Muốn làm sếp, phải 'nghĩ như sếp' từ khi là nhân viên

02/12/2014 16:35 PM | Quản trị

Để có được vị trí dẫn đầu trong bất kỳ công ty, tổ chức nào, bạn phải suy nghĩ như một nhà lãnh đạo - ngay cả khi hiện tại bạn đang ở khá xa vị trí này.

Trong bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào, luôn có những nhân viên tỏa sáng là là người dẫn đầu và cũng có không ít cá nhân luôn là người theo sau. Điều này cũng dẫn tới hiện tượng nhiều người dễ dàng được tăng lương hay thăng chức một cách nhanh chóng nhưng không ít người mãi vẫn chỉ dẫm chân tại vị trí cũ của mình.

Vậy nếu bạn đang là một nhân viên dù là thấp nhất, có cách nào để bạn vươn lên và tỏa sáng trong tổ chức? Sau đây là cách mà Hiroshi Mikitani, CEO hãng thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten chia sẻ trên mạng việc làm LinkedIn vừa qua:

Để có được vị trí dẫn đầu trong bất kỳ công ty, tổ chức nào, bạn phải suy nghĩ như một nhà lãnh đạo - ngay cả khi hiện tại bạn đang ở khá xa vị trí này.

Tại Nhật Bản, chúng tôi có một hình mẫu điển hình là "người làm công ăn lương nhẫn nại". Biểu tượng này được sử dụng để mô tả những người chỉ nghĩ về bản thân mình như là một nhân viên. Họ thực hiện mọi việc theo những chỉ dẫn cho trước, chỉ làm những gì họ được nói cho và không bao giờ chủ động. Đó không phải là lối tư duy sẽ giúp bạn đi đầu tại môi trường làm việc. Để thăng tiến, bạn phải vứt bỏ hình ảnh "người làm công ăn lương nhẫn nại" và nắm lấy tư duy của một nhà quản lý, không quan trọng rằng khoảng cách còn bao xa từ vị trí của bạn đứng ngày hôm nay.

Sự thay đổi tư duy này sẽ biến đổi bạn. Suy nghĩ như một nhà lãnh đạo sẽ thay đổi quan điểm của bạn. Bạn trở nên có khả năng vượt lên trên những chi tiết vụn vặt và có cái nhìn của bức tranh lớn về công việc của mình và của những người khác. Bạn bắt đầu suy nghĩ dài hạn và xây dựng những chiến lược để đạt được các mục tiêu. Bạn thấy mọi thứ một cách khác biệt, cũng giống như khi bạn leo lên được đỉnh núi Phú Sĩ. Bạn có thể nhìn thấy xa về khoảng cách không phải bởi vì bạn có tầm nhìn vượt trội mà bởi bạn đã có một kế hoạch và leo được lên đến đỉnh cao hơn người khác.

Tại sao điều này có ích cho bạn cũng như chính nhà tuyển dụng của bạn? Đó là bởi vì khi bạn có cái nhìn bức tranh lớn về công việc của mình, bạn có thể nhìn ra sự cân đối giữa lợi nhuận so với chi phí. Bạn trở nên có khả năng để hiểu công việc của mỗi cá nhân được kết nối với nhau trong một tổ chức. Bạn vượt lên trên sự kỳ vọng về công việc cá nhân của mình và xem xét đến mở rộng tầm ảnh hưởng của những gì bạn làm ngày này qua ngày khác.

Đây là nghệ thuật quản lý. Đây là thứ mà tất cả nhà lãnh đạo nghĩ về nó. Một khi bạn mang tư duy của một nhà lãnh đạo cũng đồng nghĩa bạn đang quản lý chính mình. Bạn tự nhận định được những vấn đề và phát triển các giả thuyết ra sao để giải quyết chúng. Bạn có thể trở thành số 1, người luôn đi cùng một sự cải tiến hiệu quả, giải pháp sáng tạo cho một vấn đề dai dẳng hoặc một ý tưởng từ đó mở rộng phạm vi kinh doanh. Khi bạn suy nghĩ như một nhà lãnh đạo, bạn góp thêm được vào trí tuệ tại nơi làm việc cho toàn bộ tổ chức. Đây là điều vô cùng hữu ích. Cấp trên của bạn chắc chắn sẽ ghi nhận nó.

Bạn có đang suy nghĩ như một nhà lãnh đạo? Điều này đã giúp ích cho sự nghiệp của bạn ra sao?

>> Đừng mơ thăng chức nếu không có 3 thứ sau

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM