Mua phải chai nước có ruồi bên trong, nên xử trí thế nào là an toàn nhất?

21/12/2015 13:42 PM | Kinh doanh

“Một ngày nào đó, tôi mua được chai nước có dị vật bên trong, rồi chụp ảnh đăng lên trang Facebook cá nhân thì tôi có bị khép tội làm mất uy tín, ảnh hưởng thương hiệu và việc sản xuất kinh doanh của công ty không?”.

Gần một năm qua đi kể từ ngày phát hiện con ruồi "bơi" trong chai nước Tân Hiệp Phát, sự việc đang dần được khép lại. Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với anh Võ Văn Minh (35 tuổi, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vì hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Còn đối với Tân Hiệp Phát, một thương hiệu nổi tiếng, mức thiệt hại của công ty này trong suốt thời gian qua, theo người đại diện ước khoảng 2.000 tỷ đồng. Hoặc nhiều hơn thế nữa là thương hiệu, uy tín...

Một vấn đề khép lại nhưng lại có nhiều câu hỏi đặt ra. Trong đó, điều người tiêu dùng quan tâm và cần biết nhất, đó là nếu rơi vào tình trạng tương tự như anh Minh - phát hiện ra một chai nước có vật thể lạ như ống hút hay con ruồi ở bên trong thì phải làm sao?

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn như: Khi mua một chai nước có dị vật bên trong, tôi cần phải làm gì để được đảm bảo quyền lợi của mình một cách an toàn nhất? Và, nếu công khai hình ảnh này lên trang Facebook cá nhân thì có bị khép tội làm mất uy tín, ảnh hưởng thương hiệu và việc sản xuất kinh doanh của công ty hay không?

Đầu tiên, liên quan đến câu hỏi khi mua một chai nước có dị vật bên trong, cần phải làm gì?

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong mọi trường hợp, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên khiếu nại lên Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp.

Ngoài ra, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại.

Nếu có thỏa thuận bồi thường thì người tiêu dùng nên làm biên bản thỏa thuận với công ty có chữ ký cụ thể, đóng dấu có thẩm quyền của các bên. Đây được xác định là quan hệ dân sự, tránh bị hình sự hóa giao dịch dân sự.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại tới cơ quan nhà nước như quản lý thị trường, thanh tra Sở Công Thương để xử lý trách nhiệm đối với đơn vị sản xuất.

Theo Luật bảo vệ Người tiêu dùng, có đến 8 quyền người tiêu dùng được phép dùng để bảo vệ mình.

Tuy nhiên, đó là về mặt pháp lý.

Bởi thực tế, theo luật sư Trần Minh Hùng, ranh giới giữa biện pháp bảo vệ hợp pháp và tội phạm hình sự là rất mong manh.

Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi doanh nghiệp phải bồi thường cho mình song không ít trường hợp người tiêu dùng vì bức xúc mà có hành vi thái quá, đe dọa, gây áp lực cho đơn vị sản xuất. Hoặc do lòng tham mà yêu cầu bên kia đáp ứng nhu cầu của mình.

"Nếu người tiêu dùng có hành vi này có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự", Luật sư Hùng khẳng định.

Ở câu hỏi thứ hai, đăng hình chai nước có con ruồi hay dị vật ở trong lên các trang mạng xã hội có bị coi là bôi nhọ doanh nghiệp, thương hiệu không?

Luật sư Hùng phân tích: Nếu người tiêu dùng dùng sản phẩm đã mua của doanh nghiệp khi phát hiện có dị vật, không bảo đảm chất lượng mà đăng lên chỉ vì mục đích khuyến cáo cho mọi người biết để tránh mà không vì mục đích tống tiền, không vì mục đích khác... thì không thể cho là bôi nhọ doanh nghiệp, thương hiệu.

Ngược lại, nếu người tiêu dùng đăng lên mạng nhằm mục đích tống tiền, uy hiếp, bôi nhọ và hạ uy tín doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh thì sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tùy tính chất của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý về mặt hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu hành vi bôi nhọ, hạ thấp uy tín doanh nghiệp không có căn cứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị thiệt hại còn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh.

Tuy nhiên, vị luật sư này khuyến cáo, người tiêu dùng không nên chọn phương thức đăng hình lên Facebook mà nên trình bày, khiếu nại với cơ quan chức năng để các cơ quan này giải quyết.

"Vì nếu chỉ đăng lên mạng xã hội thì cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để xử lý doanh nghiệp vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng", luật sư Hùng nói.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM