Đương đầu những ‘tổ sư’ hàng giả
Ngày 6-8 mới đây, hải quan Hong Kong cho biết họ vừa phá được ổ hàng giả với hơn 30.000 sản phẩm giả từ túi xách, đồng hồ, kính mát đến nước hoa, trị giá khoảng 3 triệu đôla Hong Kong.
Cuộc chiến với thế giới hàng giả chưa bao giờ chấm dứt. Nó như trò mèo vờn chuột hoặc thậm chí có khi như chuột vờn mèo. The Economist (1-8-2015) cho biết năm ngoái, hải quan Mỹ đã tịch thu số hàng giả trị giá 1,2 tỉ USD, trong khi số hàng giả mà EU tịch thu được năm 2013 trị giá 1 tỉ USD.
Tính toàn cầu, số hàng giả được bán khắp thế giới mỗi năm trị giá đến con số không tưởng: 1,8 ngàn tỉ USD!
Trung Quốc: Trung tâm hàng giả toàn cầu
Với máy tính, scanner và máy in laser, các “phù thủy” chuyên làm hàng dỏm có thể tạo ra những đồng đôla trông hệt như thật. Tuy nhiên, thế giới của hàng dỏm không chỉ giới hạn ở những đồng đôla mà còn lan rộng đủ sản phẩm, từ hàng thời trang cao cấp, phần mềm, CD, thuốc Tây, ĐTDĐ, phụ tùng xe hơi và thậm chí thuốc lá.
Tờ The Economist gọi tình trạng trên là “sự toàn cầu hóa của nạn lừa đảo”. Theo quyển Counterfeiting Exposed: How to Protect Your Brand and Market Share của David M. Hopkins, Lewis T. Kontnik và Mark Turnage, có bốn loại hàng giả, tùy chất lượng và mức độ tinh vi.
Phù thủy hàng dỏm thời nay có thể làm giả gần như mọi thứ và có lẽ chỉ còn vài “mặt hàng” không thể đụng đến, chẳng hạn tàu con thoi! Trung tâm hàng giả hiện nay vẫn là Trung Quốc.
Ít nhất 16 tỉ USD giá trị hàng hóa bán mỗi năm tại Trung Quốc đều là “hàng giả chính cống”. Hãng mỹ phẩm Procter & Gamble cho biết họ mất 10%-15% doanh thu hằng năm tại Trung Quốc do hàng giả. Liên minh Sở hữu trí tuệ quốc tế (IIPA) nói thêm rằng 90% CD âm nhạc bán tại Trung Quốc là hàng giả.
Giới làm hàng giả Trung Quốc hiện trở thành nhà xuất khẩu hàng giả đứng đầu thế giới. Tất nhiên Trung Quốc không là nơi duy nhất.
Trong báo cáo “Special 301” công bố hằng năm (báo cáo năm nay tung ra giữa tháng 4), Phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã liệt kê hơn 30 nước hiện là “điểm nóng” của kỹ nghệ hàng giả. Nga chuyên làm giả phần mềm; trong khi Paraguay là “ổ” thuốc lá dỏm... Dĩ nhiên Trung Quốc luôn đứng đầu danh sách này.
Wall Street Journal (27-7-2015) cho biết cảnh sát Bắc Kinh vừa phá được ổ làm hàng giả chuyên “sản xuất” và “xuất khẩu” iPhone giả. Chỉ trong năm nay, “công ty” trên đã bán được 41.000 iPhone trị giá 120 triệu tệ (19,4 triệu USD). “Công ty” này làm ăn mạnh đến mức thuê hàng trăm công nhân để lắp sản phẩm giả trên sáu dây chuyền!
Năm 2012, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cho biết chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 70% tổng số hàng giả bị tịch thu toàn cầu mỗi năm.
Hậu quả của tư duy sính thương hiệu
Phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ước tính công nghiệp Mỹ thiệt hại 200-250 tỉ USD/năm bởi hàng giả. Và không chỉ tập trung ở vài nước nghèo, công nghiệp hàng giả còn được “khu vực hóa” tại vài địa điểm ít ngờ: Milan là “tổ sư” hàng da giả và Florida là “bậc thầy” làm giả phụ tùng máy bay!
Cục Tình báo hàng giả (Counterfeiting Intelligence Bureau - CIB) - thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cho biết hàng giả hiện chiếm 7%-9% giá trị mậu dịch toàn cầu và kỹ nghệ hàng giả ngày càng tinh vi với trợ giúp của kỹ thuật hiện đại.
Cuộc chiến chống hàng giả là màn mèo dí chuột dai dẳng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết làm hàng dỏm. Thế kỷ 17, nhà truyền giáo Tây Ban Nha Domingo Navarette nói rằng “người Hoa là thiên tài bắt chước và họ đã làm giả đến mức hoàn hảo bất cứ thứ gì họ thấy khi sản phẩm được mang đến từ châu Âu”.
Vài năm cuối thế kỷ 20, hàng giả bùng nổ đến mức báo động. Ian Lancaster thuộc Reconnaissance International - tổ chức nghiên cứu hàng giả cho biết có nhiều tác động đằng sau cơn sốt hàng giả. Từ thập niên 1970, kỹ thuật thay thế dần sức lao động trong sản xuất cho phép các doanh nghiệp lớn dời nhà máy sang nước nghèo để hưởng chi phí nhân công thấp.
Thật không may, nhiều trong số những doanh nghiệp trên không chú ý đến luật bản quyền-sở hữu trí tuệ (IPR) khi mở nhà máy tại nước ngoài. Và bây giờ họ đang trả giá. Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất xảy ra đồng thời với đà phát triển sự nhận biết (giá trị) thương hiệu.
Bằng kỹ năng tiếp thị điệu nghệ, một sản phẩm chỉ đáng 10 USD đã được nâng mức hấp dẫn để đạt giá 100 USD. Hiện tượng này hình thành một tư duy rằng giá trị hàng hóa gắn liền giá trị thương hiệu hơn là giá trị vật chất sản phẩm và đó chính là lúc mà phù thủy hàng giả khai thác “tư duy” trên. Bây giờ công ty đa quốc gia không là nạn nhân duy nhất của hàng giả. Công ty địa phương cũng rơi vào thảm kịch tương tự.
Ai cao tay ấn hơn?
Nếu phù thủy hàng dỏm dùng kỹ thuật cao, những người đối phó với họ cũng dùng kỹ thuật hiện đại. Theo Bill Thompson - Giám đốc quản trị công ty do thám tư Pinkertons đặt tại Thượng Hải, cốt lõi trong cuộc chiến chống hàng giả nằm ở bốn chữ E: “enforcement”, “education”, “external pressure” và “economic growth” (triển khai luật lệ, giáo dục, sức ép bên ngoài và tăng trưởng kinh tế).
Tuy nhiên, việc triển khai luật lệ không phải đơn giản. Cảnh sát và hải quan nhiều nước (thuộc các quốc gia đang phát triển) thường chú ý các trọng án, chẳng hạn liên quan buôn lậu ma túy hơn là để mắt đến bọn “cò con” hàng dỏm. Hơn nữa tại nhiều nước nghèo, bọn phù thủy hàng dỏm dễ dàng hối lộ viên chức địa phương và có khi được cư dân địa phương bảo vệ do công nghiệp hàng giả đem lại nồi cơm cho họ.
Cách đây không lâu, khi đột kích địa phận Photharam (Thái Lan) để phá ổ sản xuất thú nhồi bông dỏm (nhái hàng Walt Disney), nhân viên Pinkertons đã bị hơn 1.000 cư dân địa phương chặn đường…
Năm 2006, tất cả thành viên Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) đã áp dụng TRIPS - hiệp ước quốc tế về bản quyền-sở hữu trí tuệ (IPR). Tuy nhiên, đến nay vài quốc gia (chẳng hạn Trung Quốc) vẫn chưa mạnh tay với những điều luật nghiêm khắc hơn trong cuộc chiến chống hàng giả. Phạt nặng là một trong những giải pháp.
Tại Mỹ, tội làm hàng giả có thể bị phạt 2 triệu USD và 10 năm tù khi vi phạm lần đầu (nhưng tại Trung Quốc, một “tổ sư” hàng giả, chỉ bị phạt tối đa 1.000 USD và có khi không bị giam). EU cũng đang thắt luật chống hàng giả và vấn đề hàng giả là một trong những điều kiện quan trọng để xét duyệt kết nạp thành viên mới (các nước Đông Âu).
Người ta hy vọng rằng móng tay nhọn của luật pháp có thể giải quyết được vỏ quýt dày của công nghiệp hàng dỏm, từ sức bật tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng phát triển kỹ thuật địa phương.
Thập niên 1960, trung tâm hàng dỏm thế giới là Nhật; thập niên 1970, công nghiệp hàng dỏm dời sang Hong Kong; thập niên 1980, phù thủy hàng dỏm tập trung chủ yếu tại Đài Loan và Hàn Quốc; bây giờ hàng dỏm xuất xứ từ Trung Quốc.
Có một kỳ vọng (theo lý thuyết): Một khi ngành công nghiệp riêng trong nước phát triển ở một đẳng cấp nhất định và nền kinh tế cũng bắt đầu có thực lực, chính phủ quốc gia đó cũng đặt nặng vấn đề chống hàng giả. Nói cách khác, phát triển kinh tế vững mạnh chính là biện pháp hữu hiệu để triệt tiêu hàng dỏm.
Tuy nhiên, điều này có thể không đúng, đặc biệt với những nước mà bản thân chính phủ họ cũng có thói quen ăn cắp chất xám. Đòi hỏi một sự minh bạch về sở hữu trí tuệ đối với những quốc gia này là điều khó có thể thực hiện, cũng giống như yêu cầu con chuột từ bỏ tập tính đi “ăn trộm” của nó.