Ông Nguyễn Đức Tài kể lại cách Thế giới Di động ‘hòa tan’ văn hóa Trần Anh, nhìn từ việc bán một mẫu tivi tồn kho
Với một mẫu Tivi tồn kho, Thế giới Di động sẽ giảm giá và tăng khuyến mãi để khuyến khích khách hàng mua. Trần Anh thì ngược lại, tăng mức thưởng cho nhân viên từ 50.000 đồng/sản phẩm lên 1 triệu đồng/sản phẩm. Với khoản thưởng lớn này, nhân viên bán hàng sẵn sàng “nói ngang nói ngửa” để bán bằng được mẫu tivi tồn kho đó cho người tiêu dùng.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xem các bài cùng series:
Đội sales ở Novaland: Gà nhà tinh nhuệ
NatSteel: Newbie là người định hướng
Văn hóa Tencent giống như "tử cung" của cá mập mẹ
Apple: Sáng tạo vẫn phải đúng deadline
Làm việc tại Tesla chẳng khác gì uống nước bằng vòi cứu hỏa
Văn hóa "tôn trọng sự khác biệt" ở FPT
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp vốn đã không dễ dàng, để hòa tan một nền văn hóa khác sau khi sáp nhập lại càng khó.
Chia sẻ tại hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng hay lực cản” do JCI Hà Nội tổ chức chiều 7/12, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thế giới Di động – đã kể lại cách Thế giới Di động “hòa tan” văn hóa của Trần Anh như thế nào.
Hai nền văn hóa doanh nghiệp của Thế giới Di động và Trần Anh có quá nhiều khác biệt, dù không mâu thuẫn nhau hoàn toàn.
Việc Thế giới Di động làm đầu tiên khi sáp nhập Trần Anh là cam kết cho 100% nhân viên khối siêu thị tiếp tục ở lại, và không có một cam kết gì với khối quản lý trở lên.
Qua một vòng phỏng vấn, Thế giới Di động không giữ lại 99,9% đội ngũ quản lý, mà giữ lại 99,9% đội ngũ nhân viên ở siêu thị. Nhưng ngay cả đội ngũ nhân viên được giữ lại, văn hóa làm việc cũng hơi chệch so với văn hóa của Thế giới Di động.
Đơn cử như có một mẫu Tivi tồn kho, Thế giới Di động sẽ giảm giá và tăng khuyến mãi để khuyến khích khách hàng mua.
“Nhưng cách xử lý của Trần Anh cũng tương tự như cách xử lý của hầu hết các nơi khác là: Thà tăng mức thưởng cho nhân viên từ 50.000 đồng/sản phẩm lên 1 triệu đồng/sản phẩm, còn hơn là giảm giá 3 triệu đồng/sản phẩm”, ông Tài kể.
“Động lực của việc thưởng từ 50.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với nhân viên lớn lắm. Với khách hàng, họ sẵn sàng “nói ngang nói ngửa” để bán được đúng cái model Tivi tồn kho đó. Văn hóa đó không phù hợp với Thế giới Di động”.
Ông Tài đã làm thế nào?
Trần Anh có vài chục cửa hàng, mỗi cửa hàng lại có mấy chục nhân viên. Mà chỉ trong 1 - 2 tuần hay 1 tháng, việc cố gắng thay đổi một con người là rất khó, nhất là khi nhân viên chỉ bán 1 chiếc Tivi tồn kho đã kiếm được tiền thưởng bằng bán mấy chục sản phẩm khác.
“Chúng tôi chọn giải pháp hơi tình thế nhưng tôi thấy hiệu quả. Đó là cắt nhỏ nhân viên Trần Anh ra, đưa một nhóm vài người về hết shop Thế giới Di động. Trong 1 tập thể toàn Thế giới Di động mà chỉ có vài người Trần Anh như vậy, các bạn buộc phải lựa chọn: Hoặc đón nhận văn hóa này và từ từ hội nhập, hoặc rớt”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ lại cách thức hòa tan văn hóa nhân viên Trần Anh trong lòng Thế giới Di động.
Và ngược lại, ông đã đưa trên 80% người của Thế giới Di động vào các shop Trần Anh. Khi ấy, số người của Trần Anh trở thành thiểu số.
“Trong một gia đình mà 8 đứa con nói cùng 1 kiểu, chỉ có 1 đứa lạc điệu thì đứa này hoặc sẽ rời bỏ, hoặc nó phải thích nghi. Đó là cách nhanh nhất chúng tôi hòa tan văn hóa của Trần Anh trong Thế giới Di động”, ông chủ của Thế giới Di động cho biết.