Thụy Sĩ trả lương toàn dân: Không dễ như thế đâu!

05/02/2016 09:09 AM |

Tháng 6/2016, Thụy Sĩ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý việc sẽ trả lương cơ bản cho toàn dân nước này ở mức 2.450 USD/tháng. Sự kiện khiến nhiều người Việt xôn xao và thán phục, gọi đây là chính sách "xã hội chủ nghĩa đích thực".

Theo tờ The Independent đưa tin, nếu cuộc trưng cầu dân ý nhận được đa số phiếu thuận, Thụy Sĩ sẽ là nước đầu tiên trên thế giới phát lương cơ bản cho toàn dân vô điều kiện.

Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức dựa trên ý tưởng của một nhóm học giả Thụy Sĩ và được Viện nghiên cứu Demoscope đưa ra tiến hành khảo sát. Thông qua kết quả khảo sát sơ bộ, phần đông người Thụy Sĩ vẫn sẽ làm việc để tăng thu nhập bất chấp đã có lương cơ bản, 2% trong số họ cho biết sẽ nghỉ việc và 8% cho biết họ sẽ cân nhắc.


Thụy Sĩ được mệnh danh là đất nước của ngân hàng.

Thụy Sĩ được mệnh danh là đất nước của ngân hàng.

Liệu ý tưởng này có khả thi và đưa Thụy Sĩ tiến tới một nền chủ nghĩa xã hội toàn vẹn mà ở đó, người dân làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu hay không? Thực ra không hề dễ dàng như vậy. Để hiểu rõ thêm về sự kiện này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ lương toàn dân là gì?

Lương toàn dân hay thu nhập cơ bản (basic income) thực tế là thu nhập cơ bản không điều kiện, nghĩa là người dân được hưởng khoản lương này mà không cần phải làm bất cứ điều gì ngoài việc chứng minh mình là công dân của nước đó.

Trên thực tế, thu nhập cơ bản không điều kiện là một hình thức an sinh xã hội toàn hệ thống, trong đó, tất cả các công dân hoặc cư dân của một quốc gia được nhận một mức tiền cơ bản hàng tháng một cách vô điều kiện. Nó cũng là một hình thức nhận tiền từ chính phủ hay một tổ chức nào đó ngoài khoản thu nhập mà người dân vẫn được hưởng từ trước đó.

Hình thức thu nhập cơ bản này không phải là điều mới lạ. Từ những năm 1795, hình thức này từng được một học giả người Mỹ có tên là Thomas Paine đề xuất, dựa trên thuyết chủ nghĩa bình quân dựa trên tài sản mà ông là tác giả. Ý tưởng thu nhập bình quân vô điều kiện (unconditional basic income - UBI) từng được một số quốc gia đưa ra và tiến hành thử nghiệm, trong đó có Hà Lan.


Thỉnh nguyện kêu gọi trưng cầu dân ý về thu nhập cơ bản (UBI) là một quyền theo hiến pháp đã được bắt đầu từ tháng Tư năm 2012. Đến tháng 10/2013, có hơn 126.000 công dân đã ký vào thỉnh nguyện này, có nghĩa là chính quyền phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Những người ủng hộ sáng kiến này đã ăn mừng bằng việc đổ đống 8 triệu franc loại đồng 5 xu bên ngoài toà nhà Quốc hội, hàm ý mỗi đồng xu cho mỗi công dân Thuỵ Sĩ.

Thỉnh nguyện kêu gọi trưng cầu dân ý về thu nhập cơ bản (UBI) là một quyền theo hiến pháp đã được bắt đầu từ tháng Tư năm 2012. Đến tháng 10/2013, có hơn 126.000 công dân đã ký vào thỉnh nguyện này, có nghĩa là chính quyền phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Những người ủng hộ sáng kiến này đã ăn mừng bằng việc đổ đống 8 triệu franc loại đồng 5 xu bên ngoài toà nhà Quốc hội, hàm ý mỗi đồng xu cho mỗi công dân Thuỵ Sĩ.

Những người ủng hộ ý tưởng này cho thu nhập toàn dân là biện pháp xoá đói, giảm bất bình đẳng tốt nhất. Họ cho rằng, UBI sẽ góp phần giảm bớt tội phạm và các bất công trong xã hội cũng như giảm chi phí cho các vấn đề quản lý xã hội như an ninh, tòa án,… Thậm chí, một số chuyên gia còn khẳng định, Thu nhập tối thiểu toàn dân nếu được thực hiện còn làm giảm gánh nặng ngân sách quốc gia bởi nó sẽ thay thế hoàn toàn các hình thức an sinh xã hội khác vốn cũng đang rất tốn kém và nhiều khi kém hiệu quả.

Còn những người phản đối lại cho rằng, nếu không còn ai phải lo nghĩ đến nhu cầu sống tối thiểu như thực phẩm hay nhà ở, họ sẽ thường gặp nhiều vấn đề rắc rối, thậm chí là nguy hiểm trong công việc thường ngày. Với những người làm công ăn lương, họ sẽ thường làm trái ý sếp, bỏ việc khi biết rằng mình đã có “khoản tiền đủ sống”.

Một thực tế có thể nhìn thấy, đó là UBI chỉ có thể giảm bớt chi phí ngân sách nếu nó thay thế hoàn toàn những hình thức trợ cấp xã hội khác vốn dĩ kém hiệu quả khác. Và nó chỉ có thể thực hiện ở một quốc gia có độ phát triển ở mức ổn định cao. Dĩ nhiên, Thụy Sĩ là mô hình thích hợp để thực hiện ý tưởng này. Tuy vậy, không thể nói Thụy Sĩ đã và đang tiến đến mô hình chủ nghĩa xã hội trong mơ như một số người Việt đang nghĩ. Vì, như đã nói ở trên, UBI vốn dĩ chỉ là một hình thức an sinh xã hội như các hình thức an sinh khác (trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp khó khăn, bảo hiểm y tế miễn phí...), chỉ có điều nó biểu hiện dưới dạng tiền mặt và được thực hiện với toàn dân và không có điều kiện. Nó không phải là biện pháp phát triển xã hội toàn diện.

Thêm vào đó, bản chất của cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Thụy Sĩ là một cuộc trưng cầu dân ý. Thụy Sĩ là đất nước được quản lý theo mô hình “dân chủ trực tiếp” (Direct Democracy). Nhiều chính sách của đất nước do người dân trực tiếp quyết định chứ không thông qua đại biểu nhân dân (các chính trị gia, đại biểu quốc hội) của mình.

Tại Thụy Sĩ, có một luật là bất kỳ ý tưởng xây dựng chính sách nào có trên 100.000 chữ ký ủng hộ sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Chính quyền bắt buộc phải thực thi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này.

Hệ thống chính trị “kiểu Thụy Sĩ” có ưu và khuyết điểm khi so với hình thức dân chủ gián tiếp. Ưu điểm của hình thức quản lý theo kiểu dân chủ trực tiếp là tạo cơ chế cho phép người dân có thể loại bỏ ý tưởng chính sách được đưa ra, hoặc có thể đưa ra một chính sách trái với quan điểm của các chính trị gia. Tuy vậy, khuyết điểm của kiểu dân chủ này là gây ra tốn kém không cần thiết cho ngân sách khi gặp phải các "sáng kiến" chính sách “ngẫu hứng và phi thực tế”.

Hồi tháng 3/2013, đảng Xã hội thanh niên của Thụy Sĩ đưa ra Sáng kiến 1-12, trong đó đề xuất lương của lãnh đạo một công ty không được gấp quá 12 lần lương của nhân viên có mức lương thấp nhất trong công ty đó. Ý tưởng có vẻ rất công bằng, thu hút hơn 100.000 phiếu yêu cầu tổ chức bỏ phiếu thông qua chính sách này. Tuy nhiên, kết quả khá bất ngờ khi có 65% người tham gia bỏ phiếu phản đối và chống lại đề xuất nói trên.

Cho đến nay, Chính phủ và các đảng phái Thuỵ Sĩ đều phản đối ý tưởng UBI này với lý do là nó sẽ khiến tình trạng nhập cư gia tăng, tăng thuế, nhiều sản phẩm, dịch vụ sẽ biến mất nếu nhiều người không cần phải làm việc để kiếm sống nữa. Nói chung, nó triệt tiêu động lực làm việc, triệt tiêu sáng tạo.

Ý tưởng phát lương toàn dân đã được thông qua để tiến tới bỏ phiếu vào ngày 5/6 năm nay. Nhiều người đánh giá khó có thể đưa ý tưởng này trở thành một chính sách đi vào đời sống. 56% số người được hỏi nhận định ý tưởng này hoàn toàn không khả thi. Cộng với rào cản “đa số kép”, ý tưởng buộc phải giành 2 chiến thắng đa số ở cuộc bỏ phiếu quốc gia và ở mỗi 26 bang của nước này, người dân Thụy Sĩ thực dụng sẽ không mặn mà với ý tưởng này.

Theo Phan Sương

Cùng chuyên mục
XEM