Vì sao 500 Startups - Quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ lại để mắt tới startup Việt?
500 Startup - quỹ đầu tư lớn tại thung lũng Silicon đang xem Việt Nam như một thị trường quan trọng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân số trẻ và sự kết hợp của những tài năng công nghệ trong nước.
Đây là thời điểm tốt để trở thành nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Ít nhất là khi một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn như 500 Startups đang đẩy mạnh đầu tư vào đất nước này.
Hiện tại, 500 Startups đang “chống lưng” cho 4 công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam (theo nguồn tin được tiết lộ, 4 startup này gồm Tappy, Pose, babyme và Ticketbox). Tuy nhiên, họ tuyên bố rằng danh mục đầu tư của mình sẽ có thêm 20 công ty trong khoảng 12 tháng tới.
Tuần trước, 500 Startups đã gửi 2 thành viên mới tới Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển thị trường này gồm có Trần Quốc Bình – cựu CTO và đồng sáng lập Klout và Eddie Thai – một chuyên gia tư vấn khởi nghiệp lâu năm từng làm việc cho Fortune 500.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao 500 Startups lại rót tiền vào Việt Nam? Hiện công ty này đang coi Việt Nam như một thị trường quan trọng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dân số trẻ và sự kết hợp của những tài năng công nghệ trong nước.
“Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc – ngoại trừ những nền kinh tế nhỏ hơn 10 tỷ USD”, ông Bình trả lời phỏng vấn với tờ Tech in Asia. “Tuy nhiên, với sức trẻ và lượng dân số lớn (đứng thứ 14 trên thế giới) – con đường phát triển phía trước thực sự rất hứa hẹn. Viễn cảnh công nghệ tại Việt Nam đang rộng mở hơn bao giờ hết”.
Số lượng điện thoại thông minh sử dụng tại Việt Nam đã gia tăng không ngừng trong 10 năm qua. “Từ 4 triệu người trong năm 2005, hiện dân số Việt Nam đã tăng lên 40 triệu người và hơn một nửa trong số đó sử dụng điện thoại thông minh”.
Cơn khát công nghệ của quốc gia này đang nhận được sự chú ý từ bên ngoài. “Trong báo cáo tài chính đầu năm 2014, CEO Tim Cook của Apple đã tuyên bố rằng Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới của Apple”, Addie nói. “Sự kết hợp giữa nhân tài và nguồn năng lượng dồi dào khiến thị trường Việt Nam đang trở nên thú vị hơn bao giờ hết’, Eddie chia sẻ thêm.
Anh cũng chỉ ra rằng Việt Nam hiện có số lượng người sang học tại Mỹ lớn hơn những quốc gia khác tại Đông Nam Á. “Những học sinh này cùng với cộng đồng người Việt tại thung lũng Silicon và nhiều trung tâm công nghệ khác sẽ có cơ hội kết hợp cùng nhau để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời”.
Cả Eddie và Bình đều có những đóng góp đáng kể trong việc gia tăng sức mạnh gắn kết kể trên. Họ đều là người gốc Việt nhưng dành phần lớn thời gian tại Mỹ. Eddie từng học đại học Yale và Harvard trước khi quay lại Việt Nam. Còn Bình là nhà sáng lập của Klout – đơn vị sau đó được một công ty Mỹ mua lại. Anh cho biết trong tương lai sẽ chia đều thời gian sống và làm việc giữa Việt Nam và Mỹ.
Eddie trước đó cũng đã tham gia xây dựng chương trình ươm mầm khởi nghiệp tại Việt Nam mang tên VAF. Đáng tiếc, VAF đã phải kết thúc sớm hơn dự định do một vài đối tác rút lui. Tuy nhiên, đây là yếu tố thuyết thục cho thấy Eddie là đối tác đúng đắn cho 500 Startups tại Việt Nam.
“Dù đã làm được hay chưa thì nó cũng cho thấy Eddie đã nỗ lực hết mình với VAF. Ngay cả khi các nhà đầu tư và đối tác khác ngập ngừng, Eddie vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng mà các nhà sáng lập Việt Nam có và cam kết giúp họ phát triển công ty”.
Hiện tại, 500 Startup đã xác nhận với tờ Tech in Asia rằng họ sẽ mở văn phòng tại Việt Nam trên phương điện hợp tác với các đối tác ở địa phương. Tuy nhiên, 500 Startup không tiết lộ chi tiết thông tin về những đối tác được chọn.
“Đội ngũ của chúng tôi sẽ tập trung vào những startup từ giai đoạn khơi mào ý tưởng đến khi huy động vốn miễn là các nhà sáng lập thông minh, năng động và khiêm nhường. Chúng tôi muốn tập trung vào một thứ lớn, có giá trị dài hạn trong một hệ sinh thái thay vì nhỏ và giành chiến thắng quá nhanh chóng”.
“Chúng tôi thích thú với cả đội ngũ toàn cầu và địa phương đang xây dựng cho thị trường việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ủng hộ những người Việt Nam ở nước ngoài muốn xây dựng sản phẩm và dịch vụ ở quê nhà”, Eddie nói.
Để góp vốn cho danh mục đầu tư ở Đông Nam Á, 500 Startups hiện chia làm hai hướng mũi nhọn tại khu vực này gồm: 500 Durian (Quỹ dành cho khu vực Đông Nam Á) với số vốn 15 triệu USD vào 10 triệu USD cho quỹ 500 Tuktuk phục vụ thị trường Thái Lan. 500 Startups cũng được biết đến là một trong những quỹ đầu tư sớm nhất vào GrabTaxi, dịch vụ gọi xe theo yêu cầu của Malaysia vốn rất phát triển trong thời gian vừa qua.