Ông Hoàng Nam Tiến "kể thật" về chuyện chửi sếp Trương Gia Bình và văn hóa "tôn trọng sự khác biệt" ở FPT
Dù bị làm bẽ mặt và cậu nhân viên trẻ tuổi cũng nói 'tất nhiên là làm được' theo một cách đầy bốc đồng, ông Bình vẫn hỗ trợ hết mình để dự án thành công. Ông đi hỏi trong, ngoài nước, từ cầm tay chỉ việc nhân viên mình cho đến để tự làm. Theo ông Tiến, đây là văn hóa 'tôn trọng sự khác biệt' mà FPT đã có 25 năm nay.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xem các bài cùng series:
Đội sales ở Novaland: Gà nhà tinh nhuệ
NatSteel: Newbie là người định hướng
Văn hóa Tencent giống như "tử cung" của cá mập mẹ
Apple: Sáng tạo vẫn phải đúng deadline
Phải nói rằng, tinh thần dân chủ từ lâu đã trở thành một đặc sản trong văn hóa doanh nghiệp của FPT. Chẳng thế mà câu chuyện Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FPT Software hiện tại là ông Hoàng Nam Tiến từng cất tiếng 'chửi' sếp Tổng Trương Gia Bình là 'ngu' đã trở thành một 'huyền thoại' trong tập đoàn này.
Mỗi 'huyền thoại' thì thường đều được đặt vào một bối cảnh và sẽ luôn có nhiều bài học có thể rút ra từ đó. Mới đây, tại buổi tọa đàm mang tên Quản trị doanh nghiệp, nơi cả ông Tiến và ông Bình đều có mặt, lãnh đạo Fsoft để chia sẻ câu chuyện thật sự đằng sau lời "chửi": "Các anh ngu..." được chính vị này nói ra thời điểm 25 năm trước.
"Tôi chưa bao giờ chửi anh Bình. Tôi chỉ bị vu vạ như thế thôi. Mọi người chỉ kể mỗi vế đầu, còn tôi sẽ kể vế sau" - Ông Tiến mở lời một cách chân thật.
Theo Chủ tịch HĐQT FPT Software, với lời chứng thực của chính ông Trương Gia Bình trên sân khấu, thì thực sự câu chửi gồm 5 chữ nói trên là có thật. Tuy nhiên, theo ông Tiến, đó chỉ là câu nói mà ông 'mắng yêu' sếp mình ở thời điểm đó. "Điều quan trọng nhất chính là câu chuyện tiếp theo - câu chuyện về một người lãnh đạo đủ bao dung, người lãnh đạo đủ sáng suốt để chọn đúng người tài" - Lãnh đạo Fsoft nhấn mạnh.
Ông Tiến kể rằng khi bị 'chửi' như vậy, ông Trương Gia Bình không hề tức giận mà ngược lại hơi sững người lại một chút, Sau đó, 'sếp' tập đoàn FPT đặt câu hỏi cho người đã dám chê mình một cách công khai: "Vậy em có làm được không?"
Ông Bình (ngoài cùng bên phải) và ông Tiến (thứ hai từ trái sang) ở buổi tọa đàm
Không còn đường lùi, ông Tiến đã phải gật đầu, tuy nhiên đó là cái gật đầu không phải được đưa ra nhờ sự suy nghĩ chín chắn: "Tất nhiên khi đó tôi ở thế đâm lao buộc phải theo lao. Tôi trả lời 'tất nhiên là làm được'. Nếu không được thì lúc đó tôi mới vào FPT được 6 tháng, cùng lắm là ông ý đuổi mình cũng chẳng sao, tôi xin đi chỗ khác"
Theo như những gì từng ghi trên báo chí một cách đơn giản thì dự án đó sau khi được giao cho ông Tiến phụ trách đã đạt được thành công. Đây là tiền đề để cậu nhân viên bạo miệng và trẻ tuổi ngày nào tiến rất nhanh trên con đường sự nghiệp tại FPT, giờ đang đảm đương một vị trí lãnh đạo quan trọng trong tập đoàn này.
