Giày từ Malaysia sẽ vòng qua Việt Nam để hưởng thuế vào Mỹ

31/08/2016 19:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Nếu thực thi TPP, giày “gần hoàn thiện” có thể sẽ được chuyển từ Malaysia sang Việt Nam gia công, hoàn thiện rồi xuất sang Mỹ hưởng thuế suất thấp hơn.

Tại buổi tập huấn về cam kết trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Bộ Công Thương vừa chủ trì, ông Vương Đức Anh (Trưởng nhóm đàm phán quy tắc xuất xứ trong TPP, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương) cho biết, muốn hưởng lợi từ TPP thông qua quy tắc xuất xứ, trước hết doanh nghiệp Việt cần phải nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ trong TPP.

Hàng xuất khẩu "đi đường vòng" để hưởng ưu đãi thuế

Theo phân tích của ông Vương Đức Anh, trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do, quy tắc xuất xứ và mức độ mở cửa thị trường (mức độ và thời gian cắt/giảm thuế) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Quy tắc xuất xứ thường được quy định thành một chương riêng trong Hiệp định. Đối với TPP, về cơ bản quy tắc xuất xứ gồm hai phần: Phần 1 là Quy tắc xuất xứ chung; phần 2 là Các thủ tục liên quan đến xuất xứ như chứng nhận xuất xứ, xác minh xuất xứ.

Lấy ví dụ về quy tắc xuất xứ cho mặt hàng tân trang (remanufactured goods) trong TPP, ông Anh cho hay, TPP quy định linh hoạt cho phép sử dụng các nguyên phụ liệu thu được từ việc tháo dỡ hàng đã qua sử dụng, xử lý, làm sạch đưa về điều kiện hoạt động tốt được coi là nguyên phụ liệu có xuất xứ (không cần đáp ứng PSR) nếu được dùng để lắp ráp, sản xuất hàng tân trang.

Do đó, chẳng hạn đối với tivi cũ nhập từ Trung Quốc về tháo dỡ, xử lý, lắp ráp lại thành tivi “tân trang” có bảo hành của nhà sản xuất, nếu xuất khẩu sang các nước TPP được hưởng thuế suất ưu đãi TPP.

Bởi vì quy tắc xuất xứ thông thường cho tivi yêu cầu một số bộ phận, linh kiện phải có xuất xứ TPP.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý, đối với Hiệp định TPP, áp dụng nguyên tắc cộng gộp thì nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ TPP nhưng có giá trị gia tăng trong TPP (dù chỉ 1%).

Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế (đạt xuất xứ) của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng TPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.

Việc xác định nước xuất xứ để tính thuế khi áp dụng cộng gộp trong TPP, ông Anh giải thích: Các nước áp dụng các biểu thuế ưu đãi khác nhau cho các đối tác khác nhau. Cho nên, cùng một mặt hàng nhập khẩu mức thuế áp sẽ khác nhau cho từng nước khác nhau.

Ví dụ: Đôi giày Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ áp thuế 0%, nhưng đôi giày Malaysia xuất khẩu sang Hoa Kỳ áp thuế 10%. Quy định này có thể dẫn đến khả năng đôi giày “gần hoàn thiện” sẽ được chuyển từ Malaysia sang Việt Nam để gia công hoàn thiện thêm, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hưởng thuế suất thấp hơn.

Cũng cần lưu ý là một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mexico đưa ra quy tắc riêng để xác định nước xuất xứ để tính thuế khi áp dụng cộng gộp.

Do đó, quy tắc chung xác định nước xuất xứ để tính thuế là nước diễn ra quá trình sản xuất cuối cùng vượt qua công đoạn gia công đơn giản, trong đó các công đoạn gia công đơn giản được quy định rất chung chung.

Với Việt Nam, mặc dù cũng có biểu riêng song nội hàm các mức cam kết mở cửa đi theo hướng đa phương.

Tự chứng nhận xuất xứ

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ trong TPP, sẽ cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Do tự chứng nhận xuất xứ còn mới mẻ nên để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý từng bước tiếp cận với cơ chế mới, tận dụng lợi thế của TPP.

Thách thức không nhỏ cho hàng Việt

“Quy tắc xuất xứ “nội khối” của hàng hóa xuất khẩu từ một nước thành viên TPP sang các thành viên khác là một khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do năng lực tự sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế nên một số ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực ASEAN (các nước nằm ngoài khung khổ của TPP). Vì công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém nên các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sẽ không dễ dàng khai thác được các ưu đãi từ TPP. Do đó, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa trong TPP để tận dụng cơ hội có được từ việc giảm thuế xuất khẩu là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam” - TS. Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Vì thế, theo ông Vương Đức Anh, đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam và một số nước bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Còn đối với hàng xuất khẩu, có thể áp dụng song song 2 hình thức sau trong thời gian tối đa là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam: Một là, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống, và hai là, người xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Sau thời gian 10 năm này, sẽ áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như các nước.

Điểm mới về quy trình xác minh xuất xứ trong TPP có khác với các FTA khác. Đó là, nếu như các FTA đã ký sẽ áp dụng cơ quan Hải quan nước nhập khẩu xác minh với tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu. Còn trong TPP, cơ quan Hải quan nước nhập khẩu xác minh với người sản xuất/xuất khẩu hàng hóa.

Điểm mới về Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng, ông Anh cho biết: Mặt hàng hóa chất, xăng dầu ngoài quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa có thêm lựa chọn áp dụng các quy tắc khác như: phản ứng hóa học, tách đồng phân, thay đổi kích hạt, nguyên vật liệu tiêu chuẩn, tinh chế, phối trộn trực tiếp, chưng chất, pha loãng…; Quy tắc “từ sợi trở đi” đối với mặt hàng dệt may; Quy tắc riêng cho ôtô và phụ tùng ôtô.

Doanh nghiệp Việt cần nâng cao sức cạnh tranh

Từ những phân tích trên, ông Vương Đức Anh cho rằng, các FTA thế hệ mới, trong đó có TPP, thì các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia; có nhiều quy định mới và phức tạp. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA hiện vẫn kém cạnh tranh hơn.

Và thách thức nữa là một số sản phẩm xuất khẩu hạn chế về nguồn cung trong nước, vẫn phải sử dụng nguồn cung nhập khẩu. Đồng thời hàng Việt phải cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác FTA tại thị trường nội địa. Cho nên, doanh nghiệp Việt cần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu...

Theo Xuân Thành

Cùng chuyên mục
XEM