Xóa sổ 3.000 giấy phép con: Bộ ngành hết cửa dựng rào, doanh nghiệp lòng vui phơi phới

05/07/2016 14:50 PM | Kinh tế vĩ mô

Với với việc ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, 3.000 giấy phép con bị chính thức bị xóa sổ. Đây có thể được coi là niềm vui đổi mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Từ ngày 1/7, hàng loạt Nghị định về điều kiện kinh doanh do Chính phủ ban hành theo yêu cầu của Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực. Cũng từ thời điểm này, các bộ, ngành hết quyền dựng rào cản kinh doanh.

Chẳng hạn như: Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm...

Nếu so sánh các Nghị định này và các dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trước đó, có thể thấy hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Ví dụ, tại Nghị định 63 về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã bỏ quy định “nhà văn phòng của đơn vị đăng kiểm phải có diện tích tối thiểu 90m2” trong dự thảo trước đó. Quy định này được đánh giá là chưa hợp lý, bởi diện tích văn phòng lớn hay nhỏ không ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động kiểm định.

Điều 22 Nghị định này đã bỏ quy định đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động trong trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất, bị hỏng…

Nghị định 66 đã bãi bỏ rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm. Nếu dự thảo trước đó về nội dung này dài tới 18 trang A4, thì nội dung này trong Nghị định được rút gọn còn khoảng 4 trang.

Bên cạnh đó, toàn bộ các quy định chung chung như khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật, nhà xưởng phải đủ diện tích, phù hợp, đủ nước sạch, trang thiết bị đủ, phù hợp… cũng bị loại bỏ khỏi Nghị định và được sửa đổi theo hướng cụ thể, minh bạch, rõ ràng.

Đánh giá về thay đổi của hệ thống điều kiện kinh doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ông Nguyễn Đình Cung cho hay, quyết định loại bỏ nhóm điều kiện kinh doanh sai chuẩn này có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn và quy chuẩn.

“Công chức nhà nước sẽ không thể ngồi phòng lạnh “đẻ” điều kiện kinh doanh, mà phải sát với doanh nghiệp, đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn dựa trên quy trình sản xuất của các ngành, các doanh nghiệp. Trong cơ chế này, doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ luôn được hưởng lợi nhờ quy trình quản lý rủi ro”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, tiền kiểm chặt thường đi đôi với hậu kiểm lỏng. Trước đây, doanh nghiệp có trong tay giấy chứng nhận đủ điều kiện là yên tâm làm việc, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn thiếu trách nhiệm

Từ bây giờ, rào cản kinh doanh được rũ bỏ, hàng rào về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với người tiêu dùng tăng lên. Doanh nghiệp buộc phải làm tốt liên tục mới có thể gây dựng uy tín với xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

"Khi nhà nước thôi lo thay doanh nghiệp, làm thay doanh nghiệp, không chỉ rút bớt đi rào cản mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn lên về trách nhiệm, về nhân cách và văn hóa kinh doanh", ông Lộc khẳng định.

T.Mạn

Cùng chuyên mục
XEM