[NGHỀ CỦA TÔI] Nghề “đánh bóng mặt đường”

27/05/2015 21:57 PM | Nghề nghiệp

Dù mưa dầm hay nắng chói, dù giữa đêm hay trưa hè ai gọi là bác lên xe và đi, những xe hàng cao chót vót, những kiện hàng nặng trịch...

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đang ở giai đoạn nước rút. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Nghề đánh bóng mặt đường'" của tác giả Tiểu Mẫn. Mời quý độc giả đón đọc.


Đáng lẽ tôi có thể viết về nghề của mình như mọi người, bởi công việc nhân viên văn phòng của tôi cũng có lúc thăng, lúc trầm, cũng có lúc phải rơi nước mắt, nở nụ cười. Nhưng khi được nhìn thấy bác, một người lính già đang phải oằn mình vì miếng cơm manh áo hàng ngày, vì tương lai của ba đứa con, lương tâm tôi đã mách bảo mình nên viết về bác. Một người chở hàng bằng xe ba gác, hay nói theo cách khôi hàng của bác là nghề “đánh bóng mặt đường”.

Bác Trần Mạnh Toàn sinh năm 1960 ở Thành phố Thanh Hóa, người đã có 15 năm với nghề chở hàng bằng xe ba gác. Vừa nhìn tôi nhầm tưởng bác khoảng 60 hay 70 tuổi gì đó, nhưng khi bác nói mới có 55 tuổi tôi đã giật mình nhìn lại. Dáng người nhỏ, nước da đen sạm, những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác, những sợi tóc bạc trắng đầu. Có lẽ cái nghề phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đi mưa, về nắng đã làm cho bác trở nên già nua hơn. Ấy vậy mà bác vẫn vui vẻ, khôi hài và cười với tôi như đang trút bỏ đi mệt nhọc. Hơn thế nữa bác đã yêu nghề và gắn bó với nó hơn 15 năm qua mà vẫn không một lời than thở. Tôi thật sự khâm phục bác, khâm phục trách nhiệm, nhiệt huyết của bác dành cho công việc của mình.

Hai vợ chồng bác sinh được ba người con, dù hoàn cảnh có khó khăn bác vẫn khuyên con học hành nên người. Anh cả học Đại học văn hóa, con thứ học Cao đẳng và cậu út đang theo học nghề ảnh viện áo cưới. Cả ba đều trông chờ vào đồng tiền bác kiếm được nhờ chiếc xe và đồng lương ít ỏi của bác gái làm công nhân cho xưởng đá gần nhà.

Đúng là nghề nào cũng có cái riêng biệt của nó, người làm bác sĩ luôn xem bệnh nhân là sinh mạng của chính mình, nghề giáo viên đem lại con chữ cho học sinh… Ai cũng có một nghề dù lao động bằng đầu óc hay bằng chân tay thì đều cần đến tình yêu và lòng nhiệt huyết. Bác cũng vậy dù mưa dầm hay nắng chói, dù giữa đêm hay trưa hè ai gọi là bác lên xe và đi, những xe hàng cao chót vót, những kiện hàng nặng trịch bác vẫn dùng hết sức của mình để làm việc tận tình cho khách. Những người khách gọi hàng ai cũng quý mến bởi tính điềm đạm, siêng năng, cần cù của bác.

Ban đầu bác chỉ chở khách nhưng chẳng ăn thua, đã thế ở cái tuổi bác khi phải oằn mình chở những cô cậu đáng tuổi con cháu mình còn bị nói lời thô tục, xúc phạm. Khách nói với bác chỉ đi 1km nhưng đến khi lên xe đi lại lên đến 5 - 6 km, đến nơi bác xin thêm tiền công còn bị mắng chửi thậm tệ, có lần còn bị dọa đánh. Cũng có lần vào đêm khuya bác gặp cụ già hoặc người cơ nhỡ không có tiền đi xe bác lại chở giúp về nhà. Thu nhập chẳng được bao nhiêu lại hay xích mích với đồng nghiệp về chuyện bắt khách nên bác chuyển sang chở hàng cho dân và cho các đại lí bán hàng.

Có lẽ chiếc xe cũ kĩ đã gắn bó hơn 15 năm, cùng bác đi qua bao nhiêu con đường ở đất Thanh này là người bạn trung thành lâu năm nhất với bác. Nhìn bác mồ hôi nhễ nhại bê những kiện hàng cho khác mà vẫn nở nụ cười tươi lòng tôi thấy cảm phục. Một ngày công bình quân chỉ được một hoặc hai trăm ngàn đồng nhưng sự lạc quan, nhiệt tình và luôn đặt trách nhiệm trong công việc lên trên của bác đã khiến mọi người phải học tập.

Khi tôi hỏi bác đã nhiều tuổi sao không chọn công việc nhẹ nhàng hơn để làm bác chỉ cười. Đối với bác ba bánh xe và những con đường trở thành người bạn đời thân thiết. Ít ai biết được những ngày xe hỏng không kịp giao hàng đến nơi khách cần bác đã bị mắng nhiếc thậm tệ.

Nhiều người tốt khi bác đến nơi đã phụ giúp mang hàng xuống, còn nhiều người thì hạch họe thế này, thế kia. Có lần bác khiêng xong cả xe hàng đặt ở vị trí họ yêu cầu, họ không ưng thuận lại bắt bác khiêng đặt ra chỗ khác. Nhiều khi bác phải rơi nước mắt vì những gì họ đối xử với mình, nhưng xong công việc bác lại gạt đi và cho qua tất cả. Bác nghĩ mình là người lính cụ Hồ, đã được dạy tính kiên trì, nhẫn nại, đã được học cách rèn luyện, chịu đựng trước sóng gió cuộc đời, trước miệng lưỡi thế gian nên không cần đặt nặng tư tưởng vào những vấn đề như vậy.

Sau khi bác bốc xong xe hàng trước cái nắng 39 - 40 độ, khuôn mặt bác đỏ gay vì nóng, những giọt mồ hôi thi nhau lăn trên trán xuống mắt, xuống miệng, bộ quần áo bác đang mặc ướt đẫm mồ hôi. Vậy mà khi tôi mời bác ngồi nghỉ ngơi cho mát rồi đi bác lắc đầu bảo còn mấy chuyến hàng bác phải chạy cho kịp không lại về tối. Đã hơn một tuần rồi bác không được ăn cơm cùng gia đình vì về muộn, nhưng sau một hồi tôi nì nèo bác đã ngồi nghỉ một lúc. Và những lần như vậy tôi lại được trải nghiệm về nghề chạy xe ba gác của bác.

Ngồi nghỉ chưa ráo mồ hôi bác lại đi vì sợ muộn hàng của khách, tôi cũng không dám giữ bác lại lâu vì sợ hàng giao chậm cho người ta bác lại bị mắng. Tiễn bác một đoạn ra cổng công ty tôi đứng nhìn theo bóng lưng bác hồi lâu, nhìn theo vòng quay vội vã, nhanh chóng của những bánh xe đang lướt nhanh trên mặt đường nhựa nóng rực, những cảm xúc lẫn lộn trong tôi lại trào dâng.Kết thúc một ngày làm việc vất vả, khi bữa ăn tối của gia đình tôi được dọn ra tôi lại nghẹn lòng nghĩ đến bác. Giờ này có lẽ bác đang ngồi trên xe hoặc đang vội vã khiêng vác những kiện hàng vào cuối ngày, vợ con bác lại đang thấp thỏm lo âu ở nhà. Nhưng tôi ấm lòng khi nghĩ đến nụ cười nơi bác, nghĩ đến câu chào khôi hài của bác lúc giao hàng xong cho công ty tôi ra về: “Bác lại đi đánh bóng mặt đường đây cháu”

Tiểu Mẫn

>> Các bài dự thi khác:

Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu

Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân

Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Cùng chuyên mục
XEM