Lộ mưu đồ của Trung Quốc sau dự án kênh đào Nicaragua
Nicaragua từng là nơi Mỹ ấp ủ dự định xây dựng một kênh đào “made by USA”.
Trước việc Trung Quốc huênh hoang về dự án khổng lồ xây dựng kênh đào lớn nhất tại Nicaragua, Mỹ hoàn toàn hờ hững còn nhiều chuyên gia cho rằng, dự án này là một sai lầm.
Ảo tưởng
Theo Foreignpolicy, Nicaragua từng là nơi Mỹ ấp ủ dự định xây dựng một kênh đào “made by USA”. Từ gần 400 năm trước, giới chức Mỹ và Nicaragua đã nghiên cứu khả năng xây dựng kênh đào xuyên đại dương qua Nicaragua. Cuối cùng, Mỹ quyết định xây kênh đào Panama và nơi đây vươn lên trở thành kênh đào chủ lực, hấp dẫn trong khu vực.
Sau khi Mỹ bỏ cuộc, vài năm trở lại đây, tỷ phú Trung Quốc Vương Tịnh và chính phủ Nicaragua lại hợp tác xây dựng. Họ vẽ ra viễn cảnh kênh đào này sẽ đủ sức cạnh tranh với Panama, có thể chứa tàu chở dầu cực lớn hay những loại tàu chở hàng lớn mà kênh Panama “phải lắc đầu”. Tỷ phú Vương và Chính phủ Nicaragua hy vọng siêu dự án này biến Nicaragua trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cho rằng, dự án kênh đào này không thành hiện thực. Lý do đầu tiên là khu vực Trung Mỹ không có nhu cầu sử dụng thêm kênh đào thứ hai. Như vậy, xét về mặt tài chính, việc xây dựng kênh đào đã không khả thi. Trong bài phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giao thông Quốc gia - một tổ chức vận động chính sách ngành vận tải Bruce Carlton cho hay, phần đông các chuyên gia trong ngành đều nhận thấy Nicaragua nói riêng và khu vực Trung Mỹ nói chung “không cần thêm một kênh đào khác”.
Ngay từ khi bắt đầu dự án, nhiều nông dân Nicaragua phản ứng dữ dội. Họ lo sợ đất đai của mình sẽ bị tịch thu khi dự án này được khởi công. Các nhà hoạt động vì môi trường quan ngại dự án này chưa được nghiên cứu thích đáng. Họ lo lắng, dự án này sẽ ảnh hưởng đến hồ nước ngọt Nicaragua và các nguồn cung cấp nước ngọt khác cho quốc gia này.
Ngoài ra, với chi phí xây dựng lên tới 40 tỷ USD, cho dù kênh đào Nicaragua có “thầu” hết dịch vụ vận tải hiện nay từ kênh đào Panama cũng không thể hòa vốn. Thêm nữa, thời gian di chuyển qua kênh đào Panama nhanh hơn; Triển vọng tàu quy mô lớn mà Nicaragua hướng tới khá mờ nhạt vì hiện nay ngay cả các siêu cảng của Mỹ cũng chưa thể xử lý được loại tàu này... Với ngần đó lý do, có thể thấy dự án kênh Nicaragua là vô nghĩa.
Đây cũng là lý do vì sao khi không đủ khả năng tự chi cho dự án (do ông Vương bị mất 85% giá trị tài sản vì thị trường tài chính Trung Quốc lao dốc), tỷ phú Vương Tịnh không thể tìm được nhà đầu tư tiếp cho dự án. Kết quả, dự án trị giá hàng chục tỷ phải tạm ngừng vào tháng 11 năm ngoái.
Những toan tính điên rồ
Câu hỏi đặt ra, tại sao Chính phủ Nicaragua “lao như thiêu thân” vào dự án bất hợp lý đó? Trong bối cảnh kinh tế bế tắc, giới chức ảo tưởng dự án kênh đào Nicaragua sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tại đất nước đang nghèo thứ hai bán cầu Tây, sau Haiti. Lý do sâu xa hơn đó là, Tổng thống Daniel Ortega đã đặt quá nhiều tham vọng chính trị đằng sau dự án này. Chính phủ của ông Ortega luôn cho rằng Mỹ đã “cướp tiền” khỏi tay họ khi quyết định xây dựng kênh đào Panama mà bỏ qua Nicaragua.
Quan điểm này không phải không có lý bởi Mỹ từng ép Chính phủ Nicaragua phải ký bản Hiệp ước Bryan-Chamorro năm 1914 trong đó cấm Nicaragua xây dựng một con kênh đối trọng với Panama trong vòng 99 năm.
Cộng với hận thù từ hàng chục năm Mỹ can thiệp chính trị vào Nicaragua, giấc mơ và động lực xây kênh đào đối trọng với Panama của nước này ngày càng trở nên rõ nét nhưng xa vời tầm tay.
Ấp ủ khát vọng tột bậc đó, dù dự án không mang lại lợi nhuận, Tổng thống Nicaragua vẫn xúc tiến thực hiện để thỏa mãn mục đích chính trị còn hậu quả người dân Nicaragua phải gánh chịu.
Khi hết hạn hiệp ước với Mỹ, Nicaragua lại quay trở lại ước mơ kênh đào nhưng rất ít nhà đầu tư hứng thú vì không có lợi ích tài chính. Trong lúc chơ vơ, chính phủ Nicaragua vớ được “cọc” Trung Quốc. Chỉ qua vài cuộc đàm phán, hai bên nhanh chóng chốt thỏa thuận. Mặc dù Nicaragua chỉ nhận được lợi nhuận 10 triệu USD/năm trong vòng 100 năm từ tiền khai thác kênh đào, nhưng được cái “mát mặt”.
Về phần mình, tỷ phú Trung Quốc tỏ rõ ham muốn thâu tóm bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất tại Nicaragua và đó mới là động cơ của tỷ phú Vương ngay từ vòng đàm phán ban đầu. Còn về mục đích của chính phủ Trung Quốc, trong bài viết trên Tạp chí Chính sách nước ngoài (Foreign Policy), nhà báo Daniel Runde nhận định: “Có thể, Trung Quốc đang tính điều tra địa chiến lược qua việc xây dựng kênh đào này.
Độ sâu của kênh đào (khoảng 28m) là đáng ngạc nhiên vì nó đủ để tàu ngầm Trung Quốc nhanh chóng và ngấm ngầm vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương”. Hơn nữa, có chuyên gia cho rằng, khi con kênh 278km này được đào xong, nó sẽ giúp Trung Quốc đặt chân vào Trung Mỹ, vốn từ lâu là “sân sau” của Mỹ.