Toyoda: Từ gia đình thợ mộc nghèo đến ông trùm ô tô thế giới

20/11/2015 09:23 AM | Kinh doanh

Ngày 28/8/1937, công ty Toyota Motor Corporation chính thức ra đời, mở ra một kỷ nguyên với những thành công rực rỡ trong ngành công nghiệp ô tô và từ đó làm rạng danh đất nước Nhật Bản.

CafeBiz xin giới thiệu series bài viết về "Những gia tộc giàu có nhất trong lịch sử thế giới". Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Sáu hàng tuần. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả câu chuyện về Toyoda - gia tộc đứng đằng sau đế chế ô tô khổng lồ Toyota .

Xem bài viết trước:

Gia tộc Morgan: Đế chế kinh doanh 'nắm nước Mỹ trong lòng bàn tay'

Rothschild: Bí ẩn gia tộc kinh doanh giàu có nhất mọi thời đại

Gia tộc Rockefeller: Đế chế dầu mỏ khét tiếng từng khiến cả nước Mỹ khiếp sợ


Từ người thợ mộc tài hoa…

Nhà sáng lập Toyota là Sakichi Toyoda sinh ra trong một gia đình thợ mộc nghèo thuộc vùng nông thôn gần Nagoya, Nhật Bản. Ông lớn lên và theo học nghề của cha, trở thành một thợ mộc với chuyên môn là đóng các máy dệt bằng gỗ. Bằng việc ham học hỏi và cần mẫn, sau này ông đã tạo ra một loại máy dệt hoàn toàn mới, cải tiến từ chiếc bằng gỗ trước đó.

Không chỉ là một người thợ tài hoa, ngay từ đầu Toyoda đã tỏ ra là một người sáng tạo và có đầu óc kinh doanh nhanh nhạy. Khi tạo ra chiếc máy dệt này, ông đã nhanh chóng đăng ký bản quyền sáng chế và sau đó sản xuất hàng loạt để bán.

Trong một lần sang Mỹ để tìm hiểu thông tin cho dự án máy dệt tự động mà ông đang nghiên cứu, Sakichi Toyoda tình cờ nhận thấy ôtô đã xuất hiện ở Mỹ khá nhiều mà Nhật Bản chưa có. Tiếp sau đó, khi có thông tin Nhật Bản phải nhập 800 chiếc xe ôtô của hãng Ford thì lòng tự ái dân tộc của Sakichi Toyoda lại dâng cao.

Trước đó, ông đã cho con trai mình là Kiichiro Toyoda theo học ngành cơ khí chế tạo máy tại trường đại học Tokioter. Hai cha con đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo ra một chiếc máy dệt tự động vào năm 1924, loại có giá thành rẻ hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn những chiếc máy bằng gỗ cùng loại.

Hình ảnh ông Kiichiro Toyoda sang Anh bán bằng sáng chế chiếc máy dệt

Năm 1929, khi nhận thấy rằng ngành công nghiệp ôtô ngày càng phát triển, ông cử con trai sang Anh và bán bằng sáng chế chiếc máy dệt của mình cho công ty Platt Brothers để lấy 100.000 bảng Anh. Với số tiền này ông bàn giao cho con trai để đầu tư vào việc chế tạo và sản xuất ôtô.

Đầu năm 1930, lần lượt từng dây chuyền sản xuất vỏ xe, gầm xe rồi động cơ xe ôtô được gia đình Toyoda hoàn thiện.

Năm 1934 chiếc xe mẫu đầu tiên ra đời, và được đưa vào sản xuất đại trà vào năm 1935 dưới tên gọi Toyota A1. Ngày 28/8/1937, công ty Toyota Motor Corporation chính thức ra đời, mở ra một kỷ nguyên với những thành công rực rỡ trong ngành công nghiệp ôtô.

Cái tên Toyota ra đời bằng cách thay chữ cái “d” bằng chữ cái “t” trong tên họ Toyoda. Không chỉ dễ đọc hơn, chữ Toyota chỉ có 8 nét so với 10 nét của Toyoda. Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, con số 8 mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng, trong khi đó số 10 là một số tròn trĩnh, không còn chỗ cho sự phát triển.

Đến đế chế ôtô tỷ đô

Tháng 4/1937, Toyota chính thức được đăng ký bản quyền thương mại. Và kể từ đó, thương hiệu Toyota trở thành một trong những biểu tượng, là niềm tự hào của mỗi người dân Nhật Bản. Những mẫu xe hơi thông dụng bắt đầu được ra đời và trở nên phổ biến.

Toyota hiện luôn là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, có giá trị hàng chục tỷ USD. Đồng thời, Toyota sở hữu 522 công ty con trên khắp hành tinh. Đây cũng là một trong 3 công ty xe hơi lớn nhất thế giới, chỉ sau General Motors (GM) và Volkswagen (VW). Trong năm tài chính vừa qua, theo Toyota, "doanh số bán xe hợp nhất đạt 8.971.864 chiếc".

Chủ tịch hiện tại của Toyota là Akio Toyoda – cháu nội của nhà sáng lập Toyota Motor là Kiichiro Toyoda. Akio gia nhập Toyota vào năm 1984. Đến năm 2000, ông tham gia hội đồng quản trị của công ty.

Năm 2005, ông được bổ nhiệm lên vị trí phó chủ tịch tập đoàn. Thời điểm đó, gần như chắc chắn vị trí chủ tịch tập đoàn sẽ thuộc về Akio, tuy nhiên cách mà Akio nắm quyền lãnh đạo gia sản của cha ông để lại thật sự khác biệt.

Là một chuyên gia nghiên cứu hiệu quả sản xuất và cũng là người lâu nay vẫn theo sát từng bước phát triển của Toyota, ông James Womack nhận định: “Việc Akio có trở thành người đứng đầu Toyota phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không phải vì mang dòng họ Toyoda”.

Akio có xuất phát điểm như bất kỳ nhân viên Toyota nào khác. Năm 1984, ông hỏi ý kiến cha xem có nên về làm cho Toyota không và nhận được một câu trả lời kinh ngạc: “Chẳng ai muốn làm chủ của con cả. Toyota không cần con. Nếu con muốn làm việc ở đây, hãy bắt đầu như tất cả mọi người khác”, tức là bắt đầu từ vị trí học việc. Kể từ đó, con thuyền Toyota vẫn vững vàng trước sóng gió.

Gia tộc Toyoda vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới Toyota dù hiện chỉ giữ số ít cổ phần - chưa đến 5%, theo tính toán của giới phân tích. Nhiều thành viên gia đình Toyoda, trong đó có Eiji Toyoda - anh họ của ông Kiichiro, và Shoichiro, con trai ông, từng giữ cương vị chủ tịch tập đoàn.

Đến năm 2009, Akio mới chính thức nhậm chức, đưa đế chế Toyota quay trở lại thời kỳ gia đình trị. Năm 2012, Akio được vinh dự đứng ở vị trí 43 trong danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Hiện tại, ông đang nắm giữ khối tài sản 1 tỷ USD.

Trách nhiệm nặng nề trên đôi vai người kế nghiệp!

Năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra nhiều thất thoát lớn cho công ty. Sau đó khách hàng phàn nàn việc tăng tốc không theo ý muốn và một số vấn đề an toàn khác, dẫn tới việc triệu hồi 24 triệu xe trên toàn thế giới.

Ông CEO Akio (trái) và ông Yoshiumi Inaba - CEO Toyota khu vực Bắc Mỹ (phải) trong một phiên điều trần về vấn đề lỗi phanh xe năm 2010:

Sự kiện này đánh dấu một cú sốc với toàn ngành công nghiệp ô tô và khiến niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng của thương hiệu xe hơi Nhật Bản giảm sút đi rất nhiều.

Chủ tịch Akio đã phải đích thân đến Mỹ, Trung Quốc rồi Canada để nhận trách nhiệm và xin lỗi về những vụ thu hồi xe.

Cũng từ sự cố này, người ta đổ lỗi cho việc Toyota đang cố gắng toàn cầu hoá quá nhanh chóng, mở rộng sản xuất điên cuồng và không thể kiểm soát được chất lượng. Tuy nhiên, Akio đã khéo léo nhận trách nhiệm và hứa sẽ cải thiện tình hình.

Và mới đây nhất, ông đã gặt hái thành công khi đưa Toyota quay trở lại vị trí là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với 7,49 triệu chiếc xe được bán ra trong 9 tháng đầu năm nay.

Dĩ nhiên, thành công này một phần lớn là nhờ "cú sảy chân" của đối thủ Volkswagen. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nỗ lực đưa Toyota quay trở lại ngai vàng trong ngành công nghiệp ô tô của Akio - hậu duệ đời thứ 4 của gia tộc Toyoda.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM