Hàng giả đội lốt hàng hiệu 'đánh chiếm' thị trường
Nếu như trước đây hàng giả chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, thì nay, một số cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng đã xuất hiện ở Hà Nội.
Sử dụng hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng đã trở thành nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Cuộc “chạy đua” của các “tín đồ” thời trang này kéo theo hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái hình thành để đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”.
"Thương vàng hạ cám" nhãn, mác nhái
Nếu tách tỉa mặt hàng thời trang may mặc nói riêng đang được lưu thông trên thị trường nội địa thì không ngoa mà gọi đó chính là “thiên đường nhãn mác”.
Ở bất kỳ con phố nào cũng có cửa hàng thời trang, và các loại quần áo hiện hữu trong đó từ treo trên mắc đến khoác trên người ma-nơ-canh đều được gắn mác đủ những thương hiệu quốc tế từ bình dân như Zara, H&M, Forever 21, Mango đến Top hàng hiệu như Louis Vuitton, Versace, Gucci, Channel, Burberry, D&G, Prada, Calvin Klein, Bally, Salvatore Ferragamo, Longchamp…
Qua khảo sát của chúng tôi thì những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới này được bày bán ở cả chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp…(?!) Vậy xuất xứ của những hàng hiệu “fake” nằm trong diện phân khúc bán lẻ này ở đâu ra? Và liệu có phải người tiêu dùng đang bị lừa? Hay khâu thị trường đang không quản lý, kiểm soát nổi?
Nếu so sánh về giá, sẽ chẳng có chiếc áo có gắn thương hiệu Burberry nào chỉ có giá 200.000-300.000 đồng, trong khi giá thực của những chiếc áo chính hãng thương hiệu này bình thường cũng phải vài trăm USD trở lên.
Một sự chênh lệch về giá quá lớn thì 100% là hàng “nhái”, nhưng người tiêu dùng vẫn bỏ tiền mua. Còn về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thời trang này thì cũng khẳng định ngay là không có chuyện hàng chính hãng giảm giá.
Bởi theo nhận định chung của giới kinh doanh, buôn bán mặt hàng thời trang cho biết thì các hãng thời trang quốc tế có những cơ chế quản lý, kiểm tra rất ngặt nghèo về các nguồn hàng; ngay chính những sản phẩm đóng mác “made in Vietnam” nếu là sản phẩm lỗi không thể xuất khẩu khi bán ra thị trường cũng phải cắt bỏ mác.
Theo phân tích trên để thấy đa số sản phẩm thời trang trên thị trường chiếm số đông là hàng giả, hàng nhái.
Hiện nay trên thị trường nhãn mác đượ bán với giá rẻ như cho, bán theo kg khoảng 100 đồng/nhãn, mác ở Trung Quốc về “gắn” vào sản phẩm một cách bừa bãi thành hàng có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu.
Với chiêu trò đánh tráo nguồn gốc thực tế của sản phẩm của người kinh doanh chính là để tạo độ tin tưởng với khách hàng.
Đường đi của hàng giả
Đầu tiên hàng chính hãng sẽ do nhà phân phối được cấp quyền tại Việt Nam có thể nhập hàng vào thông qua con đường tự nhập hoặc ủy thác cho đơn vị nhập khẩu làm dịch vụ nhập và vận chuyển hàng về.
Một con đường khác để hàng hiệu về Việt Nam là thông qua doanh nghiệp chuyên thu mua hàng giảm giá, sản phẩm dạng này có giấy tờ chính thức.
Tuy nhiên, hàng chính hãng bán lẻ tại các cửa hàng trên đường phố vừa có thể là hàng thật, vào Việt Nam qua đường xách tay, khách du lịch mang vào..., cũng vừa có thể là hàng “fake” từ Trung Quốc nhập vào được trà trộn bán với giá cao.
Loại bày bán với số lượng nhiều, công khai, dễ tìm mua thường là hàng giả, hàng nhái hiệu, nhập từ Trung Quốc hay sản xuất tại Việt Nam.
Một nhánh nữa là núp dưới bóng thanh lý, bán hàng ký gửi, hàng xách tay, hàng tồn kho, hàng xuất khẩu, hàng lướt, hàng “hải quan”… mà các siêu lừa tiêu thụ nhanh chóng những món hàng “fake”…
Ngoài ra các cơ sở sản xuất thường nhập nguyên vật liệu trên thị trường về sau đó may các sản phẩm tương tự của các nhãn hiệu nổi tiếng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất cũng nhập nhãn mác dán vào túi để hàng hóa bán chạy hơn.
Sản phẩm sau khi hoàn thành, tùy thuộc vào đơn đặt hàng được chuyển đi khắp nơi hay đến các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hàng hiệu đang bị làm giả, làm nhái, nhãn hiệu, xuất xứ nhiều hơn cả.
Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng thích rẻ, hầu hết các điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái đều đưa ra chiêu “sale off” để thu vốn, hàng “xách tay”… Nhiều người tiêu dùng thấy nhãn hàng nổi tiếng, giá rẻ cũng dao động và quyết định mua.
"Hàng hiệu" xuất xứ từ... làng nghề
Hiện tồn tại một thực trạng là việc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát trong nước đang tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật này.
Gần đây nhất, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ và CAH Phú Xuyên tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh Phong Hạnh (Hà Nội).
Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, tạm giữ 1.607 sản phẩm là túi xách, ví da mang nhãn hiệu Dior, Hermes, Louis Vuitton.
Đại diện sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu nêu trên khẳng định toàn bộ 1.607 sản phẩm trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất là Phạm Thị Hạnh (SN 1988) và Phạm Hữu Phong (SN 1984) trú tại xã Sơn Hà (Phú Xuyên, Hà Nội) khai nhận trước đây chỉ sản xuất ví da, túi xách không nhãn mác nhưng phát hiện nhu cầu sử dụng hàng hóa thương hiệu nổi tiếng của khách hàng nên đã mua logo, nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng để sản xuất hàng giả kiếm lời.
"Hàng hiệu" được làm giả từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Khoảng 2.000 túi xách, ví da giả nhãn hiệu nổi tiếng đã được cơ sở này bán ra thị trường. Đồng thời theo đối tượng Phạm Hữu Phong thì tất cả các sản phẩm gồm túi xách nguyên chiếc, nguyên liệu để sản xuất hàng giả đều mua từ các cửa hàng bán thanh lý tại chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp...
Những hàng thanh lý này có giá 30.000-50.000/sản phẩm. Còn các logo nhãn hiệu nổi tiếng mua từ các đại lý bán tại làng nghề quanh khu vực huyện Phú Xuyên. Các logo sẽ được lắp vào các sản phẩm do cơ sở sản xuất tự thiết kế để trang trí và hấp dẫn hơn.
Qua trao đổi, một cán bộ Đội Chống hàng giả và sở hữu trí tuệ, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ cho biết, xã Sơn Hà là một làng nghề mới nổi lên khoảng 2 năm chuyên về đồ da và may túi xách, ví, dây lưng. Người dân nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
Mặt khác, một bộ phận người dân hiểu biết làm hàng giả, hàng nhái là vi phạm pháp luật nhưng vì mưu sinh cuộc sống họ vẫn dù các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tuyên truyền, xử lý nhiều vụ việc.
Tuy nhiên, do công tác chống hàng giả ở cấp huyện chưa triệt để nên hầu như trên thị trường hiện nay, không riêng huyện Phú Xuyên xuất hiện nhiều sản phẩm làm giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Mới đây, qua công tác nghiệp vụ, Đội Giao thông bưu điện, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội phối hợp với CAP Mai Dịch phát hiện và thu giữ hơn 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Chủ của số hàng trên là Trương Mạnh Cường và Phạm Hồng Ngọ đã thuê một phòng trọ tại đường Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy, Hà Nội để làm nơi tập kết hàng hóa.
Sau đó, thông qua các trang thương mạng điện tử, Facebook để bán đồng hồ và chỉ gửi hàng cho khách theo đường bưu điện. 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay, nhãn mác in tiếng nước ngoài trên được các đối tượng khai nhận đã thu mua trôi nổi trên thị trường.
Trung bình mỗi chiếc có giá khoảng 50.000 đồng và bán ra thị trường với giá 150.000-200.000 đồng…
Với các hàng hóa xa xỉ, được bán trong các cửa hàng lớn độ làm giả, làm nhái tương đối tinh vi. Thậm chí có hàng được làm giả từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ. Với những thông tin phân tích ở trên, người tiêu dùng cần biết rằng không hề có hàng hiệu giá rẻ ở Việt Nam. Đó chính là hàng giả “đội lốt” hàng hiệu.