[NGHỀ CỦA TÔI] Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính
Gia đình tôi không có truyền thống binh nghiệp, ước muốn của tôi không phải là được khoác lên mình màu áo xanh và tôi cũng chưa từng mơ tưởng về một chuyện tình đẹp với “chú bộ đội” nào đó như nhiều bạn khác...
Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức khởi động được 1 tuần lễ. Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.
Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính" của tác giả - nữ quân nhân Biện Thanh Tuyền. Mời quý độc giả đón đọc.
Có lẽ bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng đôi lần tự hỏi: Mình thích gì, mình phù hợp với điều gì và mình có thể làm gì? Những tháng cuối cùng của thời áo trắng, tôi vẫn thường tự hỏi như vậy. Cầm trên tay tờ giấy đăng kí thi đại học, tôi vẫn không biết cuộc đời mình nên rẽ sang ngả nào. Trong trí tưởng tượng của những cô cậu học sinh như tôi, nghề nghiệp là một thứ gì đó xa lạ và trừu tượng lắm.
Trong lúc đang băn khoăn với tương lai của chính mình, tôi quyết định đăng kí thi vào học viện kĩ thuật quân sự theo lời khuyên của người thầy tôi kính trọng nhất. Thầy là giảng viên toán đã về hưu của một trường quân đội.
Dường như may mắn đã mỉm cười, tôi có trong danh sách 14 thí sinh nữ trúng tuyển của cả khóa.
Mấy ngày đầu nhập ngũ, tôi cũng tự thấy mình khác với các bạn. Gia đình tôi không có truyền thống binh nghiệp, ước muốn của tôi không phải là được khoác lên mình màu áo xanh và tôi cũng chưa từng mơ tưởng về một chuyện tình đẹp với “chú bộ đội” nào đó như nhiều bạn khác...
Mười tám tuổi, tôi đến với cuộc sống mới như một cái duyên... Và đôi khi, người ta yêu cái duyên đến với mình từ bao giờ không biết
Chặng đường đầu tiên làm quân nhân của tôi mở đầu bằng sáu tháng rèn luyện ở lục quân, nơi mà mọi người vẫn hay gọi đùa là “luộc quân”. Đó là lần đầu tiên tôi sống xa nhà lâu như vậy. Vốn là con nhà nông, đã quen lao động chân tay nên việc dậy sớm, thực hiện 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần hay tăng gia sản xuất không làm khó được tôi. Thế nhưng với một đứa con gái xưa nay chỉ biết đến sách vở thì súng ống, lựu đạn, thuốc nổ... thực sự rất xa lạ.
Tôi còn nhớ mình đã loay hoay như thế nào trong lần đầu tiên học cách gấp chăn sao cho vuông vức, đúng kích thước.
Tôi nhớ mình khẽ run lên vì gió lạnh Sơn Tây trong lần đứng gác đầu tiên của một đêm giữa tháng chín.
Tôi nhớ mình giật bắn lên khi nghe tiếng của viên đạn đầu tiên bay ra khỏi nòng súng trong bài bắn số một.
Tôi nhớ rõ cảm xúc của lần đầu tiên cầm quả lựu đạn trên tay và nhận được lệnh cơ động lên ném lựu đạn. Những đoạn hào trên đường di chuyển, sự lo lắng, hồi hộp, tiếng đập mạnh của trái tim...tất cả, không còn là những thước phim tôi từng thấy mà trở lên rất chân thực và rõ nét.
Tôi nhớ gương mặt lấm lem vì bùn đất của đồng chí, đồng đội...
Những buổi học của chúng tôi cũng không phải là giảng đường với bàn ghế, bút viết mà là những con đường hành quân hay ngọn đồi đầy nắng gió với súng vác trên vai... Hồi đó, đại đội của tôi có 2 trung đội nữ. Trên thao trường, ngoài giờ tập luyện, chúng tôi thường hay ngồi tụm lại cùng nhau chia sẻ gói lương khô, cùng hát lên câu ca để quên đi nỗi nhớ nhà và những vất vả, gian nan. Giữa tất cả, không còn phân biệt bạn-tôi, hoàn cảnh, gia đình, quê hương... mà cùng hòa vào một màu áo xanh. Trong đầu tôi đôi lần vang lên ca từ của bài thơ:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
(Đồng chí_Chính Hữu)
Kết thúc đợt huấn luyện, chúng tôi trở về trường chính thức học tập theo những chuyên ngành khác nhau. Sau một học kì, tôi được cử đi học tại Liên Bang Nga. Cuộc sống mới xa lạ nơi đất khách quê người, không còn những chế độ, kỉ cương, không còn màu áo xanh bỗng khiến tôi hụt hẫng. Tôi nhớ da diết màu áo K03, nhớ đồng chí, đồng đội, nhớ đơn vị- nơi mà tôi đã gắn bó, yêu thương và được yêu thương. Cũng chính bởi những cảm xúc đó, tôi chưa bao giờ quên rằng, dù ở đâu mình vẫn là một người lính. Tôi nhận ra mình thích gì, cần làm gì và mong muốn cống hiến vì điều gì, tôi không còn quan tâm đến việc mình sẽ đi đâu, về đâu, “rừng sâu biên giới” hay “ngoài đảo xa”...
Gần bốn năm kể từ ngày nhập ngũ, môi trường quân đội đã chuẩn bị hành trang cho tôi tiếp tục bước đi trên con đường hiện tại. Tôi gọi đó là tình yêu. Xương máu cha ông đã đổ xuống vì nền độc lập của dân tộc không còn là những câu hát, bài thơ, tất cả dường như đã ngấm vào máu thịt tôi, hình thành một mối liên hệ mật thiết và bền chặt mà tôi không thể gọi tên. Họ không chỉ là thế hệ đi trước, với tôi, họ là đồng chí, đồng đội. Tôi tự hào và yêu tha thiết hai tiếng “Việt Nam” hơn bao giờ hết.
Tôi nghĩ rằng mình đã không mất quá lâu để trả lời câu hỏi “Mình thích gì, mình phù hợp với điều gì và mình có thể làm gì?”. Bởi câu trả lời chính là con đường mà tôi đang đi. Tôi có lẽ chưa đủ tài giỏi để khiến bố mẹ tự hào về những gì tôi sẽ đạt được, làm được hay vì mình là ai trong cuộc đời, nhưng tôi luôn muốn bố mẹ tự hào về cái mà con gái của họ đang yêu và theo đuổi bằng cả trái tim.
>> Bài dự thi trước: Dưới lòng phố, những tên lính ẩn mình
Biện Thanh Tuyền
Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn
Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên
Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm
Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.
01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.
10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.
Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.