[NGHỀ CỦA TÔI] Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

18/05/2015 19:10 PM | Nghề nghiệp

Làm việc bên này được 2 năm, tôi đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, trong khi ở Việt Nam, các bạn của tôi lần lượt tốt nghiệp đại học...

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?" của tác giả Đặng Thị Bảo Ngọc. Mời quý độc giả đón đọc.


Khi quyết định không thi đại học, tôi đã vấp phải không biết bao nhiêu sự phản đối. Đầu tiên là từ cha mẹ, sự phản đối khi là kịch liệt, lúc lại năn nỉ ỉ ôi, phân tích thiệt - hơn, hay - dở, rồi khi không còn biết phải làm gì với tôi thì mẹ đã khóc, lòng trắc ẩn không khiến tôi thay đổi thì mẹ lại dọa sẽ chết cho tôi vừa lòng.

Rồi đến các anh chị em họ hàng của tôi, hội khuyến học của dòng họ, tất cả vào cuộc, để không bỏ lỡ cơ hội có thêm một người đỗ đại học làm vẻ vang cả dòng họ có truyền thống hiếu học lâu đời. Bạn bè trong lớp, ngoài trường xì xào nói tôi chạy trốn, không dám thi đại học vì sợ trượt, tất cả cũng do cái bề dày thành tích đỗ đạt của gia đình, dòng họ đã khiến cho kẻ “nhàng nhàng” như tôi bị quá nhiều áp lực. Cô bạn “tình trong như đã…” của tôi, sau khi khuyên can hết lời không được thì đã kết luận tôi là “đồ gàn dở” và không còn thèm nhìn mặt tôi nữa. Các thầy cô là đồng nghiệp của cha mẹ thì không thể tin được nỗi khổ của cha mẹ tôi. Họ đinh ninh cha mẹ tôi đã tích đủ tiền để cho tôi đi du học…

Càng bị phản đối, tôi càng giữ vững lập trường và bản lĩnh của một thằng con trai 18 tuổi. Tôi không giải thích gì nhiều, chỉ ngắn gọn với cha mẹ rằng “mỗi người có một cách sống, một quyết định, một con đường riêng và con sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Đúng là tôi không đủ giỏi để lập nghiệp bằng con đường học vấn. Sinh ra trong một gia đình rất trọng “học vấn”, từ bé tôi luôn được dạy rằng, học giỏi là có tất cả, ngoài con đường đại học thì không còn con đường nào khác để thành công. Nhưng dần dần từ thực tế cuộc sống, tôi thấy nhiều những tấm gương tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm hoặc làm trái ngành nghề, trụ lại ở thành phố không xong mà về quê làm việc thì không đành. Họ chỉ là những người giỏi vừa vừa, hơn tôi hoặc như tôi mà thôi.  Tôi cũng biết nhiều những tấm gương không có bằng đại học mà vẫn thành triệu phú, tỉ phú, chính đáng và đàng hoàng.

Tôi đã có ước mơ cho riêng mình kể từ khi phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) rầm rộ khắp mọi thôn, xóm. Đô la từ nước ngoài gửi về khiến cho quê tôi chuyển mình, thay da đổi thịt từng ngày. Những “phố Đài Loan”, “phố Hàn Quốc” mọc lên san sát, toàn là nhà cao tầng xây theo lối biệt thự, rồi ô tô, xe máy tấp nập từ đầu làng đến cuối xóm. Và tôi đã quyết định chọn cho mình con đường đi XKLĐ.

Tôi may mắn gặp được người họ hàng xa làm cho công ty XKLĐ. Anh đã tư vấn cho tôi việc đi học nghề trước khi định đi XKLĐ bởi lao động có tay nghề cao mới có thu nhập tốt. Khi tay nghề vững, thì tập trung vào học ngoại ngữ, tìm hiểu về pháp luật, phong tục tập quán của nước sở tại, tôi càng chuẩn bị tốt bao nhiêu thì khi xuất cảnh tôi càng có cơ hội tốt bấy nhiêu.

Anh khuyên tôi nên hướng đến thị trường Nhật Bản, thị trường lao động tuy là khắt khe hơn cả nhưng có thu nhập cũng như điều kiện làm việc tốt. Anh cho tôi hay, để đi XKLĐ cần có sự ủng hộ của gia đình vì đó là một trong những yêu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài và phí để đi là một khoản không hề nhỏ, tôi nên nói rõ quyết định của mình cho gia đình để được hiểu và giúp đỡ.

Khi quyết tâm của tôi lên cao, cũng là lúc sự phản đối của gia đình giảm bớt. Cha mẹ dù không vui nhưng vẫn chu cấp tiền cho tôi đi học nghề. Tôi mất hai năm chăm chỉ vừa học, vừa làm, vừa mày mò để có bằng trung cấp cơ khí loại giỏi cũng như có tay nghề khá vững. Mất thêm 6 tháng để học tiếng và hoàn tất mọi thủ tục, tôi đã xuất cảnh sang Nhật mang theo mơ ước làm giàu.

Chưa đến 6 tháng tôi đã trả được hết mọi khoản phí khi đi và bắt đầu có tích cóp. Thị trường Nhật Bản đào tạo con người cả về trình độ chuyên môn và ý thức, tác phong của một lao động chuyên nghiệp đều rất tốt, tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Với tay nghề và ngoại ngữ tốt, tôi nhanh chóng được đề bạt lên làm trưởng dây chuyền, rồi lên vị trí quản đốc trong một công ty khuôn mẫu.

Làm việc bên này được 2 năm, tôi đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, trong khi ở Việt Nam, các bạn của tôi lần lượt tốt nghiệp đại học và còn đang loay hoay xin việc. Con đường tôi chọn dù chưa được thành công nhưng khởi đầu như vậy cũng không phải là quá tệ, bởi 1 năm nữa khi trở về nước tôi cũng đã có khoản tài chính tương đối để làm vốn, cũng như cơ hội kiếm được việc làm tốt trong các khu công nghiệp, các liên doanh nước ngoài. Cha mẹ tôi giờ đã có thể tự hào về tôi và đã tin tưởng vào những con đường lập nghiệp khác ngoài con đường đại học.

Bảo Ngọc

 

>> Các bài dự thi khác

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


 

Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM