Hãy để khách hàng sáng tạo cùng bạn

13/11/2015 19:45 PM | Kinh doanh

Đừng bao giờ coi họ là đích đến, là miếng mồi mà bạn phải chinh phục. Hãy đối xử với khách hàng như những đối tác, những người có thể hỗ trợ tạo ra những sản phẩm sáng tạo nhất.

Bạn có bao giờ trải qua cảm giác đang đi dạo thong thả trên con phố mà mình ưa thích, thì bị một nhân viên tiếp thị lao đến trình bày thao thao bất tuyệt những vấn đề mà bạn chẳng hiểu cũng như chẳng quan tâm. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và mất hứng phải không?

Đó chính xác là phản ứng của những khách hàng bị tấn công một cách bị động, khi mà các chuyên gia marketing vốn tự cho mình là những người thấu hiểu người tiêu dùng, lại không thể mang đến cho họ sự trải nghiệm tốt nhất.

Thực tế, doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ sự khôn ngoan của chính khách hàng – những người nếu được khơi nguồn cảm hứng, có thể mang đến cho công ty các nội dung sáng tạo qua những phản hồi trên Internet hoặc qua những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram.

Việc tiếp nhận phản hồi, lắng nghe câu chuyện của khách hàng để từ đó có được sự điều chỉnh hợp lý và mang đến một sản phẩm tốt hơn là một chiến lược không quá mới mẻ.

Tuy nhiên, nếu các thương hiệu chia sẻ một cách trung thực với khách hàng, rằng công ty đang cần sự giúp đỡ của họ để tạo nên những chiến lược marketing sáng tạo nhất thì mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Điều này không chỉ đem lại lòng trung thành tuyệt đối của người tiêu dùng với thương hiệu mà còn khai thác được tiềm năng của khách hàng trong việc xây dựng những thông điệp phù hợp nhất cho công ty.

Nếu chưa thuyết phục, bản hãy tham khảo những lý do sau đây:

1. Tận dụng trí tuệ đám đông

Ý kiến ​​phản hồi của khách hàng không bao giờ là thừa thãi. Họ có thể không luôn luôn đúng hoặc sở hữu những ý tưởng tốt nhất, nhưng sẽ mang đến một cái nhìn đa chiều và toàn diện.

Razer Pro Gaming Tablet chính là một sáng tạo thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Hãng Razer tiến hành khảo sát các game thủ trên Facebook về các tính năng mà họ muốn có trong một trò chơi trên giao diện máy tính bảng Windows 8. Kết quả ngoài sức tưởng tượng khi có hơn 10.000 người trả lời và giúp các chuyên gia phát triển hoàn thiện được sản phẩm một cách tốt nhất.

Chiến lược này chính là tận dụng trí tuệ của đám đông.

2. “Đồng tác giả” của các chiến lược

Việc kêu gọi khách hàng trợ giúp cho các chiến dịch của công ty không chỉ giúp khai thác được khả năng sáng tạo của họ mà còn khiến họ cảm thấy bản thân chính là “đồng tác giả” của chiến lược đó. Và đương nhiên tác giả thì phải có trách nhiệm với những đứa con tinh thần của mình.

Một khi người tiêu dùng đã đầu tư thời gian vào dự án của bạn, họ sẽ muốn đảm bảo công sức của mình không trở nên phí phạm bằng cách lan truyền, ca ngợi chính chiến lược này cho bạn bè, người thân cũng như các mối quan hệ.

Thương hiệu của bạn tự nhiên được quảng bá miễn phí một cách tự nhiên, phải không

3. Không hề tốn kém

Tận dụng trí thông minh của khách hàng là phương thức ít tốn kém nhất và dễ dàng thu được kết quả chính xác nhất.

Nếu như các kênh tiếp thị truyền thống đòi hỏi những dự toán ngân sách chi li và dàn trải, đồng thời đòi hỏi nhiều nguồn lực khác nhau thì việc “chưng cầu dân ý” khách hàng trên mạng xã hội lại dễ thở hơn rất nhiều đối với chính doanh nghiệp.

Với những công nghệ hiện đại, việc thống kê và phân tích những ý kiến trên cũng sẽ nhanh chóng và tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian hơn.

4. Khách hàng sẽ tự tạo ra những gì họ muốn

Các thương hiệu thường lầm tưởng rằng mình rất thấu hiểu khách hàng, nhưng thực tế không ai hiểu họ bằng chính họ. Chỉ những người tiêu dùng mới biết rõ thời điểm này họ sẽ cần những gì và ngược lại.

Nếu cố gắng chiều lòng khách hàng, những công ty sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí chưa kịp sáng tạo ra những gì được ưa thích thì thị hiếu người tiêu dùng lại thay đổi. Chính bởi vậy, hãy để họ tự tạo ra những điều họ muốn, thương hiệu chỉ cung cấp những ý tưởng cơ bản và đóng vai trò gợi ý cho họ mà thôi.

Đừng bao giờ coi họ là đích đến, là miếng mồi mà bạn phải chinh phục. Hãy đối xử với khách hàng như những đối tác, những người có thể hỗ trợ tạo ra những sản phẩm sáng tạo nhất. Có như vậy, thương hiệu mới song hành được với người tiêu dùng và trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM