Xung đột Co-Founder: Đoạn kết buồn của những người sáng lập

10/09/2015 08:53 AM | Quản trị

Có quá nhiều lý do khiến những người đồng sáng lập, từng là anh em, bạn bè, đồng nghiệp không thể đi tới cuối con đường với nhau. Cũng như số phận của 99% startup là thất bại, đoạn kết của những người đồng sáng lập cũng không hề êm đẹp.

Đam mê kinh doanh, sau một thời gian làm việc tại startup khá nổi tiếng trong lĩnh vực cà phê, nhà hàng, Khánh (Hà Nội) quyết định mở ra startup của riêng mình. Anh chọn cho mình lĩnh vực đồ nội thất trang trí mang tên Handyman. Xuất thân là dân marketing, Khánh đồng sáng lập với một người quen làm việc trong lĩnh vực thiết kế - có đủ chuyên môn để thực hiện sản phẩm.

Tuy nhiên, sự hợp tác không kéo dài lâu, rất nhanh sau đó, Khánh lại chỉ còn một mình khi công việc còn đang ngổn ngang. Anh quyết định chia tay vì cho rằng người còn lại không đảm bảo hiệu suất công việc.

“Mình tôi phải quản lý tất cả mọi việc, từ sản xuất, quảng cáo, bán sản phẩm. Cái khó khăn nhất đó là mình phải tìm mối ở các xưởng sản xuất, tìm hiểu về chất liệu gỗ,… Đó là những vấn đề chuyên môn mà dân ngoài ngành như tôi phải tìm hiểu từ đầu”, Khánh chia sẻ.

Có quá nhiều công việc mà một startup phải lo. Từ xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm, bán hàng cho tới tìm nhà đầu tư thiên thần, liên hệ với quỹ,… Chính vì vậy, hiếm có startup nào chỉ có 1 founder (người sáng lập). Thông thường, sẽ có ít nhất sẽ có 2 đồng sáng lập cho startup. Một người lo vấn đề chuyên môn cho sản phẩm, và người còn lại, tìm cách kêu gọi đầu tư và thương mại hóa.

Để tìm được những người cùng chung ý tưởng để gắn kết với nhau xây dựng một startup không đơn giản. Thông thường, họ là anh em, bạn bè hoặc đồng nghiệp thân thiết với nhau từ trước đó. Các nhà sáng lập tin rằng mối quen hệ tình cảm và tin cậy lẫn nhau sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn khi xây dựng một startup.

Đó là trên lý thuyết. Thực tế diễn ra thường không suôn sẻ như vậy. Cũng giống như số phận của 99% startup là thất bại, đoạn kết của những người đồng sáng lập cũng không hề em đẹp.

Trước khi bắt đầu công việc, mọi người luôn tràn trề niềm tin và hứng khởi. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, áp lực từ công việc, chi phí và những bất đồng trong quan điểm kinh doanh khiến những người đồng sáng lập không thể đi tiếp với nhau.

Tìm được người có thể hiểu được mình và sẵn sàng vượt qua khó khăn cùng mình không hề dễ dàng”, Phạm Kim Hùng, sáng lập của TechElite chia sẻ.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi mối quan hệ bạn bè – người thân trở thành mối quan hệ kinh doanh. Câu chuyện của Khánh được giải quyết dễ dàng vì startup của anh chưa được quỹ đầu tư rót vốn. Trong trường hợp đã được đầu tư, những người sáng lập của startup đều giữ một lượng cổ phần nhất định thì khi một trong hai ra đi, việc xử lý số cổ phần của người ra đi cũng là cả một câu chuyện đau đầu.

Câu chuyện của nhà sáng lập dưới đây là một ví dụ. Hợp tác cùng một người bạn thân để mở ra startup phát triển ứng dụng trên iOS, Vương góp tới 9 phần vốn còn người bạn chỉ góp 1 phần. Để công bằng, trên giấy đăng ký kinh doanh của startup, Vương chỉ có 6 phần vốn còn người bạn kia là 4 phần. 3 phần vốn được tăng thêm kia được bổ sung dưới dạng ràng buộc làm việc: Người đồng sáng lập phải cam kết làm việc tối thiểu 3 năm cho startup mới được sở hữu số cổ phần này.

Vấn đề đặt ra đó là cam kết làm việc 3 năm chỉ là cam kết “miệng”. Trên giấy tờ vẫn ghi rất rõ ràng đó là cổ phần theo tỉ lệ 6:4. Hơn 1 năm sau, khi xung đột xảy ra, người đồng sáng lập đòi ra đi với quyền lợi ghi đúng trên giấy tờ. Không đưa ra được tiếng nói chung, cả hai buộc phải nhờ tới luật sư vào cuộc.

“Sau khi quỹ đầu tư rót vốn vào, lượng cổ phần trở thành một món tiền lớn và bản thân tôi không đủ khả năng để mua lại số cổ phần này. Từng là anh em bạn bè, tôi chỉ muốn xử lý êm đẹp làm sao để sau này anh em vẫn có thể nhìn mặt nhau”, Vương chia sẻ.

Quan trọng hơn, những tranh cãi như vậy khiến hoạt động của startup bị ngưng trệ. Không chỉ người bạn mà bản thân Vương cũng cảm thấy chán nản với công việc hiện tại.

Khi những nhà sáng lập mỗi người nhìn về một hướng, startup sẽ không còn động lực để phát triển. Để startup quay lại hoạt động ổn định, việc đầu tiên đó là giải quyết dứt điểm mối quan hệ phức tạp này.

“Nếu lựa chọn không đúng người đồng sáng lập, cách duy nhất đó là chọn lại. Hầu hết những người làm startup lâu năm đều phải trải qua những việc như thế này”, Kim Hùng chia sẻ.

Những mâu thuẫn không chỉ xảy ra khi startup trong giai đoạn đầu. Nó cũng đến thường xuyên khi startup đã thành công. Từng là một trong những người đồng sáng lập của chuỗi cà phê Urban Station, Ninh quyết định rời khỏi startup này để ra xây dựng chuỗi cà phê của riêng mình. Để những người ở lại an tâm, Ninh quyết định chơi khá “đẹp”:

“Quyết định ra đi để mở một chuỗi cửa hàng trong lĩnh vực tương đồng, tôi đã cam kết không can thiệp vào công việc quản trị của Urban. Tôi cũng quyết định không bán lượng cổ phần của mình”.

Ninh hiện đang là chủ của chuỗi cà phê The Coffee House, phát triển khá nhanh tại Sài Gòn trong vòng 1 năm trở lại đây.

Dù đáng buồn, câu chuyện của các đồng sáng lập tại Việt Nam so với thế giới xem ra vẫn còn nhẹ nhàng, vì hầu hết startup đều chưa IPO. Trên thế giới, trước mỗi đợt IPO người ta cũng chứng kiến sự chia tay kha khá của những nhà đồng sáng lập, đặc biệt là những công ty lớn như Facebook hay Google. Những lợi ích to lớn có thể khiến những người bạn lâu năm gặp nhau tại tòa án. Đó là đoạn kết buồn mà không ít những người đồng sáng lập – những người cùng “chia ngọt sẻ bùi” với nhau gặp phải.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM