Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Lợi bất cập hại

27/09/2017 21:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Gầy đây dư luận lại xôn xao với đề xuất đánh thuế lên lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Theo đó, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân hơn 200 triệu đồng/năm thì sẽ phải nộp thuế. Giả sử với lãi suất tiền gửi bình quân 7%/năm thì người gửi phải gửi ít nhất 3 tỷ đồng trong một năm để có tiền lãi 200 triệu đồng và phải nộp thuế trên số 200 triệu đồng này.

Lập luận của đề xuất này là tiền gửi tiết kiệm cũng là một kênh đầu tư và thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp theo quy định đang bị tính thuế thu nhập thì sao cá nhân lại không; tại sao cổ tức phải chịu thuế suất 5% mà lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lại không phải chịu thuế.

Đây cũng không phải là lần đầu đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, bởi để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh thì chỉ cần cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo hiệu quả, công bằng thì tất yếu dòng tiền gửi ngân hàng sẽ tham gia đầu tư.

Dù chưa biết đề xuất trên có được thông qua hay không, và chưa rõ nếu được áp dụng thì thuế suất sẽ là bao nhiêu, tuy nhiên chính sách này nếu thực hiện thì khả năng dòng vốn gửi vào ngân hàng sẽ phần nào bị ảnh hưởng và san sẻ sang các kênh đầu tư hoặc đầu cơ. Cũng chưa rõ sẽ quản lý các khoản tiền gửi của khách hàng như thế nào để làm cơ sở đánh thuế, vì khách hàng có thể chia nhỏ khoản tiền gửi ra bằng cách mở nhiều sổ tại nhiều ngân hàng.

Hoặc sẽ canh sao cho phần lãi tiền gửi sắp chạm mức 200 triệu đồng thì sẽ rút khỏi ngân hàng để rót vào các kênh khác như vàng, ngoại tệ hay chứng khoán, có thể khiến dòng tiền gửi của các ngân hàng càng dễ bị biến động vào thời điểm cuối năm, khiến áp lực thanh khoản càng tăng lên. Thị trường chứng khoán, vàng hay tỷ giá cũng có thể biến động mạnh do cầu tăng đột biến từ lượng vốn rút ra khỏi ngân hàng.

Nếu đánh thuế thì lãi suất phải đảm bảo ở mức hấp dẫn thì mới mong thu hút người gửi tiền, như vậy vô hình trung chi phí thuế này lại tăng áp lực chi phí huy động vốn cho ngân hàng. Cụ thể với lạm phát bình quân 4%/ năm, để thu hút người gửi tiền thì lãi suất huy động phải ít nhất 7%/ năm. Theo đó, một người gửi 3 tỷ thì một năm sẽ nhận được 210 triệu đồng, nếu giả sử đánh thuế 5% trên lãi tiền gửi 210 triệu, thì số thuế phải đóng là 10,5 triệu, khi đó lãi tiền gửi thực nhận của khách hàng còn 199,5 triệu.

Khách hàng dĩ nhiên sẽ không muốn như vậy, do đó để vẫn giữ được mức lãi tiền gửi 210 triệu như ban đầu thì khách hàng đòi hỏi ngân hàng phải tăng lãi suất huy động lên mức 7,35%, tức 0,35% lãi suất tăng thêm là để bù đắp cho phần thuế phải đóng là 10,5 triệu đồng. Với chi phí vốn đầu vào tăng lên thì lãi suất cho vay của ngân hàng dĩ nhiên tăng lên.

Cần lưu ý rằng khi khách hàng gửi tiền vào, ngân hàng xác định các chi phí hoạt động, chi phí trả lãi, chi phí thuế để xác định lãi suất cho vay. Nay nếu chi phí trả lãi tăng lên do lãi suất huy động tăng thì biên lợi nhuận sẽ thu hẹp, do đó phần thuế thu nhập của ngân hàng sẽ ít đi. Hay nói cách khác, phần thuế lãi tiền gửi tiết kiệm mà ngân sách thu được có thể chính là phần thuế thu nhập mà các ngân hàng phải đóng bị mất đi.

Cũng chưa rõ đề xuất thu thuế trên có áp dụng cho các khoản tiền gửi ngân hàng của Kho bạc Nhà nước hay Bảo hiểm xã hội lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu có thì lượng thuế mà các tổ chức này phải đóng là rất lớn, còn nếu không thì dẫn tới sự phân biệt trong đối xử với khách hàng và có thể vấp phải những phản ứng từ khách hàng nhỏ lẻ vốn chỉ gửi vài tỷ đồng nhưng phải bị nộp thuế.

Theo Gia Lê

Cùng chuyên mục
XEM