Nên nói lời cảm ơn anh Minh và Tân Hiệp Phát

22/12/2015 15:45 PM | Kinh doanh

Anh Võ Văn Minh vào tù, Tân Hiệp Phát chịu thiệt hại tài sản, uy tín. Đó là bài học đắt giá cho cả hai bên nhưng lại là thành quả của người tiêu dùng Việt Nam.

Vụ con ruồi "bơi" trong chai nước của Tân Hiệp Phát đến nay đã đi vào hồi kết. Tất nhiên, sẽ còn đọng lại những tranh luận về đạo đức kinh doanh và tính pháp lý cho đến khi dư luận mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, dần quên nó đi.

Bản án 7 năm tù giam áp dụng đối với anh Minh là một hình phạt mà nhiều chuyên gia đã dự đoán trước. Bởi những người am hiểu pháp luật đều hiểu được rằng, nếu anh Minh không được tuyên vô tội thì hình phạt cũng không thể thấp hơn.

Anh Minh bị truy tố theo khoản 4 điều 135 BLHS với khung hình phạt từ 12-20 năm tù. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên theo quy định của pháp luật tại Điều 47 BLHS hiện hành, tòa án tuyên Minh mức hình phạt là 7 năm tù.

Đây là mức thấp nhất, tòa án không thể áp dụng mức thấp hơn vì sẽ vi phạm tố tụng, áp dụng sai nguyên tắc.

Với anh Minh, vì một khoản tiền lớn mà đã bất chấp, coi thường sức khỏe cộng đồng. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, là lòng tham đã che đậy đi sự lương thiện của con người.

Cho dù không có tòa án xử thì tòa án lương tâm đã là một hình phạt với anh Minh trong hành vi này.

Giả sử, nếu sự việc không được phát hiện và giao dịch "mua sự im lặng" giữa anh Minh và công ty Tân Hiệp Phát thành công, không ai biết thì rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam là những người gánh lấy hậu quả nặng nề nhất.

Không phát hiện sự việc này, chúng ta cứ mặc nhiên dùng sản phẩm mà không để ý đến chất lượng sản phẩm đó ra sao. Đồng thời, nhà sản xuất cũng không khắc phục sai sót của mình, cơ quan chức năng vẫn không có quyền xử lý.

Đối với Tân Hiệp Phát, cách họ đối xử với khách hàng trong trường hợp này là thiếu tôn trọng người tiêu dùng, gây bất bình cho dư luận.

Dư luận cho rằng phía Tân Hiệp Phát gài bẫy Minh vào tù chứ không phải bị uy hiếp.

Nói đến đây, chúng ta có nghĩ đến những nhân viên vô tội của Tân Hiệp Phát, những người bị vạ lây trong vụ việc này?

Vấn đề khách quan nhất mà chúng ta phải làm được đó là con ruồi từ đâu ra? Ngoài con ruồi thì còn có dị vật nào khác, ở những sản phẩm khác trên thị trường hiện nay?

Bởi khi xác định được con ruồi ở đâu ra thì cơ quan chức năng mới có cơ sở xử phạt nhà sản xuất đã sản xuất sản phẩm có lỗi. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền khởi kiện nhà sản xuất để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Khi xác định được con ruồi ở đâu ra thì lúc này mới xác định được trách nhiệm pháp lý của Tân Hiệp Phát.

Thự tế cho đến nay, chưa thấy công ty bị bất kỳ xử lý hình thức gì và cũng chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khởi kiện nhà sản xuất trong vụ án nêu trên.

Theo lời công ty trình bày thì công ty thiệt hại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Việc thiệt hại này không nằm ở lỗi của anh Võ Văn Minh mà là do cách xử lý của Công ty Tân Hiệp Phát, nói như dân gian là: Gậy ông đập lưng ông.

Tuy nhiên, qua sự việc trên, thiết nghĩ người tiêu dùng nên cảm ơn cả Minh và Công ty Tân Hiệp Phát.

Bởi, xét cho cùng, việc phát hiện sự sai lầm của hai bên mà người hưởng lợi là người tiêu dùng thì chúng ta cũng không có gì quá đáng tiếc khi một bên phải vào tù còn bên còn lại thì phải điêu đứng, thiệt hại trong kinh doanh.

Đó là bài học đắt giá cho hai bên trong vụ án, nhưng là thành quả của người tiêu dùng Việt Nam - những người vốn là nạn nhân của việc sử dụng hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không đạt vệ sinh vốn đã phải gánh chịu nhiều trong thời gian gần đây.

Luật sư Trần Minh Hùng

Cùng chuyên mục
XEM