Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của Uber?

03/12/2014 09:53 AM | Công nghệ

Cuộc chiến giữa các hãng taxi truyền thống và Uber đã kéo theo rất nhiều những kẻ cơ hội khác vào cuộc. Và những kẻ này tất nhiên chẳng hề muốn Uber là người thắng cuộc.

Tác giả: Scott Anthony hiện đang là quản lý cấp cao của Innosight, một công ty tư vấn chiến lược tại Singapore. Scott từng tư vấn cho rất nhiều các tập đoàn hàng đầu thế giới như Procter & Gamble, Johnson & Johnson, General Electric, LG hay Credit Suisse. Ông từng nhận bằng MBA tại Harvard và cũng là một tác giả quen thuộc trên tạp chí Harvard Business Review.


Khi mà mọi người đã bắt đầu mất bình tĩnh, tôi nhẹ nhàng mở Uber ra với vài thao tác nhanh gọn. Chưa đầy 10 phút, xe của tôi đã tới trong khi vẫn chưa thấy bóng dáng một chiếc taxi nào.

Là một khách hàng thường xuyên, tôi phải thừa nhận rằng dịch vụ mà Uber cung cấp quả là tuyệt vời. Một lần, chúng tôi có một cuộc gặp mặt quan trọng với đối tác tại một khách sạn ở khá xa trung tâm Singapore. Khi ra về, người lễ tân phải gọi điện thoại “tới tấp” cho các taxi gần đó để có đủ xe cho 15 người chúng tôi. Khi mà mọi người đã bắt đầu mất bình tĩnh, tôi nhẹ nhàng mở Uber ra với vài thao tác nhanh gọn. Chưa đầy 10 phút, xe của tôi đã tới trong khi vẫn chưa thấy bóng dáng một chiếc taxi nào. Thật đơn giản mà hiệu quả!

Từng là một sinh viên và cũng đồng thời là giảng viên, tôi thực sự thích Uber trên khía cạnh công nghệ. Chẳng có gì nghi ngờ khi mà Uber đang giải quyết khá tốt vấn đề giao thông mà nhiều công ty vận tải cũng như các chính phủ còn đang loay hoay. Điều này càng chứng minh cho các lý thuyết về sáng tạo, khi mà Uber có rất nhiều tiềm năng để vươn lên và bứt phá nhiều hơn nữa.

Vài năm gần đây, rất nhiều các startup thực sự đã vươn lên rất mạnh nhờ các tiến bộ về công nghệ. Chúng ta đã nghe quá nhiều về những Airbnb, Dropbox hay Whatsapp, những startup chỉ mất một thời gian ngắn để có được hàng triệu khách hàng, vươn tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới và được định giá “tỷ đô”. Điều này phần nào rất khác với những các quy tắc trước đây khi các công ty phải gồng mình chống chọi với khó khăn rất lâu trước khi có được thành công.

Clayton Christensen, giáo sư tại trường Kinh doanh Harvard (HBS) đã chỉ ra 3 yếu tố quyết định đến sự thành công “bứt phá” của các startup:

Đầu tiên, công ty đó phải đưa ra được một giải pháp tốt hơn cộng với một chi phí phải chăng hơn những gì mà chúng ta có trước đây. Biến vấn đề trở nên dễ dàng hơn và biến cái đắt đỏ hơn thành thứ rẻ hơn chẳng phải là điều mà tất cả khách hàng đều mong muốn đó hay sao? Điều này khiến cho những startup này mau chóng thu hẹp khoảng cách với những đối thủ trong ngành hoặc trở thành người dẫn đầu thị trường.

Không thể phủ định rằng Uber đã làm quá tốt vấn đề này. Trong một thế giới hiện đại và bận rộn của ngày nay, nhu cầu di chuyển là thường xuyên và hệ thống taxi trở nên quá phức tạp cho bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Và Uber đã giải quyết vấn đề này bằng một giải pháp rất đơn giản và nhẹ nhàng. Dù rằng có phải chịu phàn nàn từ một vài khách hàng thiểu số và sự căm ghét từ các hãng taxi, nhưng tôi tin rằng Uber vẫn là một trong những cái tên được lòng người dùng nhất trong vài năm trở lại đây.

Thứ hai, công ty đó phải phát triển được một lợi thế cạnh tranh: tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ mà người dùng chưa bao giờ nghĩ đến trước đây và cũng khó để các công ty khác bắt chước theo. Hoặc công ty đó sở hữu một bản quyền công nghệ để giải quyết vấn đề, hoặc có một mô hình kinh doanh tốt hơn những đối thủ hiện tại. Chỉ cần một trong hai yếu tố đó thôi cũng đủ để đưa công ty vượt qua các đối thủ cạnh tranh đồng thời cũng tránh bị kẻ khác sao chép ý tưởng của mình.

Và một lần nữa, Uber lại là một ví dụ tuyệt vời cho vấn đề này. Chưa tính tới sự đột phá trong việc quản lý hệ thống xe, Uber còn tận dụng được thế mạnh của hiệu ứng mà nó tạo ra: Càng nhiều người đăng ký, giá trị của công ty sẽ càng lớn và càng thu hút được thêm nhiều người dùng mới hơn.

Yếu tố cuối cùng đó là liệu mô hình kinh doanh của công ty đó có tận dụng được lợi thế về “động cơ bất tương xứng” hay không. Nói một cách dễ hiểu hơn, liệu rằng startup này có đang hướng tới thị trường nơi các đối thủ hiện tại đang muốn tìm cách rút khỏi do không thể tạo được lợi nhuận. Và đây cũng chính là khó khăn mà Uber đang gặp phải.

Một ví dụ có thể kể tới trong trường hợp này đó là giai đoạn khởi đầu của Salesforce.com, một công ty chuyên bán các phần mềm quản lý khách hàng trên nền tảng đám mây cho các công ty vừa và nhỏ. Những công ty quy mô nhỏ này thường không có khả năng mua các phần mềm phức tạp hơn của các “ông lớn” như Siebel với giá hàng triệu đô la. Salesforce.com đã không hề cạnh tranh trực tiếp với Siebel mà chỉ đơn giản hướng tới những khách hàng mới. Do đó, Siebel gần như không cảm thấy một chút cạnh tranh gì trong giai đoạn này. Chỉ vài năm sau, Salesforce.com trở thành một công ty trị giá tới 15 tỷ USD , doanh thu định kỳ 1,2 tỷ USD trong khi Siebel đã bị bán cho Oracle với bản hợp đồng 5,8 tỷ USD.

Một cách khác để các startup có thể tận dụng “động cơ bất tương xứng” đó là áp dụng một mô hình kinh doanh đủ khôn khéo để các đối thủ lớn hơn trong thị trường sẽ chịu thiệt hại về tài chính nếu họ muốn đáp trả lại. Điển hình nhất ở đây chính là cách Netflix cạnh tranh với Blockbuster. Netflix không hề thu phí người dùng trong trường hợp họ thanh toán muộn, trong khi đây lại là nguồn thu chính của Blockbuster. Và tất nhiên, chẳng có công ty nào lại muốn thay đổi mô hình kinh doanh để gây thiệt hại cho chính mình cả.

Tuy vậy, Uber lại không hề đi theo 2 con đường trên. Những khách hàng mà Uber nhắm đến cũng chính là đối tượng của các hãng xe taxi. Thông thường thì người đi xe sẽ phải trả một mức phí thấp hơn tương đối so với gọi taxi thông thường. Và đó là lý do các hãng xe taxi không thể ngồi yên nhìn Uber ngang nhiên “tung hoành” như vậy. Họ đấu tranh lại một cách quyết liệt thông qua cả biểu tình và luật pháp.

Tệ hơn nữa, cuộc chiến giữa các hãng taxi truyền thống và Uber đã kéo theo rất nhiều những kẻ cơ hội khác vào cuộc. Và những kẻ này sẽ chẳng hề muốn Uber là người thắng cuộc ở đây. Tại Singapore, một trong những ứng dụng phổ biến nhất lúc này đó là GrabTaxi, với giao diện gần như tương tự Uber nhưng cho phép người dùng gọi taxi thông thường một cách nhanh chóng hơn. Rõ ràng sẽ chẳng có hãng taxi nào “ghét bỏ” Grabtaxi bởi công ty này không hề muốn thay đổi thị trường truyền thống, nhưng một khi có điều luật nào đó ban hành bởi chính quyền Singapore, chắc chắn bên bất lợi sẽ là Uber.

Nói tóm lại, tất cả những cuộc đối đầu trên sẽ đều rất có lợi cho khách hàng khi mà chúng ta có thể được hưởng những giải pháp tiện dụng hơn. Tôi sẽ chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Uber sẽ tiếp tục lấn sang các thị trường khác, đặc biệt là các trung tâm startup lớn với những quỹ đầu tư mạo hiểm đầy tiềm năng. Nhưng do thiếu đi một yếu tố quan trọng để có thể bứt phá một cách hoàn hảo, có vẻ như những cuộc cạnh tranh trong tương lai sẽ trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn bao giờ hết cho Uber.

>> Lãnh đạo Uber: Chúng tôi muốn đem lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng 

Khanh Lưu (dịch)

Lưu Phi Khanh

Cùng chuyên mục
XEM