Hiểu đúng về con số 7,3 tỷ USD: Có phải là tiền gửi ra nước ngoài của người Việt?

15/04/2016 17:07 PM | Kinh tế vĩ mô

7,3 tỷ USD là khoản đầu tư khác trong quý 3/2015. Cấu phần chủ yếu của khoản mục này là tiền gửi ra nước ngoài, lên đến gần 8 tỷ USD. Trong đó, tiền gửi của tổ chức tín dụng là 6 tỷ, khu vực khác là 2 tỷ.

Trong báo cáo mới được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, có một số liệu đáng chú ý là khoản tiền gửi ra nước ngoài tăng đột biến trong quý 3/2015. [Xem thêm: Lãi suất USD về 0%, dòng tiền gửi ra nước ngoài tăng vọt lên 7,3 tỷ USD]

Theo cơ quan này, "dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Vì vậy đẩy cán cân tổng thể từ cân bằng chuyển sang trạng thái thâm hụt 6,6 tỷ USD".

Nguồn: VEPR.
Nguồn: VEPR.

Tuy nhiên, trong bản tin mới đây của VTV, nguồn tin từ NHNN cho biết, thông tin có sự gia tăng đột biến tiền gửi USD ra nước ngoài lên đến 6 tỉ USD do lãi suất ngoại tệ này về 0% của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách VERP, đây là con số không chính xác.

Cũng theo VTV, "nguồn tin từ NHNN cho biết, lượng tiền gửi USD từ các tổ chức tín dụng ra nước ngoài vào quý III/2015 chỉ dao động trung bình từ 2 - 3 tỉ USD. Đây là diễn biến tương đối ổn định, không có gì bất thường như con số 6 tỉ USD mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra trước đó".

Vậy vấn đề thực sự ở đây là gì? Tại sao lại có sự tranh luận giữa các con số 7,3 tỷ/ 6 tỷ/ hay 2-3 tỷ?

Cùng xem xét cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong quý 3/2015 để hiểu rõ vấn đề này.

Cán cân thanh toán hiểu nôm na là việc ghi sổ kế toán tất cả các giao dịch tiền tệ giữa một quốc gia với phần còn lại của thế giới, thường là trong một năm. Các giao dịch này bao gồm các khoản thanh toán đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu, trao đổi, dịch chuyển vốn tài chính.

Cán cân thanh toán tổng thể được cấu thành bởi cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính (ngoài ra còn có khoản mục lỗ và sai sót).

Theo bảng trên, cán cân tổng thể quý 3/2015 thâm hụt xấp xỉ 6,6 tỷ USD, từ mức thặng dư 555 triệu USD trong quý 2 trước đó. Sự biến động này đến từ cán cân tài chính (các khoản mục khác biến động không đáng kể).

Cùng xem xét số liệu trong cán cân tài chính quý 3/2015 và quý trước đó.

Trước hết, có thể do cách diễn đạt "dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài" trong thông báo của VEPR đã khiến cho dư luận hiểu thành "tiền gửi ra nước ngoài" là 7,3 tỷ USD.

Trên thực tế, con số 7,3 tỷ USD là giá trị của khoản đầu tư khác trong quý 3/2015. Còn tổng tiền gửi ra nước ngoài là gần 8 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 3,4 tỷ USD trong quý trước. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức tín dụng là gần 6 tỷ USD, của khu vực khác là 2 tỷ USD.

Như vậy, tiền gửi ra nước ngoài tăng mạnh trong quý 3/2015 chủ yếu là do việc tăng tiền gửi của các tổ chức tín dụng. Tiền gửi của khu vực khác không biến động nhiều.

Theo số liệu báo cáo quý 4/2015 được NHNN mới cập nhật, đầu tư khác là 3,55 tỷ USD. Trong đó tiền gửi của các tổ chức tín dụng còn 369 triệu USD. Tiền gửi của khu vực khác trong quý 4 tăng lên gần 3 tỷ USD.

Theo giải thích của NHNN, quý 3/2015, sau khi NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%, động thái gửi tiền của các tổ chức tín dụng ra nước ngoài là hoàn toàn bình thường, để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo VEPR, quý 3/2015 trùng hợp với thời điểm Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Vì vậy, VEPR đặt ra giả thuyết: Khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Việt Nam cũng phá giá tiền đồng, trong khi ngân hàng huy động USD nhưng không cho vay, thì doanh nghiệp không muốn vay khi tỷ giá tăng.

“Khi đó, các ngân hàng có giải pháp duy nhất là gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận”, ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR lý giải.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM