6 cách xử lý tình trạng buôn chuyện nơi công sở
Bạn bước vào văn phòng và nhìn thấy một số đồng nghiệp đang bàn tán xôn xao, nhưng khi vừa trông thấy bạn, họ lập tức im lặng. Hoặc bạn cũng có thể quan sát thấy họ đảo mắt nhìn nhau khi bạn vừa bước vào.
Theo Johnathan Albert - một chuyên gia tâm lý trị liệu, tác giả của cuốn Be Fearless: Change Your Life in 28 Day (tạm dịch: Đừng sợ hãi: Hãy thay đổi cuộc đời của bạn trong 28 ngày), cả hai hành vi này của các đồng nghiệp đều có thể mách bảo cho bạn rằng có thể bạn đang là đề tài “nhiều chuyện” cho các đồng nghiệp nơi công sở và những thông tin mà họ đang nói về bạn có thể không đúng sự thật hoặc mang tính tiêu cực, trong khi bạn vẫn không hề hay biết gì. Phản ứng không tránh khỏi của bạn là cảm thấy bất an, lo lắng và bối rối, không biết phải ứng xử như thế nào.
Albert cho rằng tình trạng nhân viên “buôn chuyện” như trên có thể gây ra những tác động tích cực cũng như tiêu cực nơi công sở.
Ở góc độ tích cực, nhân viên có thể sôi nổi bàn tán về việc doanh nghiệp chuẩn bị đưa ra thị trường một sản phẩm mới, về các kế hoạch mua bán, sáp nhập các công ty trong ngành, hoặc về các cơ hội thăng tiến…
Tuy nhiên, Albert cũng cảnh báo rằng, và sự đoàn kết, gắn bó trong một nhóm, giữa các bộ phận, phòng ban với nhau, làm suy giảm hiệu quả làm việc của tổ chức và thậm chí có thể khiến cho tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tăng cao.
Albert đưa ra những lời khuyên sau đây giúp nhân viên quản lý tình trạng “nhiều chuyện” nơi công sở.
1. Giữ bình tĩnh
Giải quyết những vấn đề liên quan đến chuyện “ngồi lê đôi mách” trong lúc bạn đang mất bình tĩnh hoặc đang bị xúc động mạnh sẽ chẳng thể đem đến kết quả tốt đẹp nào.
Albert khuyên, trước tiên bạn cần phải hít thở sâu, kiểm soát tốt cảm xúc. Có thể gọi điện cho một người bạn hay một người đáng tin cậy, sau đó thu thập đầy đủ các thông tin về các sự kiện, thực tế và thư giãn.
2. Đối diện với người “buôn chuyện”
Hãy nói thẳng với người thích buôn chuyện về những thông tin mà bạn đang có và yêu cầu người này giải thích về những gì mà anh/cô ấy đã đưa ra bàn tán hay bình luận.
3. Để ý đến ngôn ngữ của bạn
Những từ như “buôn chuyện” hay “ngồi lê đôi mách” có ý nghĩa tiêu cực và có thể sẽ làm đổ thêm dầu vào lửa nếu bạn dùng thẳng từ này trong câu chuyện với đương sự.
Albert khuyên, thay vào đó, hãy dùng những từ nhẹ nhàng hơn như “hiểu lầm” hay “sai lệch thông tin” khi cần làm rõ một vấn đề nào đó.
4. Mời người buôn chuyện trao đổi trực tiếp với bạn bất cứ vấn đề nào mà họ đang thắc mắc hoặc bạn có thể giúp họ làm rõ
Cách ứng xử này sẽ làm cho đối phương hiểu được bạn đang biết được có chuyện “lời ra tiếng vào” và bạn là một người chính trực, sẵn sàng đối diện và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.
5. Ứng xử một cách hài hước
Albert khuyên thỉnh thoảng bạn cũng nên sử dụng kỹ năng này để làm xoa dịu một tình huống đang căng thẳng. Chẳng hạn, khi có những lời đồn đại về một mối quan hệ không chính thức giữa bạn với sếp, bạn có thể nói như sau: “Tôi nghe mọi người nói rằng tôi đang hẹn hò với sếp. Không biết bạn có sẵn sàng đến dự tiệc đính hôn của chúng tôi sau khi ông ấy ngỏ lời cầu hôn với tôi hay không?”.
6. Tham vấn ý kiến của bộ phận nhân sự
Khi cảm thấy mình khó có thể giải quyết vấn đề, Albert khuyên nhân viên nên tham vấn bộ phận nhân sự - nơi xây dựng và củng cố việc thực thi các chính sách của công ty, trong đó có những quy định liên quan đến các quy chuẩn ứng xử nơi công sở.
Albert cũng đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các sếp quản lý tình trạng “ngồi lê đôi mách” ở công sở:
– Gặp gỡ trực tiếp “nghi phạm”: Albert khuyên các nhà quản lý nên làm việc này một cách tự tin và riêng tư, tránh để các đồng nghiệp khác biết (chẳng hạn trao đổi trong phòng họp). Lý do là nếu xử lý một cách công khai thì sẽ càng gây thêm sự hiếu kỳ, tò mò của những đồng nghiệp xung quanh và châm ngòi cho những câu chuyện đồn đại tiếp diễn sau đó.
– Giáo dục nhân viên “buôn chuyện”: Sếp phân tích cho nhân viên này hiểu nội dung lời đồn đại thực chất là gì, có ảnh hưởng thế nào đến các nhân viên, phòng ban và chính sách của công ty. Sếp cũng cần nói cho nhân viên ấy hiểu tác động chia rẽ nội bội của những “câu chuyện ngoài luồng” như thế đối với tổ chức ra sao và điều gì sẽ xảy ra nếu anh/cô ấy vẫn tiếp tục.
– Làm việc với cả phòng, ban để làm rõ các thông tin: Albert khuyên các nhà quản lý nên tổ chức họp định kỳ với nhân viên, truyền thông đến họ những vấn đề mà có thể họ chưa nắm rõ hoặc nhận được nhiều thông tin trái chiều hay theo hướng tiêu cực. Đồng thời, trong những cuộc họp như thế, sếp cũng nên nhắc nhở nhân viên tuân thủ các chính sách, quy định của công ty về các hành vi ứng xử nơi công sở.
– Làm gương cho nhân viên: Nhà quản lý không nên nói sau lưng người khác, nhất là những vấn đề nhạy cảm, có thể gây hiểu lầm. Hơn ai hết, sếp phải là người hành xử chuyên nghiệp, điềm tĩnh và công bằng thì mới có thể xây dựng được một môi trường văn hóa công sở minh bạch và lành mạnh, Albert khuyên.