Người sáng lập và “ẩn phí” của sự thành công

20/08/2016 09:30 AM | Kinh doanh

Những phẩm chất vĩ đại của một người sáng lập có thể dẫn đến tình trạng “xơ cứng” trong doanh nghiệp gia đình và hủy hoại năng lực của những người kế nghiệp.

Những nhà sáng lập bắt đầu từ hai bàn tay trắng và tạo dựng nên một doanh nghiệp thành công. Điều đó đòi hỏi năng lượng, tài năng, sự chăm chỉ và cả vận may. Họ phải đối mặt những thách thức lớn và không ngừng quyết tâm. Tất nhiên, sau những năm tháng đầy nỗ lực, họ được gia đình và cộng đồng đối xử như những anh hùng.

Một phần của sự thành công này có thể xuất phát từ “tính tự yêu mình” (tâm lý học gọi là narcissism – cảm giác tự cao về bản thân). Thực ra, theo chuyên gia quản trị người Hà Lan Manfred Kets De Vries – sáng lập viên của Trung tâm lãnh đạo toàn cầu thuộc Trường Kinh doanh INSEAD, một mức độ nhất định của tính tự yêu mình là cần thiết để thắp lửa và duy trì lòng can đảm, sự kiên trì, những điều đã tạo động lực và làm nên những Henry Ford và Bill Gates của thế giới này. Narcissism thường là một lý do để những nhà khởi nghiệp lựa chọn nhằm tỏa sáng trên những con đường mà họ vạch ra.

Tuy nhiên, một khi các nhà sáng lập doanh nghiệp đã tạo được sự thành công thì tầm vóc và đặc quyền mà chúng mang lại có thể tạo nên “tính yêu mình thái quá và không lành mạnh” (hay còn gọi là chứng ái kỷ), được thể hiện qua tính tự cao tự đại, khát vọng được chú ý và ngưỡng mộ cũng như sự thiếu thông cảm với người khác. Nếu không được thấu hiểu, khía cạnh “đen tối” này có thể đe dọa sức khỏe của doanh nghiệp và năng lực của những người kế nghiệp tương lai.

Nhận dạng khía cạnh đen tối

Khái niệm về “chứng yêu mình thái quá” do Sigmund Freud giới thiệu và “narcissism” có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Hy Lạp Narcissus, người say đắm hình ảnh của chính mình phản chiếu trên chiếc hồ đến nỗi anh ta không thể thấy, nghe và phản ứng với những nhu cầu hay lời cảnh báo của người khác.

Các nhà tâm lý học cho rằng “chứng yêu mình thái quá”, nói một cách cô đọng, là một phản ứng với cảm giác dễ bị tổn thương, với những lo lắng rằng cho dù thành công thì một người vẫn có thể bị mất tất cả.

Những người này tìm kiếm sự bù đắp bằng cách tạo ra những điều kiện có thể liên tục nhắc nhớ họ rằng họ thật đặc biệt và xứng đáng với sự tung hô (hoặc xu nịnh) của người khác.

Sau nhiều năm quan sát, chuyên gia quản trị Kets De Vries cho rằng dường như nhiều doanh nghiệp gia đình đã đồng hóa những yếu tố từ tính cách thái quá của người sáng lập vào quy trình kinh doanh và bản sắc của tập thể doanh nghiệp đó. Một khi “tính yêu mình thái quá” của người sáng lập ăn sâu vào văn hóa gia đình thì năng lực duy trì doanh nghiệp gia đình cũng trở nên bị suy yếu.

Những gia đình “ái kỷ” thường tự “đóng cửa” trước sự học hỏi. Họ phát triển một cảm giác đặc quyền và có niềm tin rằng vị trí của họ quá phức tạp nên khó có ai khác có thể hiểu được. Thái độ này cản trở khả năng tự thích ứng, có những doanh nghiệp gia đình đã buộc phải rời khỏi thương trường vì không chịu từ bỏ những sản phẩm hay cách kinh doanh đã lỗi thời để chấp nhận các ý tưởng mới hay thay đổi chiến lược.

Nói thế không có nghĩa là phủ nhận và không tôn vinh thành tựu khởi nghiệp của thế hệ đi trước. Những thành tựu này là một phần không thể tách rời của di sản và bản sắc một doanh nghiệp gia đình. “Cái bẫy” cần lưu ý ở đây là “sự yêu mình thái quá” có thể làm cho các gia đình lý tưởng hóa người sáng lập đến mức độ làm xói mòn lòng tự trọng, năng lực và cá tính của các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là những người kế nghiệp tương lai.

Biện pháp đối phó

Nếu các gia đình doanh nhân có thể tăng mức độ nhận thức với mối đe dọa từ đặc điểm tâm lý vốn có này trong lãnh đạo doanh nghiệp thì khả năng chống lại những ảnh hưởng của nó sẽ tốt hơn. Trân trọng thành tựu của những người sáng lập và nhận biết cả “sự điên rồ” của họ có thể giúp cho những ai sống lâu trong cái bóng của họ trở nên vững vàng hơn.

Tán thưởng sự khác biệt của mỗi thành viên trong gia đình và tầm quan trọng của giáo dục, tôn trọng quyền theo đuổi khát vọng riêng của mỗi người sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình giữ được tầm nhìn xa – có thể đối đầu lại “sự tự yêu mình thái quá”. Việc tham dự các diễn đàn, sự kiện, hiểu thêm về những thành tựu cũng như thất bại của các doanh nghiệp khác cũng có thể giúp ích nhiều cho thành viên của doanh nghiệp gia đình – kể cả người sáng lập – trong việc duy trì một tầm nhìn xa và thái độ khiêm nhường cần thiết.

Theo TÂM MAI

Cùng chuyên mục
XEM