Đâu là giải pháp tháo gỡ hàng rào hơn 5.000 'giấy phép con' khiến Thủ tướng sốt ruột?
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh.
Trong phiên họp báo thường ký tháng 7, hôm qua ngày 3/8, câu chuyện hàng rào điều kiện kinh doanh hay còn gọi là "giấy phép con" một lần nữa lại được nêu lên ."Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều. Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi phát biểu kết luận.
Năm 2017 được xem là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp trong đó có chi phí đầu vào. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết hiện doanh nghiệp gánh những khoản mục chi phí như giấy phép xây dựng, chi phí lao động, vốn, tiếp cận thị trường. Hàng rào "giấy phép con" cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.
Từ góc độ chuyên gia, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên VIAC cho rằng để gỡ bỏ hàng rào giấy phép con, tăng mức độ tự do kinh tế, Chính phủ nghiên cứu triển khai 3 giải pháp.
Thứ nhất, ngoại trừ các lĩnh vực nhà nước cần duy trì việc cấp phép, chuyển các lĩnh vực còn lại, bao gồm cả lĩnh vực tự do kinh doanh (không kèm điều kiện như hiện nay) sang quản lý bằng hệ thống các tiêu chuẩn, thay vì các điều kiện kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn kinh doanh cho từng lĩnh vực và ngành nghề sẽ bao gồm nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào sự đòi hỏi ở tính chuyên nghiệp của lĩnh vực và ngành nghề đó; đồng thời được phân loại thành tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng theo cam kết của doanh nghiệp.
Khác với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, hệ thống tiêu chuẩn này được thiết lập chỉ nhằm khuyến khích các quan hệ thương mại lành mạnh và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Mục tiêu hướng tới là tạo điều kiện dễ dàng và thông thoáng nhất cho sự khởi nghiệp và gia nhập thị trường của tất cả mọi người, trên cơ sở đó các doanh nghiệp sẽ tự phấn đấu để đạt các chuẩn bắt buộc và mong muốn trong quá trình kinh doanh.
Thứ 2, để tránh mọi sự áp đặt chủ quan, duy ý chí và phi thực tế của các cơ quan nhà nước khi thiết lập các tiêu chuẩn kinh doanh, hãy để các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tự xây dựng các tiêu chuẩn kinh doanh theo khuyến nghị hoặc sự phê chuẩn sau đó của các cơ quan nhà nước.
Theo luật sư Lập, cách làm này này đã và đang là thực tiễn ở nhiều nước. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để áp dụng nó thì cần khẩn trương ban hành Luật về Hội để tạo điều kiện cho các hiệp hội về doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.
Thứ 3, thông qua chính sách và quy định pháp luật, khuyến khích và tăng cường tối đa sự tự giám sát của xã hội và thị trường đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn kinh doanh của các doanh nghiệp, giảm thiểu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước xuống mức tối thiểu cần thiết, song song với việc hoàn thiện và bảo đảm có hiệu lực của hệ thống tư pháp.
Các thiết chế giám sát phi nhà nước sẽ bao gồm sự tham gia của các chủ thể như hiệp hội doanh nghiệp, hội bảo vệ người tiêu dùng, ngân hàng và các chế định tài chính, công ty bảo hiểm, công đoàn và nghiệp đoàn cũng như chính các đối tác và khách hàng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên luật sư Lập cũng nhấn mạnh các đề xuất này đương nhiên cần được nghiên cứu tiếp và bài bản để có thể triển khai, áp dụng. Ông hy vọng đó có thể là một bước đột phá giúp Việt Nam đến nhanh hơn với tự do kinh tế theo tiêu chuẩn toàn cầu.