Ông chủ đế chế chăm sóc tóc bỏ tiền túi cứu công ty khỏi khủng hoảng vì Covid-19

20/07/2020 14:34 PM | Kinh doanh

Để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho nhân viên trong bối cảnh doanh số sụt giảm, mỗi tháng, DeJoria và Mitchell phải chi 6 triệu USD tiền túi giúp công ty.

Vào năm 1980, John Paul DeJoria đã đặt cược 700 USD - toàn bộ số tiền tiết kiệm của ông, vào một loại dầu gội đầu mới mà ông tham gia cùng phát triển với chuyên gia tạo mẫu tóc Paul Mitchell. Với những kiện hàng chứa đầy những chai dung dịch gội đầu chỉ có duy nhất một màu trắng với các dòng chữ đen, do ông không có đủ tiền để đặt hàng những chai đựng nhiều màu sắc, ông đã “bán rong” sản phẩm của mình tới một loạt các tiệm làm tóc trên phạm vi thành phố Los Angeles. Vào buổi tối, ông phải ngủ ngay trên chính chiếc xe hơi của mình, một chiếc Rolls Royce đời cũ.

Sau khi đi “gõ cửa” nhiều nơi, một số tiệm làm tóc đã bắt đầu sử dụng sản phẩm của ông. Con số này tăng dần theo thời gian. Đó chính là khởi đầu của đế chế các sản phẩm làm đẹp John Paul Mitchell Systems. Forbes ước tính doanh thu của công ty trong năm 2019 lên tới 900 triệu USD.

Thương hiệu chăm sóc tóc trên cùng với Patron Tequila - công ty mà Dejoria đồng sáng lập vào năm 1989 (trong năm 2018, ông đã bán lại Patron cho Bacardi với giá trị lên tới 5,1 tỷ USD), đã góp phần đưa ông lọt vào danh sách những cá nhân giàu có nhất trên thế giới. Forbes ước tính khối tài sản ròng của ông đã cán mốc 3,2 tỷ USD. Cho dù đã có 4 thập kỷ thành công rực rỡ, nhưng Dejoria vẫn phụ thuộc rất lớn vào các tiệm làm tóc độc lập, động lực chính giúp thúc đẩy doanh số của công ty.

Thế nhưng chính chiến lược bán lẻ đã được áp dụng trong hàng thập kỷ này lại khiến cho tình hình kinh doanh của công ty bị lung lay trong dại dịch Covid-19. Các biện pháp cách ly xã hội đã khiến cho các tiệm cắt và làm tóc trên toàn quốc phải đóng cửa. Đây chính là ngành dịch vụ sở hữu hơn 950.000 cơ sở kinh doanh và tạo ra nguồn doanh thu lên tới 47 tỷ USD mỗi năm, theo một nghiên cứu của IBISWorld. “Doanh thu của chúng tôi đã giảm mạnh”, DeJoria cho biết. “Chúng tôi mất tới gần 60% doanh số”.

Cùng với Angus Mitchell - con trai của cố đồng sáng lập nên John Paul Mitchell System, hiện là nhà đồng sở hữu của công ty, DeJoria đã nhanh chóng xây dựng nên một chiến lược “sống còn” dành cho doanh nghiệp của mình. Kế hoạch này tập trung vào 3 nhóm chính: nhân viên của công ty, các nhà phân phối và hàng nghìn các tiệm làm tóc - động lực thúc đẩy doanh thu của công ty. Nhân viên của công ty được đặt lên vị trí số 1.

“Chúng tôi phải bảo vệ nhân viên của mình, cùng với đó là đảm bảo tương lai của họ vì các tiệm làm tóc đã đóng cửa hết khiến họ tỏ ra khá lo lắng”, ông chia sẻ. “Chúng tôi muốn để họ biết được rằng công việc và “kế sinh nhai” của họ sẽ không bị ảnh hưởng”.

Để có thể đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho cán bộ nhân viên trong bối cảnh doanh số sụt giảm, mỗi tháng, DeJoria và Mitchell đã phải “bơm” khoảng 6 triệu USD tiền túi của mình giúp công ty vượt qua thời kỳ khó khăn tài chính này.

“Khi chúng tôi gây dựng nên công ty này, chúng tôi không có gì cả. Và ngay cả khi chúng tôi đang có những vấn đề nhất định và tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng tôi vẫn tốt hơn rất nhiều so với trước kia”, ông chia sẻ. “Chúng tôi đã kiếm được kha kha tiền trước đó từ công ty, và khi công ty gặp khó khăn, chúng tôi lại bỏ tiền ra giúp lại công ty. Toàn bộ quyết định chỉ mất 30 phút để thống nhất”.

