Từ vụ Thu Minh: Những định kiến mà người Việt hay mắc phải trong kinh doanh

18/08/2016 09:47 AM | Kinh doanh

Định kiến là thứ ở trong đầu chúng ta, nên nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ dễ dàng bị nó lôi kéo và dẫn tới quyết định sai lầm trong kinh doanh.

Những ngày qua, dư luận đang đổ dồn vào vụ doanh nghiệp gỗ Gia Hân cùng nhiều công ty khác tố Global Home, doanh nghiệp mà ông Otto De Jager được biết đến là chồng ca sĩ Thu Minh từng làm đại diện, trốn nợ, lừa doanh nghiệp.

Khi câu chuyện chưa ngã ngũ, có một một vấn đề chung được nhiều doanh nhân quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là những định kiến rất Việt Nam, làm ăn "vì tin vào uy tín của người nổi tiếng", vì "tin vào sự giàu có của đối tác", đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khóc dở mếu dở khi xảy ra tranh chấp.

Bài viết dưới đây của ông Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt sẽ nêu ra một định kiến thường gặp của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SMEs trong kinh doanh.


Tôi vốn ít quan tâm tới những vụ scandal trong giới kinh doanh hay showbiz, nhưng quả thật khi nghe một người bạn đặt câu hỏi: Trong vụ việc gần đây của vợ chồng ca sĩ Thu Minh, là một người làm kinh doanh, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Thì lúc ấy quả thật tôi mới suy nghĩ và thấy thực sự có một số chuyện phải bàn.

Về đạo đức kinh doanh, hay ai đúng ai sai tôi sẽ không bàn nữa, mà ở đây xin chỉ nói tới việc tại sao chuyện này lại xảy ra. Theo tôi, đó là do một số định kiến của người kinh doanh tại Việt Nam:

1. Cứ tin là làm

Nhìn từ góc độ văn hóa, chúng ta - những người châu Á có tư duy khá khác so với người phương Tây.

Với họ thì làm việc trước khi làm bạn, còn chúng ta thì cứ phải làm bạn rồi mới bắt tay vào làm ăn được.

Cách nghĩ làm này khiến chúng ta bỏ qua việc cân nhắc người bạn của chúng ta có đủ trình độ chuyên môn và tính cách có phù hợp để cộng tác hay không. Và khi xảy ra chuyện thì như nhiều việc tôi đã từng chứng kiến, chúng ta mất cả công việc lẫn tình cảm bạn bè.

2. Không chú trọng việc mở rộng số lượng và các nhóm khách hàng khác nhau

Người Việt khi kinh doanh, có mối quan hệ nào thì hay nghĩ đầu tiên tới việc tận dụng mối quan hệ đó để làm ăn. Và vì thế nếu làm ăn mà tốt thì từ đó trở đi họ chỉ còn phụ thuộc vào mối quan hệ đó.

Rủi ro nằm ở chỗ, nếu đối tác của chúng ta phát triển nhanh và vượt qua tốc độ của thị trường thì không sao. Nếu họ dần tụt dốc thì chúng ta, do không có ai khác ngoài họ, cũng theo đà đó mà đi xuống và không hề ý thức được rằng mình đang tụt hậu.

3. Qua các bài báo, tôi thấy có điểm chung khá "lạ", đó là nhiều người Việt thích làm việc với người giàu là một, người nổi tiếng là hai

Vì hình như họ dựa vào những yếu tố đó để thấy yên tâm là đối tác như thế thì sẽ không “lật kèo”. Cái kiểu suy nghĩ “chả nhẽ người ta dường ấy mà lại lừa mình” khiến nhiều người muốn làm việc ngay và nhanh với người to nhất, mạnh nhất trong cả thị trường. Có thể họ nghĩ rằng việc đó còn thêm một điểm mạnh là "một người to bằng cả làng người nhỏ".

Trong khi như tôi từng phân tích ở các bài viết về phân phối, cần luôn chú trọng vào số lượng đối tác. Công thức [200x10 triệu > 2 x 1 tỷ] là thứ cần luôn phải khắc sâu vào những người làm kinh doanh. Số đông khách hàng đảm bảo cho chúng ta một tương lai chắc chắn và phát triển vững bền hơn. Đó là chưa kể tới việc chăm sóc số lượng khách hàng nhỏ dễ hơn nhiều và có rơi rụng thì cũng đỡ nguy hiểm hơn so với vài khách hàng lớn.

4. Chuẩn bị cho rủi ro

Thế giới đầy biến động, đã có những người từng rất giàu chỉ trong một đêm mất sạch gia sản. Không ai có thể chắc chắn được rằng mình 100% sẽ thành công. Vậy nên mới có môn nghiên cứu về thống kê và rồi món kinh doanh bảo hiểm.

Ấy thế nhưng hình như các công ty SME ở Việt Nam ít khi tính tới việc đó. Hầu hết đều để nước tới chân mới nhảy. Tôi từng gặp nhiều bạn từng mở công ty rất thành công. Nhưng chỉ sau 2-3 tháng gặp phải đối tác nước ngoài, lúc thì do bị lừa, lúc lại do không may trong sản xuất nên thành ra phá sản phải quay lại làm thuê cho công ty khác chờ thời.

Chuyện đáng nói không phải là họ thất bại mà là cái cách họ thất bại. Tới giờ vẫn có quá nhiều người cho rằng kinh doanh giống như cờ bạc, và kết quả kinh doanh rất giống lúc các con bạc “mở bát” hoặc khi TV thông báo kết quả xổ số cuối ngày. Họ nên bắt đầu học cách coi kinh doanh là một môn khoa học, chứ không phải trông chờ vào “Mẫu độ Cô thương”.

Định kiến là thứ ở trong đầu chúng ta, nên nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ dễ dàng bị nó lôi kéo và dẫn tới quyết định sai lầm.

Đỗ Xuân Tùng

Cùng chuyên mục
XEM