Giới ngân hàng thiệt hại hàng tỷ USD vì Thụy Sỹ
Quyết định đột ngột thả nổi đồng Franc của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã giáng đòn mạnh vào nhiều định chế tài chính, Bloomberg đưa tin.
Chỉ tính riêng tại ba ngân hàng Citigroup, Deutsche Bank AG và Barclays, tổng thiệt hại đã chạm mức 400 triệu USD.
"Con số có thể lên đến hàng tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nạn nhân sẽ trải dài từ các ngân hàng lớn, công ty môi giới, quỹ phòng vệ, quỹ tương hỗ, giới đầu cơ tiền tệ. Hiệu ứng tràn sẽ loang khắp hệ thống tài chính", ông Mark T. Williams, chuyên gia quản lý rủi ro tại Đại học Boston nhận xét.
Citigroup, ngân hàng giao dịch tiền tệ lớn nhất thế giới, mất hơn 150 triệu USD. Deutsche Bank cũng mất 150 triệu USD, Barclays "thương tích" nhẹ hơn tại gần 100 triệu USD.
Đến Marko Dimitrijevic - ông trùm quỹ phòng vệ sống sót qua 5 đợt khủng hoảng nợ tại thị trường mới nổi, cũng phải giương cờ trắng.
Ông Marko Dimitrijevic là nhà sáng lập, kiêm CEO công ty Everest Capital, điều hành quỹ phòng vệ Global Fund.
Ông tuyên bố sẽ đóng cửa quỹ phòng vệ lớn nhất của mình vào cuối năm nay. Quỹ điều hành 830 triệu USD tài sản, hầu hết đã đội nón ra đi sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB).
Các quỹ phòng vệ gặp khó khiến nhu cầu đối với hoạt động như cho vay chứng khoán, thực hiện giao dịch và quản lý tiền tệ giảm, bào mòn nguồn thu của ngân hàng.
FXCM, công ty forex lớn nhất Mỹ, vừa phải nhận gói hỗ trợ 300 triệu USD từ tập đoàn Leucadia National. Không kịp trở tay, khoản thua lỗ khiến FXCM có khả năng không đạt được tỷ lệ tài sản theo quy định của Mỹ.
Các công ty môi giới thua lỗ có thể châm ngòi cho cơn rút vốn từ phía khách hàng, kéo tụt thanh khoản.
"Giới ngân hàng Thụy Sỹ sẽ phải đối mặt với tác động tiêu cực kép. Đầu tiên, các nhà đầu tư mới sẽ ngừng đổ tiền vào Thụy Sỹ, các nhà đầu tư trước đây sẽ tháo vốn sang nước khác. Tiếp theo, ngân hàng nước này sẽ phải gánh chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế", ông Arturo Bris, giáo viên tại trường kinh doanh IMD nhận xét.
Deutsche Bank mất 150 triệu USD vì SNB đột ngột thả nổi franc Thụy Sỹ.
Động thái của SNB có thể ảnh hưởng xấu đến xếp hạng tín dụng của ngân hàng Thụy Sỹ và các tổ chức quản lý tài sản, vì nó đè sức ép lên lợi nhuận và chất lượng tài sản, cơ quan xếp hạn tín dụng Moody’s nhận xét.
Ngoài ra, Moody’s cảnh báo ngân hàng Úc và Ba Lan cũng có thể là nạn nhân, vì các nhà băng có nhiều khoản cho vay bằng đồng franc.
"Còn nhớ năm 2009 khi đồng USD tăng giá, nhiều công ty khổng lồ tại Mexico và Brazil cũng lao đao, khi phòng kinh doanh tiền tệ - ngoại hối của những doanh nghiệp này cũng chơi forex. Vậy nên bức tranh toàn cảnh chưa được tiết lộ hết", ông Philip Guarco, người đứng đầu bộ phận chiến lược thu nhập cố định toàn cầu tại ngân hàng JPMorgan Private Bank nhận xét.
>> Ngân hàng Thụy Sỹ đã làm gì và vì sao khiến cả thế giới ‘sốc’?
Theo LỀ PHƯƠNG