Hãng TMĐT đang làm mưa làm gió Temu vội chuyển trụ sở chính khỏi Trung Quốc, lo sợ bị Mỹ nhắm đến như Tiktok
PDD holding, hãng nắm giữ Temu và vẫn đang vận hành người anh em Pinduoduo tại Trung Quốc đã dời trụ sở chính sang Ireland.
Theo tờ Financial Times (FT), công ty mẹ của Temu và Pinduoduo là PDD Holding đã dời trụ sở chính của mình từ Thượng Hải-Trung Quốc sang Ireland, qua đó cho thấy nỗi lo lắng của tập đoàn này trước tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng với bài học Tiktok.
Trong báo cáo gần đây, PDD đã xác nhận Dublin-Ireland là địa chỉ trụ sở chính của mình thay vì Thượng hải như trước đây.
Động thái này của PDD cho thấy tập đoàn rất coi trọng nền tảng thương mại điện tử Temu mới ra mắt tại thị trường Mỹ vào tháng 9/2023 và gặt hái được những thành công to lớn. Với chiến lược giá rẻ cũng như đầu tư mạnh tay cho marketing lẫn phí hoa hồng, Temu nhanh chóng lọt top những ứng dụng thương mại điện tử được tải nhiều nhất ở Mỹ.
Từ khi ra mắt đến nay, nền tảng này đã thu hút được hơn 50 triệu lượt tải ở Mỹ và thậm chí đã bắt đầu mở rộng sang Canada lẫn Châu Âu. Đây là con số mà hãng thời trang Shein, vốn cũng hoạt động thương mại điện tử thành công tại Mỹ phải mất 3 năm mới đạt được.
“Temu muốn tránh những rủi ro về địa chính trị. Chính phủ Mỹ đang nhắm đến các doanh nghiệp Trung Quốc và tình hình sẽ càng tồi tệ hơn, bởi vậy Temu buộc phải có hành động”, nhà sáng lập Li Chengdong của Dolphin khẳng định.
Các chuyên gia phân tích đều nhận định bước dịch chuyển trụ sở chính của PDD là một động thái tự bảo vệ cho Temu khi chính quyền Washington đang nhắm đến các công ty công nghệ Trung Quốc.
Động thái của PDD được đưa ra sau khi ByteDance, tập đoàn mẹ của Tiktok cũng đã dịch chuyển hoạt động điều hành của mạng xã hội này từ Trung Quốc sang Singapore nhằm giảm áp lực từ phía Mỹ.
Trước đó vào năm 2022, thương hiệu thời trang Shein vốn rất thành công tại Mỹ cũng đã tăng cường hoạt động điều hành từ chi nhánh Singapore do lo ngại bị chính quyền Washington đưa vào danh sách theo dõi trọng điểm.
Lợi thế
Theo FT, Ireland là quốc gia có nhiều ưu đãi thuế hơn so với Trung Quốc, đồng thời có mối quan hệ tốt đẹp với Phương Tây hơn, qua đó tạo nên nhiều lợi thế cho các tập đoàn Châu Á.
“Một trong những khả năng có thể xảy ra là PDD sẽ dọn đường để Temu niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế. Nếu đây là thật thì việc đặt trụ sở tại Ireland hay Châu Âu sẽ đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư”, chuyên gia Eugene Weng của hãng Wintell&Co nhận định.
Bên cạnh đó, việc đặt trụ sở chính tại Ireland cũng giúp Temu đáp ứng được các hồ sơ thuế phù hợp với luật định của Châu Âu và Mỹ hơn. Hiện trang LinkedIn đang ngập tràn những bài đăng Temu tuyển dụng nhân viên ở Dublin.
Trên thực tế, Ireland từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia ưu đãi thuế, qua đó thu hút hàng loạt tên tuổi lớn như Google, Facebook, Amazon...chuyển trụ sở chính từ Châu Âu sang. Thậm chí Tiktok cũng đã hoạt động nhiều hơn tại Dublin khi thuê hơn 1.000 nhân viên ở đây vào năm 2020.
Tờ FT nhận định mặc dù PDD vẫn dựa vào nguồn thu khá lớn từ Pinduoduo tại Trung Quốc nhưng hãng đang đầu tư mạnh cho Temu và thị trường quốc tế nhằm đa dạng hóa kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế trong nước giảm tốc.
Theo tuyên bố của hãng, PDD sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD để quảng bá các thương hiệu Trung Quốc ra quốc tế, đồng thời gia tăng khuyến mãi, phí hoa hồng nhằm thu hút thêm người bán trên nền tảng Temu.
Số liệu của YipitData cho thấy Temu đã đạt 862 triệu USD tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023. Nếu tính riêng thì GMV của Temu đã tăng mạnh từ 3 triệu USD tháng 9/2022 lúc mới ra mắt lên đến 387 triệu USD vào tháng 3/2023.
Trong khi đó tờ FT cho biết hãng thời trang Shein cũng kiếm được 22,7 tỷ USD năm 2022 nhờ thị trường Mỹ. Rõ ràng, thị trường Mỹ đang rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm tiền khi thị trường tiêu dùng nội địa tại Châu Á có dấu hiệu giảm tốc.
Bất chấp những động thái trên, PDD vẫn khẳng định họ là công ty Trung Quốc và hoạt động chính tại thị trường trong nước. Hiện tập đoàn này có gần 13.000 nhân viên tại Trung Quốc.
*Nguồn: FT, CNBC