Sếp giỏi là người không cần nhìn... sơ yếu lý lịch của nhân viên
Hiện nay, quan niệm tìm việc dựa trên mối quan hệ hơn là năng lực của bản thân đang khiến nhiều công ty bỏ lỡ những tài năng đáng có và đánh giá sai về nhân viên.
Công ty lưu trữ điện toán đám mây Compose tại bang California có rất nhiều yêu cầu đối với những ứng viên muốn làm việc tại đây.
Họ bắt những người xin việc phải viết một bài luận ngắn về công nghệ điện toán đám mây, thực hành thử trên các số liệu mô hình và phải hoàn thành một số nhiệm vụ được giao nếu muốn được nhận.
Tuy nhiên, công ty này lại không hề hỏi hồ sơ xin việc của các ứng viên.
Quá trình tuyển dụng này của Compose được gọi là “Blind Hiring”, khi những nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến khả năng làm việc hoặc tiềm năng phát triển của ứng viên mà không để ý đến lý lịch, bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc trước đó. Thứ duy nhất được công ty đánh giá là kết quả kiểm tra làm việc thử.
Những thông tin cơ bản của nhân viên sẽ chỉ được cập nhật sau khi trúng tuyển.
Hiện nay, quan niệm tìm việc dựa trên mối quan hệ hơn là năng lực của bản thân đang khiến nhiều công ty bỏ lỡ những tài năng đáng có và đánh giá sai về nhân viên.
CEO Kurt Mackey của Compose cho biết trước đây công ty thường tuyển những nhân viên đã từng làm việc cho các hãng lớn như Google mà không thực sự dựa trên năng lực của họ.
Kết quả là những nhân viên này có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để “chém gió” hay “chỉ tay năm ngón” hơn là thực sự làm việc. Nói theo cách khác, họ không thực sự phù hợp với công việc được tuyển.
Trong chế độ tuyển nhân viên mới hiện nay, Compose yêu cầu các ứng viên thực hành những công việc đơn giản nhất trong công ty, làm quen với mô hình hoạt động và sau đó viết báo cáo về việc họ có thể đóng góp những gì cho doanh nghiệp. Hình thức này thường tốn khoảng 4-6 giờ hoặc thậm chí 1 ngày.
Tất nhiên nhiều ứng viên đã cố ăn gian khi đề tên của họ trong những bản báo cáo trên, vì vậy Compose thực hiện những bài test thử việc trên số liệu mô hình để lấy kết quả.
Một số ứng viên cảm thấy không phù hợp khi phải làm việc không công cả ngày cho những bài test và vẫn gửi sơ yếu lý lịch cho Compose qua email, nhưng CEO Mackey cho biết ông không bao giờ xem chúng.
Cách tuyển nhân viên này thực sự khiến nhiều công ty, đặc biệt là những hãng công nghệ ấn tượng. Phát ngôn viên của IBM cho biết các nhà quản lý của hãng đang thử nghiệm cách tuyển dụng trên.
Theo tờ Wall Street Journal, xu thế tuyển dụng giấu danh tính này cho thấy hiện tượng thiên vị và có định kiến của nhà tuyển dụng đang ngày càng tăng trên thị trường, qua đó làm giảm chất lượng nhân viên. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thậm chí tên của một người cũng có thể khiến nhà tuyển dụng có định kiến với ứng viên khi ra quyết định.
Nhiều ứng viên tuyển dụng ngày nay bị từ chối kể cả khi chưa được đánh giá chính xác năng lực thực sự. Hầu hết các cơ hội việc làm được giới thiệu qua người quen, bạn bè và chỉ những công việc “khó nhai” nhất là vẫn còn trống trên các trang tuyển dụng đại chúng.
Mối quan hệ hiện đã trở thành một yếu tố quan trọng trong tuyển dụng, nhiều công ty thậm chí sử dụng đặc quyền được nhận người quen vào làm việc như một phần thưởng cho các nhân viên.
Giám đốc sản xuất Paul McEnany của hãng quảng cáo Levenson cần một ứng viên thiết lập chiến dịch quảng bá thương hiệu qua Instagram cho một thương hiệu rượu vodka Texas.
Ông McEnany đã dùng cách tuyển dụng giấu lý lịch và phát hiện cô Kendall Madden, một sinh viên mới tốt nghiệp nhưng không phải ngành marketing và cũng chưa thực tập tại bất kỳ hãng quảng cáo nào là người thích hợp nhất cho vị trí trên.
Cuối năm 2015, công ty kiểm toán Deloitte và một số hãng khác tại Anh như ngân hàng HSBC, công ty KPMG, British Broadcasting đã quyết định giấu tên ứng viên trong hồ sơ xin việc khi phỏng vấn.
Tuy vậy, đại diện Emma Codd của Deploitte cho biết hiện công ty vẫn chưa hoàn tất cơ chế tuyển việc này bởi rõ ràng danh tính của ứng viên sẽ bộc lộ dễ dàng qua những trả lời phỏng vấn.