Người Việt "mê mẩn" ăn thịt, bỏ quên rau: Chuyên gia dinh dưỡng đưa ra hàng loạt con số giật mình

20/12/2020 14:20 PM | Sống

Theo chuyên gia 30 năm qua lượng tiêu thụ thịt của người Việt đã tăng 6 lần trong khi rau xanh chỉ đạt 1 nửa khuyến nghị.

Đó là một trong những sự mất cân đối trong bữa ăn của người Việt được PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, Viện Y học ứng dụng, Nguyên Trưởng khoa Vi Chất Dinh Dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia chỉ ra.

Trên thế giới theo thống kê của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoa Kì ( USDA) Mỹ và Australia đứng đầu danh sách nước tiêu thụ thịt nhiều nhất thế giới với 100 kg/người/năm, tương đương khoảng 50 con gà hoặc nửa con bò. Hầu hết các nước Tây Âu tiêu thụ từ 80 - 90 kg thịt/người/năm.

Theo vị chuyên gia vi chất, tại Việt Nam mức tiêu thụ thịt trung bình mỗi người Việt tăng nhanh trong 19 năm qua, từ 8,15kg thịt lợn lên 32,77kg một năm, thịt bò từ 1,69kg lên 11,92kg.

30 năm qua lượng tiêu thụ thịt của người Việt tăng 6 lần, trong khi ăn rau xanh chỉ đạt một nửa so với mức khuyến nghị.

 Người Việt mê mẩn ăn thịt, bỏ quên rau: Chuyên gia dinh dưỡng đưa ra hàng loạt con số giật mình - Ảnh 1.

Mức tiêu thụ thịt của người Việt đang tăng, ảnh minh hoạ.


Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn dưới 14g thịt. Năm 2010 đã tăng đến 85g. Mức tiêu thụ thịt của người dân ở nông thôn bằng 2/3 người thành thị. Người dân khu vực đồng bằng sông Hồng ăn thịt nhiều nhất.

So với khuyến nghị của Viện dinh dưỡng nhu cầu protein khuyến nghị cho người trưởng thành là 60-70g/ ngày, trong đó protein động vật chiếm trên 30%, Tỷ lệ thịt trong bữa ăn của người Việt đã tăng lên và dần đạt mức khuyến nghị.

"Có sự thay đổi trong khẩu phần ăn của người Việt. Lượng Protid và Lipid trong khẩu phần tăng làm cho khẩu phần ăn hiện nay cân đối hơn. Các thực phẩm ăn vào hàng ngày đa dạng hơn so với bữa ăn đơn điệu trước đây.

Người Việt ngày nay ít ăn cá, mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nên ăn nhiều cá hơn. Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày tiêu thụ khoảng 40 g cá, sau 25 năm chỉ tăng lên đến 60g. Lượng trứng, sữa ăn tăng gấp 20 lần, phần lớn là người già, trẻ nhỏ dùng", PGS.TS Xuân Ninh cho hay.

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, thịt lợn chiếm tới 65 – 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 – 20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản.

PGS.TS Xuân Ninh cho biết: "Thịt là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong bữa ăn của 1 người trưởng thành khi cung cấp protein tham gia cấu trúc tế bào, mô, cơ bắp, tạo ra các hormone và enzym cho cơ thể.

Tuy nhiên nên ăn xen kẽ các loại thịt vào mỗi bữa, mỗi ngày (ăn khoảng 3 lần/tuần với mỗi loại thịt, cá), tránh việc ăn chỉ 1 loại thịt trong vài ngày liên tiếp, đặc biệt là thịt bò, thịt lợn. Hai loại thịt này chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt... làm tăng cường cơ bắp, nhưng cũng có hàm lượng protein động vật cao, dễ gây bệnh về thận, mỡ máu, huyết áp".

Chuyên gia vi chất cũng khuyến cáo thêm, với thịt đỏ, chỉ nên ăn tối đa 3 lần/tuần/người sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề không tốt cho sức khỏe.

Nên giảm lượng thịt, tăng cường rau củ, hạt trong bữa ăn. Trong đó, đậu là nguồn protein thực vật lành mạnh có tác dụng chống oxy hóa, ung thư và điều hòa cholesterol tốt.

Theo khuyến cáo của Anh và Mỹ lượng thịt khuyên dùng tối đa cho người trưởng thành là 70gram/ ngày hoặc 500gram mỗi tuần đối với thịt đã nấu chín. Nhật Bản ăn rất ít thịt, trung bình mỗi người ăn 300gam cá, đậu phụ hơn 100 gam, thịt các loại có 63gam.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM