Chỉ những sếp tốt mới thẳng tay sa thải nhân viên!
Thay vì tạo ra một chính sách mới, hoàn toàn vô lý để ép buộc ai đó từ chức, là một nhà quản lý bạn nên thẳng thắn sa thải nhân viên của mình và đưa ra đề nghị về khoản trợ cấp thất nghiệp.
Nếu đang là lãnh đạo một doanh nghiệp, có thể bạn cho rằng mình đã rất tế nhị và khéo léo khi “nhắc khéo” một nhân viên không làm tốt công việc hãy tự viết đơn xin từ chức thay vì thẳng tay sa thải anh ta (cô ta). Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm, đây chính là biểu hiện của những ông chủ tồi tệ.
Dưới đây là bài chia sẻ của Suzanne Lucas, người có kinh nghiệm trên 10 năm trong lĩnh vực quản lý nhân sự tại các tập đoàn lớn trên thế giới về vấn đề kể trên.
Hàng tuần, tôi nhận được từ 2 đến 3 email có cùng nội dung giống nhau: Tôi chỉ được nói sẽ phải từ chức vào tháng 10 bởi vì chính sách công ty đã thay đổi. Họ đã làm như vậy, thậm chí tôi chưa từng được nhìn thấy chính sách đó. Tôi sẽ thất nghiệp ư? Thậm chí họ còn viết sẵn đơn xin từ chức và đưa cho tôi ký vào”.
Tại sao tôi lại kể đến những email như thế này? Bởi vì đây là biểu hiện của sự không đứng đắn và thói cư xử không đàng hoàng. Những nhà quản lý và phòng nhân sự làm việc này giống như là kiếm danh tiếng theo một cách không đáng tin cậy, dối trá và không có ý nghĩa.
Tôi cá là trong thực tế có nhiều câu chuyện tệ hơn như vậy rất nhiều. Một chính sách thay đổi như “Nhân viên phải làm tất cả các ca trong ngày (một lý do hoàn toàn vô lý) có thể dùng để ép một nhân viên đang làm việc bán thời gian phải nghỉ việc bởi họ không có khả năng làm việc toàn thời gian. Trong những trường hợp như vậy, thay vì giải thích, những người quản lý thưởng nói: “Chính sách này áp dụng với bạn và bạn cần phải từ chức”.
Tuy nhiên, một nhà quản lý tốt sẽ không hành động như vậy. Họ nói thẳng vào vấn đề. Nếu vấn đề đó không thể giải quyết được thì sau đó họ thẳng thắn nói sa thải một nhân viên kèm theo đó là khoản tiền trợ cấp thôi việc và bồi thường.
Dù không muốn ai làm việc nữa thì điều bạn đáng phải nói nên là: “Bạn đã bị sa thải” chứ không nên ép buộc nhân viên phải rời đi và là một người sếp, bạn chỉ vỗ nhẹ vào vai họ và nói: “Rất tiếc, bạn phải từ chức”.
Vì một số lý do, nhà quản lý và phòng nhân sự không đủ can đảm để sa thải một nhân viên bình thường, nên họ đành “nói khéo” để những người này từ chức. Tuy nhiên, việc làm này thể hiện sự thiếu trách nhiệm từ phía người sử dụng lao động.
Họ cướp đi quyền lợi của những “nhân viên cũ” (người bị sa thải) khoản tiền bồi thường thất nghiệp. Ngoài ra, những người này cũng vô tình góp một phần “công sức” tạo nên tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng trong nền kinh tế.
Thêm vào đó, những nhà quản lý tồi tệ đôi khi còn dùng những lời nói dối trắng trợn với nhân viên rằng sẽ tốt hơn ở trong CV của họ sau này ghi “Tôi đã từ chức” thay vì cụm từ “đã bị sa thải”. Điều này nghe có vẻ hợp lý và người lao động tin tưởng và làm theo.
Tuy nhiên, bạn cũng là người đi thuê và khi một ai đó từ chức mà không có công việc kế tiếp ngay sau đó, chắc hẳn bạn cũng sẽ đặt ngay câu hỏi về “sự từ chức” này. Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng, thì ra họ bị ép buộc phải từ chức.
Tôi thừa nhận rằng là một người đi tìm việc, sẽ tốt hơn nếu viết trong CV của mình về quá khứ từng từ chức tại một công ty thay vì chữ “bị sa thải”. Tuy nhiên, tôi khẳng định việc này không giúp được gì trong việc liệu bạn có được nhà tuyển dụng mới “gật đầu” hay không. Bất kể ai từng đi thuê đều đã biết rõ điều này.
Kết luận: Thay vì cố gắng tạo ra một chính sách mới, hoàn toàn vô lý để ép buộc ai đó từ chức, là một nhà quản lý bạn nên đưa ra đề nghị về một khoản trợ cấp thất nghiệp và thành thật với nhân viên của mình.
Một phần quan trọng trong quá trình lãnh đạo là bạn phải giải quyết những tình huống khó xử và không mấy vui vẻ như việc sa thải một nhân viên. Vì vậy, hãy cố gắng trung thực và thẳng thắn khi bắt buộc phải làm việc này. Đây mới là biểu hiện của một nhà lãnh đạo tốt.
>> Làm lãnh đạo, 'chê' sao cho khéo?
Phương Linh