Có rất ít các công ty có lợi thế ông chủ là một tỷ phú, với nguồn tiền đủ lớn để có thể tài trợ các hoạt động của công ty cũng như tránh được tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng trong chiến lược hoạt động giữa thời đại dịch của DeJoria, chúng ta có thể thấy được những bài học: bằng cách nào các nhà lãnh đạo công ty đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự có thể sử dụng tầm ảnh hưởng cũng như các khoản dự trữ vốn của mình nhằm có thể chống đỡ cho một ngành dịch vụ kinh doanh trước khi nền kinh tế ổn định trở lại.

Để có thể tháo gỡ khó khăn cho các nhà phân phối, những đơn vị trung gian mua sản phẩm của công ty và bán lại cho các tiệm làm tóc, Paul Mitchell Systems đã cho gia hạn các giai đoạn thanh toán, đồng thời dành cho họ mức giá ưu đãi đối với các sản phẩm dầu gội và thuốc nhuộm. Điều đó gián tiếp cho phép họ bán lại sản phẩm của công ty cho các tiệm làm tóc với mức giá thấp hơn, qua đó, giúp cho nhu cầu hàng hóa của công ty tăng lên.

Chủ các tiệm làm tóc là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng nghìn tiệm làm tóc tạo ra nguồn doanh thu hàng triệu USD cho công ty. Họ cũng đóng vai trò là những lực lượng bán hàng tuyến đầu của DeJoria.

Toàn bộ ngành công nghiệp, đã bắt buộc phải đóng cửa vì các hành động tiếp xúc gần trong cửa hàng sẽ khiến rủi ro lây lan dịch bệnh tăng cao. Để giúp các cơ sở kinh doanh độc lập “sống sót”, John Paul Mitchell Systems tổ chức các cuộc gọi qua ứng dụng Zoom nhằm giúp các chủ salon áp dụng các biện pháp bảo vệ và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể vay được các khoản vay PPP. Các lớp học trực tuyến sẽ dạy cho họ bằng cách nào họ có thể gia tăng doanh thu khi cơ sở của họ được mở cửa trở lại, đồng thời cũng là những xu thế tóc và làm đẹp mới nhất trên thế giới.

Để giúp đỡ các cơ sở kinh doanh, DeJoria đã chuyển đối tác số lượng hàng hóa miễn phí tương ứng 4 triệu USD, nhằm giúp cho các cơ sở này tạo ra được nguồn lãi thuần một khi được mở cửa trở lại. “Chúng tôi thường sử dụng các sản phẩm của Paul Mitchell với giá trị khoảng 2.000 USD mỗi tuần”, theo Liz Monreal, chủ salon tóc Ink tại thành phố San Diego. “Gói hỗ trợ cho phép chúng tôi nhận được các sản phẩm miễn phí trong 3 tháng. Chồng của cô cho biết: “Công ty đã vận chuyển khối lượng hàng hóa khoảng 7.000 USD tới cơ sở của chúng tôi và đó chính là động lực để chúng tôi kinh doanh tốt hơn trong tương lai”.

Trong một bài phỏng vấn ngày 9/7 vừa qua, gia đình nhà Monreal cho biết các biện pháp cách ly xã hội đã mang lại cho họ rất nhiều khó khăn, nhưng doanh thu của công ty đã đạt mức 75% so với trước đại dịch. Tình hình lại trở nên khó khăn hơn khi vào ngày 13/7 vừa qua, chính quyền bang California một lần nữa buộc các cơ sở kinh doanh trong nhà, trong đó có các tiệm làm tóc tại các hạt quan trọng, chiếm tới 80% trong tổng số hơn 40 triệu người dân của bang.

Trước giai đoạn “đóng cửa” thứ hai này, DeJoria cho biết rằng doanh số của công ty đã tăng trưởng khoảng 70% sau khi chạm đáy vào tháng 5, giảm 30% so với thời điểm trước đại dịch. Khi nghe được tin bang Californa sẽ “đóng cửa” trở lại, ông cho biết: “Các salon tóc đã làm tất cả những gì đúng đắn nhất để có thể mở cửa trở lại, và chúng tôi không phát hiện ra bất cứ một tường hợp vi phạm nào. Hy vọng rằng tình hình này sẽ mau chóng qua đi”.

Cho dù gặp rất nhiều khó khăn, Dejoria cho biết ông và Angus Mitchell sẽ tiếp tục đầu tư vào công ty để có thể vượt qua được giai đoạn đầy bất ổn này. “Tôi tin rằng các tiệm làm tóc sẽ phát triển nhộn nhịp trở lại”, ông chia sẻ. “Đó là điều không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị để có thể thực hiện được tất cả những điều cần thiết mà không phải nghĩ quá nhiều. Hãy cùng nhau thực hiện chúng nào”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM