Cùng ở Asean như Việt Nam, tại sao người lao động Malaysia lại luôn được săn đón & nhận lương cao hơn chúng ta 2-4 lần?

09/08/2016 14:47 PM | Kinh doanh

Đều trong nhóm lao động phổ thông với nhau nhưng lương của người Malaysia hay Philippines thường gấp 2 đến gấp 4 lần so với người Việt.

Joshua Adam là một chuyên viên nhân sự tại Singapore, có kinh nghiệm tiếp xúc với ứng viên rất nhiều các nước Đông Nam Á. Và theo nhận xét của anh, trong Đông Nam Á, nhân sự Singapore đứng đầu, còn đối với các công việc yêu cầu trình độ thấp hơn, lao động Philippines và Malaysia vô cùng được chuộng.

Lý do lớn nhất, theo lý giải của Adam, đó chính là người Philippines và Malaysia rất giỏi ngoại ngữ. Nếu như người Philippines nổi bật với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy như người bản xứ thì người Malaysia dù tiếng Anh kém hơn chút nhưng đổi lại họ lại có thể nói trôi chảy đến 2-3 ngôn ngữ.

Chính vì vậy, có một thực tế đáng buồn là cùng trong nhóm lao động phổ thông với nhau nhưng lương của người Malaysia hay Philippines thường gấp 2 đến gấp 4 lần so với người Việt. Người Malaysia hay Philippines có thể lên được vị trí quản lý tại một số nhà hàng, khách sạn nhưng người Việt thì không. Cùng lúc đó, tỷ lệ người Việt phải làm việc trái phép tại Singapore cũng rất cao.

Tại Nhật, nhiều nhà tuyển dụng cũng nhận xét tương tự. Khả năng ngoại ngữ tốt luôn là một lợi thế cạnh tranh cực kỳ quan trọng của người Malaysia. Tiếng Nhật với nguồn gốc từ chữ Hán nên việc người Trung Quốc học giỏi và học nhanh tiếng Nhật xảy ra như một điều hiển nhiên. Thế nhưng ngoài người Trung Quốc ra, người Malaysia cũng luôn cho thấy khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ một lúc bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật khá tốt.

Theo xếp hạng của tổ chức EF vào cuối năm 2015, trong khu vực Đông Nam Á, khả năng tiếng Anh của người Philippines, Malaysia và Singapore đứng đầu, vượt xa các nước còn lại trong khu vực và hơn cả trăm nước khác trên thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014, thời điểm đó có khoảng 300 nghìn người Malaysia đang làm việc ở nước ngoài. Đáng chú ý, xu thế này đang tăng lên chóng mặt.

Số lượng người Malaysia đi ra nước ngoài làm việc tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua. Hoặc theo một tính toán khác cũng của Ngân hàng Thế giới, nếu tính cứ 10 người có trình độ từ phổ thông trở lên thì có ít nhất 1 người đang làm việc ở nước ngoài. Có nhiều trường hợp 1 gia đình có cả 3 người con đều làm việc ở nước ngoài.

Vậy nguyên nhân nào lý giải cho việc người Malaysia có khả năng ngôn ngữ rất tốt để dễ hòa nhập với môi trường lao động nước ngoài như vậy? Điều đó có nhiều nguyên nhân từ lịch sử và hệ thống giáo dục.

Malaysia có cấu trúc nhân khẩu học khá phức tạp: 47,2% dân số là người Malaysia, 25,1% là người Trung Quốc, 7,1% là người Ấn Độ và khoảng 10% là các nhóm dân tộc khác.

Từng là thuộc địa của Anh cho đến năm 1957, thế nhưng ngay cả sau khi đã giành được độc lập, tiếng Anh vẫn luôn được coi như ngôn ngữ chính thức ngay từ đầu cấp với học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, không chỉ tiếng Anh mà chương trình cấp 1 tại Malaysia còn được dạy bằng cả tiếng Malay, tiếng Quan thoại (hay còn gọi là tiếng Trung Quốc phổ thông) và tiếng Tamil của người Ấn Độ và Sri Lanka.

Tháng 5/1969, tức khoảng 12 năm sau khi giành được độc lập, phong trào dân tộc nổi lên tại Malaysia và chính phủ khi đó đã quyết định loại bỏ tiếng Anh khỏi chương trình phổ thông.

Thế nhưng sau này, vào khoảng thập niên 1980, tiếng Anh lại được đưa vào giảng dạy như một ngôn ngữ thứ hai trong các trường phổ thông. Đồng thời từ thập niên 1990, hàng chục trường phổ thông dạy bằng tiếng Anh được mở ra, tuy nhiên chủ yếu dành cho đối tượng người Trung Quốc giàu có sống ở các khu vực đô thị.

Tuy nhiên tại các trường phổ thông thông thường, tiếng Anh cũng được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, học sinh phải thành thục được 3R bao gồm 3 kỹ năng chính là đọc, viết và làm toán bằng tiếng Anh.

Từ cách đây đến 33 năm, tức là vào năm 1983, tiếng Anh không chỉ được dạy sơ sài như một ngoại ngữ mà giáo viên cũng lồng ghép vào đó là nhiều những bài học về cuộc sống, đạo đức, học sinh sẽ tự kể câu chuyện về cuộc sống của mình bằng tiếng Anh. Đến năm 1989, chương trình tiếng Anh được nâng cấp để học sinh phải thành thục cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và ngoài ra là làm toán. Mỗi tuần học sinh học tiếng Anh với thời lượng khoảng 240 phút.

Từ năm 2008, không chỉ toán học mà nhiều môn khoc học cơ bản và cả khoa học xã hội cũng chính thức được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đối diện với tình trạng thiếu giáo viên, Malaysia đã lên kế hoạch tuyển dụng công khai và minh bạch khoảng 14 nghìn giáo viên tiếng Anh trong và ngoài nước để phục vụ cho khoảng hơn 10 nghìn trường học tại Malaysia.

Mỗi năm với dân số chỉ 29 triệu người nhưng người Malaysia gửi về nước đến hơn 20 tỷ USD kiều hối, lượng tiền kiều hối được ước tính sẽ lên mức 29 tỷ USD vào năm 2019.

Đó là còn chưa kể đến việc khả năng ngoại ngữ tốt góp phần quan trọng giúp Malaysia làm du lịch rất tốt, đón được rất nhiều khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Năm 2016, ước tính Malaysia đón hơn 30 triệu khách du lịch (nhiều hơn cả dân số Malaysia) và thu về nguồn doanh thu 25 tỷ USD.

Ngành du lịch Malaysia đang đặt mục tiêu đón 100 triệu khách du lịch và thu về hơn 50 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, trình độ ngoại ngữ của người dân sẽ góp phần quan trọng giúp cho Malaysia đạt mục tiêu trên.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM