Tại sao NHNN không tăng trần lãi suất tiền gửi USD?
Ngân hàng Nhà nước có lẽ chỉ muốn đưa lượng USD hiện có vào lưu thông, chứ không muốn lượng USD mà người dân và doanh nghiệp găm giữ ngày càng gia tăng.
“Ngân hàng Nhà nước có lẽ chỉ muốn đưa lượng USD hiện có vào lưu thông, chứ không muốn lượng USD mà người dân và doanh nghiệp găm giữ ngày càng gia tăng. Mục tiêu dài hạn là làm nản lòng những người đang nắm giữ ngoại tệ bằng chính sách ổn định tỷ giá và lãi suất USD 0%” - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) nói.
Ông Độ cho biết: Thời gian qua nền kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn đến đòi hỏi phải giảm lãi suất để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp. Vì trong khi lãi suất huy động và cho vay VND đang bị neo cao và khó giảm thì một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục găm ngoại tệ thậm chí kể cả khi lãi suất USD bằng 0%. Do đó nếu không thay đổi, lượng vốn ngoại tệ trong ngân hàng sẽ không được đưa vào sản xuất kinh doanh, gây lãng phí.
Vừa qua, đã có nhiều đề xuất với NHNN về việc cần nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, đồng thời nối lại hoạt động cho vay ngoại tệ để thúc đẩy tín dụng. Tuy nhiên, cho đến nay NHNN mới chỉ chấp nhận đề xuất thứ 2 ở mức hạn chế. Theo ông, đâu là lý do khiến cơ quan này còn băn khoăn chưa tính nâng lại trần lãi suất tiền gửi?
Mục tiêu cuối cùng của NHNN là khi người dân nắm giữ USD ít đi, họ sẽ nắm giữ VND nhiều hơn và tạo điều kiện cho hạ lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Lúc đó, nhu cầu vay USD sẽ yếu đi và NHNN sẽ quay trở lại chính sách cầm hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ.
TS Nguyễn Đức Độ
Hiện nay trong nền kinh tế vẫn đang có một lượng USD được người dân và doanh nghiệp găm giữ và sẽ là lãng phí nếu không đưa được lượng tiền này vào sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Nhưng NHNN có lẽ chỉ muốn đưa lượng USD hiện có vào lưu thông, chứ không muốn lượng USD mà người dân và doanh nghiệp găm giữ ngày càng gia tăng.
Bởi vậy, NHNN đã áp dụng chính sách chỉ mở đầu ra cho các NHTM, tức là chỉ cho phép hoạt động tín dụng ngoại tệ ở mức hạn chế nhằm tận dụng số USD hiện có trong nền kinh tế, nhưng không mở đầu vào, tức là không khuyến khích người dân và doanh nghiệp găm giữ thêm USD bằng cách giữ nguyên trần lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức 0%.
Giả sử nếu nâng trần lãi suất tiền gửi USD, theo ông điều gì sẽ xảy ra?
Nếu NHNN nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ có thêm cơ hội phát triển, đồng thời một số doanh nghiệp sẽ được vay tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với mức lãi suất cho vay bằng VND hiện nay. Tuy nhiên, khi đó tình trạng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ khó giảm nhanh và lãi suất huy động cũng như cho vay VND sẽ càng khó giảm hơn.
Ngược lại, nếu NHNN vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá VND/USD, nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần (điều này đang diễn ra), người dân và doanh nghiệp sẽ nắm giữ VND nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các NHTM, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Khi lãi suất cho vay VND giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VND sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo.
Vậy chính sách trần lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD có phải là nguyên nhân khiến lượng ngoại tệ chảy ra bên ngoài?
Chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% chủ yếu liên quan đến tình trạng găm giữ ngoại tệ và đầu vào của các NHTM. Trong khi đó, lượng tiền các NHTM gửi ra nước ngoài có lẽ chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến đầu ra. Giả sử, lãi suất tiền gửi USD được nâng lên và lượng ngoại tệ chảy vào các NHTM nhiều hơn. Nếu vì nguyên nhân nào đó các NHTM không thể tăng cho vay bằng ngoại tệ hay không thể bán lượng ngoại tệ này để lấy VND, thì lượng tiền gửi ra nước ngoài có thể sẽ tăng lên chứ không giảm đi.
Nói tóm lại, NHNN không có nhiều lý do để tăng lãi suất tiền gửi bằng USD trong thời gian tới?
Quan điểm của tôi thì hiện tại sẽ là như vậy. Mục tiêu dài hạn của NHNN vẫn là làm nản lòng những người đang nắm giữ ngoại tệ bằng chính sách ổn định tỷ giá và lãi suất USD 0%. Tất nhiên, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả nhưng có lẽ NHNN sẽ không vì thế mà đưa ra các chính sách làm cho tình trạng đô la hóa gia tăng.
Ở đây có một sự đánh đổi giữa những lợi ích trong ngắn hạn với những lợi ích trong trung - dài hạn và NHNN muốn thực thi một chính sách linh hoạt trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ được tính nhất quán trong dài hạn với mục tiêu cuối cùng là chống đô la hóa.
Cảm ơn ông
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện NHNN đã lắng nghe đề xuất này của các chuyên gia và thị trường, nhưng nhiều khả năng cơ quan này sẽ đeo đuổi chính sách chống đô la hóa và ổn định thị trường ngoại tệ trong dài hạn. Nếu như vậy, chắc chắn, NHNN phải chấp nhận “gánh” phần khó ổn định tỷ giá về mình.