Uber, Grab taxi “thông minh” hay taxi truyền thống quá “bảo thủ”?

19/11/2015 14:43 PM | Kinh doanh

Trong khi gần 3.000 Uber và Grab taxi đang di chuyển hằng ngày trên đường thì Hiệp hội Vận tải Hà Nội và các hãng taxi truyền thống vẫn đang trên đường đi tìm “chân lý”. Qua hàng chục, hàng trăm hội thảo đình đám nhưng cuộc chiến sinh tồn giữa hai loại hình này vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết.

Sở GTVT Hà Nội muốn khống chế số lượng xe chạy Grab/Uber

Sáng nay 19/11, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục tổ chức hội thảo trao đổi về hệ lụy của loại hình UberGrab taxi đến kinh tế và xã hội Việt Nam. Đến dự hội thảo có lãnh đạo các cơ quan liên quan và hàng chục đại diện các hãng taxi Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho rằng, chính sự ra đời và hoạt động của Grab/Uber taxi đang làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông, rối loạn thị trường Việt Nam.

Thực chất việc kinh doanh dịch vụ taxi sử dụng phần mềm Grab và Uber không tạo ra thị trường mới, mà giành thị phần từ thị trường hiện có của hãng taxi truyền thống. Điều này khiến cho các hãng taxi truyền thống gặp những khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản, đẩy lái xe taxi đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Bên cạnh đó, vị đại diện các hãng taxi Hà Nội khẳng định Uber và Grab không phải là giải pháp giảm ùn tắc giao thông mà còn là nguyên nhân gia tăng ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, đã có thêm nhiều Taxi Grab/Uber đang hoạt động. Ước tính, số lượng taxi của Grab và Uber trên cả nước là khoảng 3.000 phương tiện.

Trong khi đó, theo một vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc xuất hiện thêm Uber và Grab đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” là 2.364 xe. Do đó, tổng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tại trên địa bàn thành phố là 20.993 xe.

Nếu không quy định rõ số lượng xe hợp đồng hoạt động thí điểm thì số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội theo hình thức taxi sẽ phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt - năm 2015 đạt 20.000 xe.

“Điều này dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô của Thành phố ngày càng tăng lên. Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khống chế số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm này nhằm phù hợp với mục tiêu của đề án taxi”, vị này đề nghị.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Kể từ đầu năm 2014, khi Uber và Grab xuất hiện tại Việt Nam đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa loại hình này với các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện tranh giành thị trường giữa các hình thức kinh doanh taxi vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Bức xúc vì cho rằng đang bị Grab/Uber thôn tính, ông Trần Đức Trí, đại diện hãng taxi Thanh Nga cho hay, với giá cước 6.000 đồng/kg mà Grab áp dụng không một hãng taxi truyền thống nào có thể chạy được cho dù đã áp dụng công nghệ.

Thực tế, Grab đã hỗ trợ cho lái xe trung bình mỗi “cuốc” là 47.000 đồng. Đến ngày 9/10 vừa qua, Grab không hỗ trợ lái xe, một số đã chuyển sang taxi dù và xuất hiện nhiều taxi mới không đủ điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, hệ lụy của Grab theo ông Trí chính là thái độ phục vụ khách hàng của lái xe. Chẳng hạn như khi bị đánh giá phục vụ không tốt, lái xe bị kiểm tra, cắt mã cung cấp đã nhắn tin, gọi điện đe dọa, làm phiền khách.

“Ai cũng có thể kinh doanh taxi, nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh taxi nhưng cần tránh tình trạng này”, ông Trí nói.

Đồng quan điểm với ông Trí, ông Phạm Duy Tín, đại diện hãng Victaxi Hà Nội cũng cho rằng, so với Grab/Uber, taxi truyền thống đang chịu thiệt thòi hơn. Nếu như taxi truyền thống phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước thì Grab/Uber được tự do đi từ nơi này đến nơi khác mà không phải dán logo, nhãn hiệu, không có bảng giá, không phải lắp thiết bị cho xe, đồng phục...

“Quan điểm của Victaxi là kiến nghị nhà nước làm rõ Grab là đơn vị kinh doanh taxi hay đơn vị cung cấp phần mềm cho taxi. Đây là cuộc cạnh tranh không công bằng vì taxi truyền thống chịu sự ràng buộc chặt chẽ của cơ quan nhà nước, Grab thì không. Nhà nước nên đưa Grab, Uber vào quản lý để tạo sân chơi công bằng”, ông Tín nói.

Tuy nhiên, đáp lại những băn khoăn, vướng mắc trên, ông Võ Văn Mai, Viện công nghệ và ứng dụng sáng tạo cho rằng, trong khi Uber/Grab đang tồn tại và duy trì tốt, các hãng taxi truyền thống cố bám lấy sườn pháp lý để bảo vệ mình là điều không ổn.

“Các hãng taxi phải tự nâng cấp mình, nhu cầu cấp thiết thì phải ứng dụng công nghệ thông tin vào để phát triển phù hợp với riêng từng hãng. Không nên tự bó buộc mình theo khuôn khổ, thói quen, phải làm hài lòng khách hàng bằng những giải pháp công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ...”, ông Mai nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, Grab và Uber đã sử dụng công nghệ thông tin, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải.

Đây là cách làm sáng tạo. Grab sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... và đã công khai. Còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Lẽ ra, các xe đó (Uber) phải đăng ký vào một DN vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống.

"Tôi cho là Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng chưa hiểu rõ thế nào là Grabtaxi thế nào là Uber. Cho nên, tôi cho rằng, các hiệp hội vận tải nên thông qua cơ quan quản lý để tìm hiểu thêm", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thẳng thắn chia sẻ.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM