Thất sủng tại Mỹ, Tiktok dồn lực cho một quốc gia ở Đông Nam Á, đánh bại cả Shopee cùng nhiều trang bán hàng trực tuyến khác
Tiktok Shop đã biến quốc gia Đông Nam Á này thành thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ.
Vô địch thiên hạ
Tờ Rest of World cho biết trong tháng lễ ăn chay Ramadan của đạo Hồi, ứng dụng Tiktok tại Indonesia đã trở thành thiên đường mua sắm cho người dân. Vô số những buổi livestream bán hàng bùng nổ với tương tác khổng lồ cùng những đơn hàng tới tấp sau đó.
Lấy ví dụ như anh Permata Hidayat, chủ một cửa hàng trực tuyến trên Tiktok Shop cho biết trong tháng 3-4/2023, doanh số của cửa hàng đã tăng 5 lần và hiện Hidayat phải liên tục livestream 18 tiếng mỗi ngày trước nhu cầu quá nóng của thị trường.
“Chúng tôi bắt đầu kinh doanh trên Tiktok từ tháng 11/2021 nhưng không thể ngờ tình hình bán hàng lại tốt được đến như vậy”, anh Hidayat phấn khởi.
Báo cáo của DataReportal cho thấy sau khi bị thất sủng ở Mỹ, bị điều tra ở Anh cùng vô số thị trường khác thì Tiktok đang nhắm đến Đông Nam Á, nơi có lượng khách hàng thân cận hơn so với Phương Tây. Đặc biệt những quốc gia như Indonesia với khoảng 110 triệu người dùng Tiktok đã trở thành thị trường lớn thứ 2 của hãng trên toàn cầu sau Mỹ.
Với khởi đầu yếu thế vào năm 2021, chỉ trong 2 năm, Tiktok Shop đã có tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) đạt 4,4 tỷ USD trên khắp Đông Nam Á vào năm 2022. Xu thế bán hàng trực tuyến trên Tiktok sau khi những nền tảng như Facebook siết chặt kiểm soát đã khiến ứng dụng này bùng nổ mạnh mẽ tương tự như ngành livestream đang phát triển ở Trung Quốc.
Theo Rest of World, do người tiêu dùng Đông Nam Á chưa quá coi trọng vấn đề địa chính trị như Phương Tây nên Tiktok đã tuyển dụng được lượng lớn người bán hàng, cộng tác viên và đào tạo họ trở thành những ngôi sao trên nền tảng này. Thêm nữa, hàng loạt chương trình trợ giá, khuyến mãi, miễn phí ship càng khiến doanh thu trên Tiktok Shop bùng nổ.
Thậm chí, đà phát triển của Tiktok tại những thị trường như Indonesia được nhiều chuyên gia đánh giá là không thể nghịch chuyển.
“Nền tảng Tiktok tại Indonesia hiện đã quá lớn và phổ biến và chẳng có chính trị gia nào muốn đụng đến nền tảng này vì có thể làm mất phiếu bầu từ cử tri trẻ”, Phó giáo sư Ross Tapsell của trường đại học quốc gia Australia nhận định.
Đánh bại Shopee
Tiktok là một phiên bản con của nền tảng Douyin-Trung Quốc, vốn là ứng dụng đem lại lợi nhuận chủ lực cho công ty mẹ ByteDance. Những người bán trên Tiktok cũng sẽ kinh doanh trung gian qua một nền tảng thương mại điện tử tích hợp.
Những người bán hàng tại Indonesia muốn gia nhập Tiktok sẽ phải nộp một số giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, lệ phí 1% và 2.000 Rupiah cho mối sản phẩm bán được.
Sự bùng nổ của Tiktok đã khiến hàng loạt chủ cửa hàng thuê người mẫu và đào tạo họ kinh doanh, livestream nhằm nắm bắt tâm lý khách hàng trong thị trường mới đầy tiềm năng này.
Trả lời Rest of World, anh Rangga Revan, chủ một công ty môi giới chuyên đào tạo người mẫu, người nổi tiếng bán hàng trên Tiktok cho biết nhân viên của mình đã bị đặt lịch kín hết trong 5 năm tới, qua đó cho thấy độ nóng bỏng của thị trường.
Chị Jodi Rizaldi Akbar, chủ của Kitty Shop Girls trên Tiktok Shop cho biết mình đã kinh doanh được 9 năm và mới chỉ thử Tiktok Shop vào cuối năm 2022. Thế rồi khi mô hình kinh doanh này vào guồng, từ mức doanh số 100 sản phẩm mỗi ngày, hiện shop của chị Jodu đã bán được 10.000 mặt hàng mỗi tuần.
“Năm nay đúng là năm của Tiktok. Quy mô khách hàng cũng như khả năng sẵn sàng chi tiêu của họ ở mức không ứng dụng nào so sánh nổi”, chị Jodi cho biết lượng tương tác trên Tiktok cao hơn 50% so với những chợ thương mại điện tử khác như Shopee.
Không là vấn đề
Trong năm đầu tiên, cửa hàng của anh Hidayat không phải cắt phần trăm doanh số cho Tiktok nhưng trong năm nay, anh đã phải chi 2% lợi nhuận lệ phí. Đây là chuyện thường tình khi những trang thương mại điện tử khác như Lazada hay Shopee cũng trích phần trăm lợi nhuận từ người bán.
Tuy nhiên anh Hidayat rất vui lòng nộp tiền bởi lượng khách hàng sẵn sàng rút ví trên Tiktok là quá lớn. Thậm chí chính Tiktok cũng có hẳn đội ngũ hướng dẫn người mua nên làm thế nào để thu hút nhiều người xem hơn với các mẹo gắn hashtag hay tùy biến nội dung gây sự chú ý.
Theo một cuộc khảo sát, khoảng 67% số người dùng Tiktok mua sắm nhiều hơn trên nền tảng này trong ngày lễ Ramadan.
Khi được hỏi về việc Tiktok có khả năng bị cấm đoán như sự việc đang diễn ra tại Mỹ, anh Hidayat cười và cho biết đó chẳng phải là vấn đề.
“Nếu Tiktok bị cấm ở Indonesia thì cũng chẳng vấn đề gì, chúng tôi sẽ tìm một nền tảng ứng dụng thương mại khác để kinh doanh...Thực ra thì Mỹ mới chỉ quan tâm đến Tiktok gần đây bởi họ là lần đầu tiên phải suy nghĩ về ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ nước ngoài thu thập thông tin công dân của họ nhưng không đặt máy chủ trong nước. Chuyện này thì đã diễn ra ở Đông Nam Á rất lâu rồi, bởi vậy chẳng có gì mới khi người tiêu dùng mua hàng trên các nền tảng nước ngoài và bị thu thập thông tin cả”, anh Hidayat cho biết.
*Nguồn: Rest of World