Tuy nhiên, phần chưa được kể ra một cách công khai là dù bị nhân viên của mình làm bẽ mặt, và dù cậu thanh niên trẻ tuổi kia cũng nhận trách nhiệm một cách đầy bốc đồng, ông Bình vẫn hỗ trợ hết mình ông Tiến thực hiện dự án.
"Sau đó, anh Bình đã bỏ rất rất nhiều công, vì anh ấy cũng chưa làm mảng này bao giờ. Anh sang Hồng Kông để hỏi, hỏi cả trong nước và ngoài nước về cách làm dự án này", ông Hoàng Nam Tiến kể lại.
Điều quan trọng hơn, vị sếp Tổng đã đứng cùng, 'cầm tay chỉ việc' để giúp cậu nhân viên trẻ thực hiện thành công dự án mà sau này đã tạo ra một mảng kinh doanh mang về doanh thu hàng trăm triệu USD cho FPT. Đây cũng là một cách gián tiếp chứng minh rằng câu chửi của cậu nhân viên ngày nào không phải là hoàn toàn mù quáng.
Chủ tịch Fsoft kể lại đầy tự hào về khoảng thời gian được trao trọn niềm tin: "Điều rất quan trọng là anh ấy cầm tay làm cùng tôi ở thời điểm tôi mới ra trường. Sau khi làm cùng một thời gian, anh Bình để tôi tự làm. Sau thời gian tôi làm rồi và anh thấy yên tâm, thì anh giao lại hẳn để tôi làm. Đó là những bước đi đầu tiên giúp tôi xây dựng công ty phân phối FPT có doanh thu lên đến 700 triệu USD. Tôi rất tự hào về điều đó"
Vậy bài học mà các vị CEO, những người làm ở vị trí lãnh đạo, leader, trưởng nhóm... trong các công ty học được ở đây là gì? Ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra đó là việc họ cần tôn trọng những ý kiến, sự khác biệt của chính những nhân viên của mình.
"Vậy, bài học cho cấp trên: người ít tuổi tôn trọng người nhiều tuổi, điều đó là quá dễ. Ở đây cái cần tôn trọng là sự khác biệt của người khác. Cái này cực kỳ khó" - Ông Tiến nhấn mạnh.
Tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá thể cũng chính là nguyên tắc của một nền dân chủ cởi mở, mà dân chủ thì chính là động lực cho phát triển. Đây cũng chính là quan điểm Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nhắc đến như là lý do cho một nước Mỹ hùng mạnh trong một bài phát biểu cách đây 3 năm.
Còn Chủ tịch HĐQT FPT Software thì tự tin rằng tập đoàn mình đã đề cao tinh thần này ngay từ 25 năm trước - thời điểm FPT mới chập chững ra đời.
"Cách đây 3 năm, nếu ông Obama từng nói rằng nước Mỹ mạnh được vì nước Mỹ tôn trọng sự khác biệt thì cách đây 25 năm, anh Bình đã làm được chuyện đấy. Về sau, các anh lãnh đạo FPT đều mang chuyện này ra kể với nhân viên để coi đây như là một bài học rất sáng về tinh thần dân chủ ở trong công ty", ông Hoàng Nam Tiến nói.
Tất nhiên, để xác lập một tinh thần dân chủ hướng đến sự phát triển chung của tổ chức thì luôn cần những con người thẳng thắn như vị Chủ tịch Fsoft đương nhiệm. Tuy nhiên, thực tế là những người như ông Tiến thì có lẽ không nhiều bằng những người nhân viên thích 'nghe lời sếp'.
Ở cuối phần chia sẻ, vị này có nói đùa rằng sau ông thì trong FPT đã có 9 người khác 'đập bàn chửi sếp' như mình. "9 thằng đấy thì bị đuổi hết rồi!", ông Tiến hài hước nói.