[NGHỀ CỦA TÔI] Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

13/05/2015 14:26 PM | Nghề nghiệp

Khách hàng có những người vung tiền như nước, yêu cầu chúng tôi làm đủ điều to tát và phải chuyên nghiệp, nhưng cũng có những khách hàng đến với chúng tôi khi trình bày không giấu được nước mắt, tâm sự những điều luôn được giữ như bí mật “sống để bụng chết mang theo”,…

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã chính thức khởi động được 1 tuần lễ. Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Chúng tôi mang những bí mật 'sống để bụng, chết mang theo'" của tác giả Đệ Nhị. Mời quý độc giả đón đọc.


Tôi viết ra đây những chia sẻ về nghề nghiệp của tôi, để các bạn hiểu thêm về nghề Luật nói chung và Luật sư nói riêng. Rất ít người làm trong nghề này muốn chia sẻ về nó, bởi khi đã theo nghề, bản chất của nghề đã ngấm vào máu của mỗi người, không nhiều thì ít.

Bản chất nghề mà tôi nói đến đó chính là sự cẩn trọng. Những người làm luật chủ yếu kiếm tiền bằng lời nói, bằng từng chữ mình đánh ra vậy nên sự cẩn trọng chính là điều tiên quyết và tối quan trọng khi hành nghề.

Lần đầu tiên tôi lên Tòa là lúc tôi còn sinh viên. Đó là vụ việc của gia đình tôi. Lúc đó trong gia đình tôi được xem là người hiểu luật nhất. Ngồi đối diện với vị Thẩm phán, tôi thực sự rất hoang mang, chẳng biết nên làm gì. Vị Thẩm phán nói muốn hủy Biên bản hòa giải mà các bên (trong đó có gia đình tôi) đã ký với lý do biên bản không đúng với quy định của pháp luật. Chính tôi là người kiểm tra biên bản đó và đồng ý để mẹ tôi ký vào. Thật may tôi đã được học về biên bản hòa giải nên tôi tin chắc biên bản đó chẳng có vấn đề gì cả. Vậy nên khi vị Thẩm phán muốn hủy, tôi đã nêu ý kiến rằng biên bản đó là hợp lệ, hợp pháp.

Cái tôi được nhận lại từ vị Thẩm phán là một cái đập bàn thật mạnh khiến tôi giật nảy người, kèm theo câu quát: “Cháu còn quá non để cãi lại tôi”. Sau đó gia đình tôi đã thuyết phục phía bên kia tuân theo thỏa thuận đó, tôi dặn mẹ tôi không ký thêm bất kỳ một giấy tờ nào khác liên quan đến vụ việc kia nữa.

Đấy chính là lần đầu tiên tôi lờ mờ nhận ra công việc tương lai của mình là như thế nào.

Là một người trẻ tuổi, luôn mong muốn được thử thách và trau dồi bản thân nên tôi không từ chối bất kỳ công việc gì mà sếp giao. Có những vụ việc khiến tôi phải đi công tác xa nhiều ngày, đôi khi chỉ để chờ một hành động của người khác để có được chứng cứ, cũng có khi đi suốt cả tuần chẳng mang về được kết quả gì.

Cũng có những vụ mà khách hàng đến gặp chúng tôi là những người mà nếu gặp ngoài đường tôi sẽ tránh xa họ ra vì sợ. Nói trắng ra họ nhìn như xã hội đen: to cao, xăm trổ, vòng cổ to như dây xích, mặt bặm trợn, ngôn ngữ họ dùng rất chợ búa và nói tục, chửi thề liên tục.

So với họ, tôi chỉ là một đứa con gái “liễu yếu đào tơ”, cảm giác như họ chỉ cần vẩy tay một cái là tôi coi như xong. Thế nhưng trước mình, khi vướng vào rắc rối pháp lý và cần sự giúp đỡ, dù họ nói chuyện cũng chẳng được lịch sự cho lắm nhưng lại rất chân thành.

Với những người như vậy, khi mình giúp họ được một lần, họ sẽ như mang ơn mình mãi mãi. Có lần, tôi đang trên đường từ Văn phòng ra chỗ gửi xe để về, bỗng khựng lại vì thấy có một “gã” trông rất đáng sợ vui vẻ chào tôi bằng tên, thân mật hỏi han tôi. Thú thực tôi chỉ nhìn quen quen chứ chẳng nhớ được tên họ, nhưng cũng vui vì ít nhất vẫn còn cái tình sau mỗi vụ án.

Nghề nào rồi cũng có gian lao, thử thách của nghề đó. Với nghề luật, mà đặc biệt là trong lĩnh vực tranh tụng, hiểm nguy của thân chủ càng lớn thì sự vất vả của Luật sư trong vụ việc đó cũng lớn theo.

Tôi chưa tham gia những vụ có mức độ nguy hiểm cao, nhưng cũng có vụ mà khi đi công tác cùng sếp, xe ô tô của chúng tôi phải che mành kín toàn bộ các cửa kính, thậm chí phải che cả biển số xe khi đi thu thập chứng cứ, vì sợ rằng sẽ rút dây động rừng, cũng vì tránh bị “trả thù”. Đó là những chuyến đi mà chúng tôi phải uống nước trong quán cơm hẻo lánh, nói chuyện trao đổi mà mắt phải đề phòng từng người xung quanh,…

Tất nhiên những vụ như vậy không thường xuyên, nhưng không phải là không có. Rồi chưa kể đến những khó khăn trong làm việc với các cơ quan Nhà nước khi mà quyền của Luật sư còn rất hạn chế, vai trò của Luật sư còn chưa được coi trọng. Những áp lực trong cuộc sống khi mà những vụ án còn đó vẫn chưa giải quyết xong, chưa tìm được phương án tối ưu khiến các tình tiết vụ việc cứ quanh quẩn trong đầu, len cả vào giấc ngủ. Hay những khi khách hàng gọi nhờ tư vấn, gọi để giục tiến độ lúc 11h đêm, 6h sáng,…

Thời gian dành cho bản thân rất ít, có khi không có. Có lần tôi về nhà lúc 11h đêm, điện thoại hết pin, bạn trai tôi (cũng làm nghề luật nhưng làm mảng tư vấn doanh nghiệp) đã lo lắng đến mức gọi điện khắp nơi để hỏi tôi đang ở đâu, sợ rằng tôi bị làm sao. Anh ấy bảo mỗi ngày tôi đi làm, anh ấy đều không thể yên tâm được. Hoặc như một chị trong cùng Văn phòng tôi, chị ấy làm lâu năm hơn tôi, có khi 3h sáng vì thân chủ nên vẫn phải ngồi ở đồn công an. Sáng ra chị ấy chỉ những vết muỗi đốt đầy ở chân, 2 chị em chỉ biết cười. Còn sếp tôi, đến cả bữa ăn cũng chẳng được ăn cho đáng, trưa toàn bánh mì qua bữa với nhân viên.

Nghề nào rồi cũng có những đặc trưng riêng của nó, nghề Luật của tôi là vậy. Chúng tôi có thể tiếp những khách hàng giàu có, những doanh nhân bạc tỷ, những nghệ sĩ showbiz,… nhưng khách hàng của chúng tôi cũng có những người đến tiền trả cho luật sư cũng chẳng có; những vụ việc của chúng tôi có thể là liên quốc gia, nhưng cũng có những vụ việc chỉ là những tranh chấp nhỏ nhặt trong gia đình, những điều tưởng chừng như không thể thành tranh chấp được; khách hàng có những người vung tiền như nước, yêu cầu chúng tôi làm đủ điều to tát và phải chuyên nghiệp, nhưng cũng có những khách hàng đến với chúng tôi khi trình bày không giấu được nước mắt, tâm sự những điều luôn được giữ như bí mật “sống để bụng chết mang theo”,…

Có những thứ đến rồi đi, như một cuộc trao đổi mua bán sòng phẳng, nhưng có những thứ đến và ở lại, trở thành một mối quan hệ thân thiết, chan chứa tình.

Đây chưa phải là toàn bộ về nghề Luật, nhưng có thể cho các bạn hiểu một phần về nghề luật hiện nay. Nghề Luật cũng như nghề Y, chẳng ai muốn phải dính vào, nhưng rồi sẽ có lúc buộc phải tìm đến. Chỉ là nghề Y cứu người có bệnh, còn nghề Luật thì cứu người có lỗi. Có những căn bệnh vô phương cứu chữa, thì cũng có những vụ án Luật sư không thể giúp được gì.

Đệ Nhị

>> Các bài dự thi khác:

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình



Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM