Gia tộc Rockefeller: Đế chế dầu mỏ khét tiếng từng khiến cả nước Mỹ khiếp sợ
Có lẽ, câu nói “không ai giàu 3 họ” không còn linh nghiệm đối với gia tộc Rockefeller.
CafeBiz xin giới thiệu series bài viết về "Những gia tộc giàu có nhất trong lịch sử thế giới". Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Sáu hàng tuần. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả câu chuyện về đế chế dầu mỏ khổng lồ Rockefeller.
Nhắc đến những gia tộc kinh doanh lẫy lừng, sẽ là thiếu sót nếu như không kể tới Rockefeller - đế chế dầu mỏ hùng mạnh nhất thế giới. Gia đình Rockefeller thịnh vượng từ thế kỉ 19 khi họ thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ.
Đến nay quyền lực của gia tộc này vẫn thể hiện rõ nét qua thể chế tài chính lớn mang tên JP Morgan Chase. Thậm chí, người dân New York còn nói đùa với nhau rằng chỉ cần bước chân ra khỏi nhà sẽ chạm mặt dịch vụ của Rockefeller, từ cây xăng tới ngân hàng.
Vậy gia tộc này giàu có nhờ đâu?
Người có công đóng góp cho sự thịnh vượng của gia tộc này phải kể đến là John Davison Rockefeller. Ông không chỉ được xem là người đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thủa sơ khai mà còn được xem là một trong những người giàu nhất trong lịch sử với tài sản tương đương khoảng hơn 663 tỷ USD so với giá trị đồng USD năm 2007 (theo cách tính của Forbes).
Là một người nhập cư Mỹ từ Đức, gia đình lại không khá giả, Davison Rockefeller đã bươn trải qua rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Thời kỳ nội chiến Mỹ nổ ra ông đã thực sự thành công với công ty cung cấp đồ ăn cho các quân nhân và khi nội chiến kết thúc, ông đã bỏ túi 250.000 USD.
Khi công ty cung cấp thức ăn vẫn đang hoạt động tốt, John Davison đã nhanh nhạy nghĩ đến việc đầu tư vào dầu mỏ khi nghành công nghiệp này bắt đầu bùng nổ. Và tới năm 1870, ông đã thành lập nên công ty Standard Oil.
Ban đầu công ty của ông chỉ thuộc hạng trung bình nhưng khi nhận được một khoản vay lớn từ ngân hàng đô thị quốc gia Cleveand, mọi thứ đã thay đổi. Đây chính là bàn đạp giúp Rockefeller đã xây dựng Standard Oil thành công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới trong vòng 40 năm sau đó.
Cùng thời điểm này, tất cả những người tham gia vào ngành công nghiệp luyện dầu đều nhìn thấy cơ hội và triển vọng tốt với mức lợi nhuận ngắn hạn cao. Tuy nhiên không có mấy người như Rockerfeller nhìn thấy một sự thật hiển nhiên đó là: Cạnh tranh trong lĩnh vực này diễn ra kịch liệt mà không thể kiểm soát được, vì thế sớm hay muộn, các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến này sẽ rơi vào cảnh cạnh tranh quyết liệt.
Như vậy để tồn tại và phát triển, chỉ có duy nhất một cách: Tiêu diệt đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá, không từ bất cứ thủ đoạn nào.
Mục tiêu mà ông đặt ra là đè bẹp các mỏ dầu nhỏ ở Trung Đông. Bằng cách nào đó, John Davison đã “đi đêm” thành công, thuyết phục phía đường sắt giảm giá vận chuyển cho mình, giành lợi thế vượt trội. Kế hoạch này tai tiếng đến nỗi nó được đặt tên riêng là “Cuộc tàn sát Cleveland” (Cleveland Massacre).
Có rất ít tài liệu ghi lại về sự kiện này chỉ biết rằng khi cuộc "tàn sát" kết thúc vào tháng 4/1872 công ty Standard Oil của Rockefeller đã kiểm soát tới 25% ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ.
Công ty cứ thế tiếp tục phát triển và đến năm nhà sáng lập John Davison 38 tuổi, Rockefeller đã kiểm soát gần 90% công suất lọc dầu của Mỹ và ông là 1 trong 20 người giàu nhất nước này.
Nổi tiếng và tai tiếng
Dù thành công và giàu có nhưng gia tộc Rockefeller và bản thân nhà sáng lập John Davison đã phải chịu không ít tai tiếng và chỉ trích. Đa phần đều tỏ ra lo ngại về vấn đề công ty này độc quyền và kiểm soát hầu như toàn bộ thị trường dầu mỏ.
Kết quả là tới năm 1890, chính quyền bang Ohio đã buộc phải ra đạo luật chống độc quyền, yêu cầu các công ty chia nhỏ thành nhiều tập đoàn độc lập, không được liên kết để độc quyền và kiểm soát thị trường. Những công ty con hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay như một phần của các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới như Chevron, ExxonMobil, BP, Amoco và Shell.
Trước bối cảnh đó, để lấy lại danh tiếng và tên tuổi, John Davison đã không ngần ngại chi hàng trăm nghìn USD để đầu tư và ủng hộ các trường học. Một trong số đó có thể kể đến là khoản đầu tư vào trường Đại học Chicago với số tiền lên tới 600.000 USD.
Cũng trong thời gian này, tài sản của nhà sáng lập John Davison tiếp tục phình to hơn, cán mốc 900 triệu USD. Bản thân chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt cũng sợ hãi trước khối tài sản khổng lồ đó và nhiều lần theo đuổi các vụ kiện tụng liên quan tới công ty này. (Tổng thống Theodore Roosevelt từng lo ngại ông có thể sẽ thành lập một chính phủ ngầm hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước Mỹ).
Một số nguồn tin không chính thức thậm chí còn cho rằng gia đình Rockefeller còn thành lập câu lạc bộ Bilderberg, bao gồm khoảng 150 thành viên gồm toàn những tỷ phú tài chính và nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới suốt 60 năm qua.
Hiện thành viên tổ chức này có những nhân vật "sừng sỏ" như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Hoàng đế Bỉ Philippe, Thái tử Anh Charles, Giám đốc IMF Christine Lagarde. Nhiều người tin tổ chức này thực chất là một "hội kín" lập ra để thao túng thế giới trong tay họ.
Câu nói “không ai giàu 3 họ” không còn linh nghiệm?
Tỷ phú John Davison có 1 người con trai duy nhất và 4 người con gái. Những thế hệ sau này trong gia đình ông đều thành công, cả trong lĩnh vực kinh doanh và trên chính trường.
Tỷ phú David Rockefeller năm nay đã 100 tuổi:
Người già nhất và cũng là cháu nội duy nhất của John Davison hiện nay là David Rockefeller đã 100 tuổi và nắm giữ khối tài sản 3,2 tỷ USD.
Một thành viên khác nổi tiếng không kém thuộc gia đình này là Thượng nghị sỹ Jay Rockefeller.
Tại Mỹ, những khu bất động sản khổng lồ thuộc sở hữu của nhà Rockefeller có thể kể đến là Trung tâm Rockefeller, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Trung tâm Lincoln, Trung tâm thương mại bang New York, Bến tàu thủy liên hợp San Francisco....
Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil – một trong những công ty lớn nhất thế giới cũng thuộc sở hữu của nhà Rockefeller.
Ngoài ra, gia tộc Rockfeller cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành tài chính, ngân hàng. Họ được biết đến là chủ của Ngân hàng Chase Manhattan, hiện là một thành viên của JP Morgan Chase, hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới.