Giới siêu giàu sẵn sàng bỏ ra trăm tỷ mua nhà, dân buôn bất động sản biết lãi lớn nhưng tại sao không dám "lướt sóng" phân khúc này
Dù giới siêu giàu sẵn sàng chi trả đến hàng tỷ đồng/m2, tức cả trăm triệu đồng cho một căn nhà mặt phố trung tâm tại phố cổ Hà Nội nhưng không mấy dân buôn bất động sản mặn mà với phân khúc này bởi môi giới tìm được khách mua đã khó, còn nếu ôm hàng lướt sóng chẳng khác nào "há miệng chờ sung".
Khu vực phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm, được mệnh danh là nơi "tấc đất tấc vàng","hái ra tiền" nhờ vị trí đắc địa, là khu phố du lịch, thu hút nhiều khách tham quan nên rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Chính vì thế, BĐS khu vực phố cổ Hà Nội luôn dẫn đầu về sự đắt đỏ, với giá sánh ngang với đất vàng ở Paris, HongKong…
Khảo sát các căn nhà phố cổ cho thấy, nhà mặt tiền tại các con phố Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đậu…xưa nay vẫn luôn được các tiểu thương săn đón bởi độ hiếm và đem lại nguồn thu cao ngất ngưởng từ việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay buôn bán. Dù giá thuê lên đến cả trăm triệu đồng/tháng, giá bán có thời điểm lên đến 1- 2 tỷ đồng/m2 nhưng có thời điểm tìm "đỏ mắt" cũng không thấy nhà rao bán hoặc mặt bằng trống cho thuê.
Chính bởi lợi nhuận cao từ việc cho thuê nên nhiều chủ hộ ở phố cổ chưa bao giờ có ý định bán nhà phố cổ. Chị Minh Hà, chủ một căn nhà 55m2 ở phố Hàng Bông cho biết, tuy gia đình chị sinh sống ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ có ý định bán căn nhà mặt phố này bởi mỗi tháng căn nhà mang lại cho chị khoản thu nhập lên đến 100 triệu đồng từ cho thuê.
Nhiều môi giới nhà đất phố cổ lâu năm cũng cho biết, nhà phố cổ cách đây 2-3 năm từng có thời điểm khách mua xếp hàng chờ bởi ngoài giới siêu giàu Hà Nội thì những đại gia BĐS đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An...cũng muốn mua để vừa giữ tiền vừa đầu tư cho thuê. Tuy khách mua nhiều nhưng rất hiếm nhà mặt phố cổ được bán rao bán. Ở thời điểm cầu cao, môi giới có thể thu về cả tỷ đồng khi môi giới thành công 1 thương vụ nhưng số lượng này cực kỳ ít.
Mặc dù khan hiếm nguồn cung nhà phố cổ là vậy nhưng từ năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 xảy ra, kinh doanh ế ẩm khó khăn nên đã xảy ra tình trạng nhiều khách thuê nhà mặt bằng đã không chịu được giá cao, trả mặt bằng ngừng kinh doanh. Kéo theo đó, số lượng tin đăng cho thuê nhà phố cổ trên các trang rao vặt mỗi ngày một nhiều. Thậm chí. một số chủ nhà cũng đã bắt đầu có động thái rao bán nhà.
Khảo sát một vòng phố cổ và các trang tin, không khó bắt gặp hàng loạt những căn mặt phố đang được rao bán với giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như, một toà nhà 10 tầng xây trên diện tích 390m2 với mặt tiền 9,5m nằm trên phố Hàng Bông hiện được bán tới 650 tỷ đồng, tức là 1,6 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, mức giá đắt kỷ lục từ trước đến nay phải kể đến một Khách sạn 4 sao tại phố Hàng Bông đang được rao bán hơn 2 tỷ/m2 với giá 650 tỷ đồng cho diện tích 323 m2, mặt tiền 8m,12 tầng, 91 phòng.
Tuy nhiên, mức giá cao lên đến cả 2 tỷ đồng/m2 nhà mặt phố thường là những mảnh đất rộng cả trăm m2, mặt tiền lớn đã có cửa hàng, hoặc khách sạn đang kinh doanh. Còn những căn nhà mặt phố cũ, diện tích bé hơn được rao bán ở mức thấp hơn giao động từ 800-1,5 tỷ đồng tùy vị trí.
Nhiều tin đăng bán nhà phố cổ khi Covid-19 kéo dài.
Mặc dù ảnh hưởng bởi Covid nhưng anh Minh - môi giới lâu năm nhà đất phố cổ cho biết giá rao bán gần như không giảm nhiều. Nhưng nếu khách có thiện chí chủ nhà cũng sẵn sàng thương lượng, không như trước đây chủ nhà thường chốt luôn mức rao bán, chỉ gia lộc thêm một chút. Tuy nhiên, anh Minh cũng thừa nhận, do giá rất cao nên phân khúc này rất kén khách, có những căn nhà chủ rao bán cả nửa năm nay nhưng chưa có khách hỏi mua.
"Bán nhà phố cổ, may ăn thu được tiền hoa hồng từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng nhưng rất mất thời gian và công sức. Một căn nhà mặt phố có giá ít nhất cũng vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ nhưng đối tượng mua được lại chiếm rất ít trong xã hội. Thậm chí, đối với những căn mặt tiền lớn từ 8-10m2 giá lên cả trăm tỷ thì chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng mới quan tâm và đủ sức mua nhưng hiện nay hầu hết những doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều gặp khó khăn. Vì vậy, đối với môi giới phố cổ 1-2 năm môi giới thành công 1 giao dịch cũng đã may mắn lắm rồi", anh Minh cho biết.
Cũng theo anh Minh nếu đối với những phân khúc khác, môi giới tìm được nguồn hàng tốt thường hùm tiền mua chung sau đó bán ra, vừa môi giới vừa đầu tư thì khoản lời mới cao. Tuy nhiên, đối với nhà đất phố cổ do giá quá cao, lượng tiền đổ vào lớn nên dù có gọi vốn để "ôm hàng" nhưng cũng dẫn dễ phải tình trạng "kẹp hàng" chờ khách như "há miệng chờ sung". Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 nhiều căn nhà phố cổ được rao bán giá "dễ thở", ôm vào chắc chắn sau dịch có lãi nhưng cũng không ai dám ôm bởi tiền đầu tư lớn trong khi đó tìm được khách xuống tiền thời điểm này không hề dễ.