gian để tỉnh táo trở lại.

Thế nhưng những "giấc ngủ caffeine" có thể không hiệu quả với tất cả mọi người. Nếu bạn nhạy cảm với caffeine hoặc bị bệnh mất ngủ thì hãy tránh ngủ trưa trong ngày. Bạn nên biết rằng, cơ thể chúng ta thường mất khoảng 5 đến 6 giờ mới có thể loại bỏ được một nửa lượng caffeine mà bạn nạp vào. Vì vậy nên hãy cân nhắc đến tình trạng của bản thân trước khi áp dụng.

Sau những ngày tháng mệt mỏi với công việc, tôi nhận ra rằng một giấc ngủ trưa đơn giản lại là một liều thuốc vô giá cho mình - Ảnh 3.

Thời gian tốt nhất để ngủ trưa

Trong khoảng thời gian từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều là khi chu kỳ sinh học của bạn thường trải qua mức giảm thấp nhất trong ngày. Nhưng nếu bạn có một lịch trình bất thường vào buổi sáng sớm hoặc đêm muộn thì hãy cân nhắc đến việc ngủ trưa ở một khung giờ khác sao cho phù hợp.

Ngủ khoảng 15 đến 20 phút

Thời lượng ngủ trưa từ 15 đến 20 phút là tối ưu nhất cho một người bình thường. Một giấc ngủ dài hơn có thể khiến bạn chìm vào giấc ngủ sâu và dể gây mệt mỏi, mất phương hướng khi thức dậy.

Nhưng nếu bạn có nhiều thời gian hơn thì đó không phải là vấn đề. Việc ngủ trong 90 phút có thể thúc đẩy sự sáng tạo, tuy nhiên cũng đừng nên ngủ quá 90 phút vì nó có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ vào ban đêm.

Ngủ trên ghế dài hoặc võng

Bạn không muốn ngủ quá thoải mái và ngủ quá lâu thì tốt nhất hãy tránh xa chiếc giường của mình. Một nghiên cứu trên thực tế chỉ ra rằng võng chính là nơi tốt nhất để ngủ trưa vì chuyển động lắc lư có thể dễ dàng giúp con người ta chìm vào một giấc ngủ hiệu quả kể cả với người lớn lẫn trẻ em.

Đôi khi cuộc sống quá bận rộn kéo theo nhịp sống sinh học của chúng ta cũng thay đổi theo một cách chóng mặt. Thế nhưng đừng quên dành thời gian để chăm sóc bản thân mình, không cần gì nhiều, chỉ cần mỗi ngày dành ra 15-20 phút cho một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng là bạn đã giúp cơ thể mình nạp thêm một nguồn năng lượng đáng kể để tiếp tục thử thách với khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM