Khi tờ 100 USD hay 1000 Franc Thụy Sĩ thường dành cho...bọn tội phạm
Tại sao các đồng tiền mệnh giá lớn lại không được ưa chuộng như vậy?
Thời gian gần đây, những đồng tiền mệnh giá lớn đang bị nhiều chuyên gia đánh giá tiêu cực.
Vào đầu tháng 2 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tuyên bố sẽ điều tra thực trạng sử dụng đồng 500 euro.
Động thái này diễn ra không lâu sau khi chuyên gia Peter Sands của Đại học Harvard công bố một báo cáo cho thấy nên rút đồng tiền này cùng với các đồng tiền mệnh giá lớn khác như 1000 Franc Thụy Sĩ và thậm chí cả đồng 100 USD ra khỏi lưu thông trên thị trường.
Tại sao các đồng tiền mệnh giá lớn lại không được ưa chuộng như vậy?
Những cửa hàng thông thường sẽ nghi ngại hoặc thậm chí từ chối thẳng thừng nếu khách hàng trả bằng tiền mệnh giá lớn. Rõ ràng, người tiêu dùng khó dùng 500 Euro để mua một thanh kẹo vài Euro và yêu cầu cửa hàng trả lại bởi người bán hàng rất ngại lấy phải tiền giả trong khi trả lại bằng tiền thật.
Mặc dù những cửa hiệu cao cấp ở trung tâm Zurich-Thụy Sỹ chấp nhận các đồng tiền mệnh giá lớn cho thanh toán các sản phẩm xa xỉ nhưng họ vẫn dè chừng khi sử dụng loại đồng tiền này và thường dùng máy để kiểm tra xem có phải tiền giả hay không.
Hầu hết các cửa hàng hiện nay tại Châu Âu đều không chịu nhận tiền có mệnh giá quá lớn và thậm chí đa phần người Châu Âu còn chưa bao giờ nhìn thấy đồng 500 Euro.
Mặc dù vậy, số liệu từ ngân hàng trung ương vẫn cho thấy những đồng tiền mệnh giá lớn lại cực kỳ phổ biến. Có đến 60% đồng Franc Thụy Sĩ trong lưu thông nằm ở dạng tờ 1000 Franc và 30% đồng Euro tiền mặt nằm ở dạng 500 Euro.
Một số người nghi ngờ rằng những đồng tiền mệnh giá lớn này không nằm trong tay người bình thường mà nằm trong tay bọn tội phạm bởi chúng nhỏ gọn dễ vận chuyển.
Tìm ra chính xác ai là người nắm giữ tiền mặt là một việc khá nan giải bởi hầu hết những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật ưa thích nắm giữ loại tiền mệnh giá lớn này. Tuy nhiên các quan chức hành pháp chắc chắn rằng những đồng tiền mệnh giá lớn là đích nhắm của bọn tội phạm vì chúng nhỏ gọn và dễ cất giấu.
Gần đây, ngày càng nhiều chuyên gia lo ngại về vai trò của những đồng tiền mệnh giá lớn trong việc cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.
Vào năm 2014, một người vận chuyển tiền cho một mạng lưới khủng bố bị bắt khi đang vào Thổ Nhĩ Kỹ với 40 đồng 500 Euro (20.000 Euro) trong đồ lót và chắc chắn nếu chỉ có loại tiền 100 Euro thì người đàn ông này sẽ phải mặc một cái quần rộng hơn nhiều.
Ông David Lewis của Đội đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) – một cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực chống tội phạm tài chính – nói rằng những đồng tiền mệnh giá lớn hiện nay chủ yếu được sử dụng trong các hoạt động buôn lậu ma túy và buôn người, rửa tiền và các hoạt động kiếm tiền phi pháp khác.
Ông Sands cũng cho rằng việc rút các đồng tiền này khỏi lưu thông sẽ giúp chính phủ tăng ngân sách khi khả năng thanh toán bằng tiền mặt bị hạn chế hơn. Thông thường, những người trốn thuế sẽ sử dụng tiền mặt thay vì thanh toán qua tài khoản ngân hàng và những đồng tiền mệnh giá lớn là loại tiền được ưa thích nhất.
Hơn nữa, việc loại bỏ các những đồng tiền tiền mệnh giá lớn cũng giúp ngăn chặn tội phạm vận chuyển tiền, bởi do mệnh giá tiền nhỏ hơn khiến khối lượng tiền mặt vận chuyển lớn hơn, qua đó dễ dàng bị phát hiện hơn.
Dẫu vậy, quy trình xóa bỏ loại tiền này lại không hề đơn giản. Bất kỳ quy trình rút một loại tiền mặt ra khỏi lưu thông nào cũng phải được thực hiện từ từ.
Bên cạnh đó, những rào cản về chính trị cũng khiến việc loại bỏ đồng tiền mệnh giá lớn trở nên khó khăn. Nhiều chính trị gia lo ngại động thái này có thể kích thích việc xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng tiền giấy, qua đó làm ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích.
Rõ ràng, nếu không có sự đồng bộ và thống nhất giữa các nước, việc loại bỏ các đồng tiền mệnh giá lớn sẽ đem lại hiệu quả không thực sự cao