Các nước châu Á quản Uber thế nào?
Nhu cầu sử dụng dịch vụ gọi taxi qua phần mềm Uber ngày càng tăng cao nên một số nước châu Á “mở cửa” đón nhận loại dịch vụ này, nhưng quản rất chặt các điều kiện hoạt động.
Phải có 20 taxi hợp tác để hoạt động
Tại Singapore, vì điều kiện đường sá chật hẹp, Chính phủ luôn tìm mọi cách để hạn chế xe cá nhân. Bởi lẽ đó, taxi rất phổ biến và giá rẻ hơn so với những nước phát triển khác. Khi nhu cầu sử dụng dịch vụ ứng dụng gọi taxi như nở rộ, Singapore là một trong số ít những nước “mở cửa” cho loại dịch vụ này. Ngày 11/5, Quốc hội thông qua Luật Cung cấp dịch vụ gọi taxi qua bên thứ ba như: Uber, Grab Taxi, Hailo…
Tuần trước, Cục Quản lý giao thông Italia vừa bật đèn xanh cho dịch vụ taxi Uber khi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép các dịch vụ phi truyền thống có cơ hội hoạt động. Đại diện Cục Quản lý giao thông Italia cho rằng, cần có một cơ quan độc lập có trách nhiệm điều tiết các lĩnh vực giao thông nhằm thúc đẩy và đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Dự kiến, Quốc hội Italia sẽ thảo luận vấn đề này trong thời gian tới. Trước đó, ngày 26/5, Tòa án Milan đã ra phán quyết cấm UberPop hoạt động, vì cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ các quy định về hành nghề taxi.
Theo đó, đưa ra các quy định “bật đèn xanh” cho loại hình dịch vụ này phát triển; mặt khác lại siết chặt những quy định về an toàn và giá cả để đảm bảo công bằng cho các bên taxi cũng như an toàn cho hành khách.
Cụ thể, luật mới mở ra cơ hội cho phép các hãng như Uber thành lập chỉ cần có 20 taxi hợp tác là đủ điều kiện để đăng ký kinh doanh. Lưu ý là “20 taxi hợp tác” chứ không phải 20 xe ô tô hợp tác. Từ “taxi” đồng nghĩa với việc phương tiện đó đã được cấp phép hoạt động dịch vụ.
Ngoài ra, các công ty có cơ hội để thử nghiệm trước nếu muốn mở rộng quy mô. Cố vấn Hiệp hội Taxi quốc gia, ông Ang Hin Kee cho biết, có rất nhiều vấn đề liên quan đến an toàn sẽ xảy ra nếu một người sở hữu xe cá nhân không có giấy phép, thực hiện hoạt động chở khách trái phép. Đơn cử, “lái xe sẽ không biết trong trường hợp họ gây tai nạn thì bảo hiểm bồi thường cho hành khách họ chở như thế nào”. Trong khi với taxi có giấy phép hoạt động, cả ô tô và bản thân tài xế đều phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu mà Chính phủ đề ra, trong đó có bảo hiểm cho hành khách.
Theo Luật Đường bộ tại Singapore, bất cứ ai dùng hoặc thuê xe ô tô cá nhân để chở khách lấy tiền đều vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt tới 6 tháng tù giam, phạt tiền 3 nghìn USD và tịch thu phương tiện. Nếu không có bảo hiểm, tài xế sẽ bị tước GPLX trong vòng một năm, có khả năng bị phạt tù lên tới ba tháng và phạt tiền tối đa 1 nghìn USD.
Ngoài ra, để đảm bảo công bằng, khách hàng không cần phải báo trước điểm đến khi gọi taxi để tránh tình trạng tài xế lựa chọn quãng đường và bỏ khách. Hơn nữa, dịch vụ gọi taxi không được phép cho khách trả giá hay bo tiền vì taxi được coi là một dịch vụ công cộng, mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng.
Bên cung cấp dịch vụ không được phép đưa xe trái với yêu cầu khách hàng (xe thường/xe sang) đồng thời phải hiển thị rõ thông tin về phụ phí, giá cả... Phương tiện phục vụ dịch vụ xe sang không được đón khách dọc đường.
“Ủng hộ sáng kiến mới” nhưng vẫn siết chặt
Giới chức Trung Quốc cũng có quan điểm “ủng hộ sáng kiến mới”. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết: “Theo luật pháp, chủ sở hữu xe cá nhân không được chở khách để lấy lợi nhuận". Do đó, hiện chỉ một số dịch vụ như Uber Black (cung cấp xe sang có giấy phép hoạt động kinh doanh); Uber X (cung cấp dịch vụ taxi thường với tài xế có giấy phép kinh doanh) là tuân thủ quy định của Trung Quốc. Còn dịch vụ People's Uber (cho phép người không có giấy phép hoạt động sử dụng ô tô cá nhân như taxi để chở khách) bị xếp vào trái pháp luật. Đầu tháng 5, cảnh sát Trung Quốc đã bất ngờ kiểm tra và đóng cửa văn phòng Uber tại TP Quảng Châu vì để các lái xe thiếu giấy phép tham gia chở khách.
Về phía Uber, họ giải thích, People’s Uber không hoạt động vì lợi nhuận, lái xe chỉ yêu cầu người đi cùng trả chi phí đúng bằng tiền xăng xe, như một dịch vụ chia sẻ ô tô để tiết kiệm nhiên liệu mà thôi.
Mặc dù đang phải cạnh tranh với Didi Kuaidi và Didi Dache cũng như một số dịch vụ khác, Uber vẫn “lạc quan” hoạt động kinh doanh của họ sẽ phát triển tại Trung Quốc. Uber tỏ ra rất hợp tác với chính quyền sở tại. Mới đây, Giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick thuyết phục Trung Quốc với những điều kiện khá xuôi tai như: Dịch vụ của Uber sẽ giúp tạo công ăn việc làm và giảm tắc đường. Từ đó, họ hy vọng sẽ sớm được Chính phủ cho phép mở rộng ra các thành phố khác tại đất nước đông dân nhất thế giới.