"Cái chết" thầm lặng nhất của Apple trong năm 2019: Vĩnh biệt, 3D Touch
Một công nghệ từng được kỳ vọng rất nhiều, cuối cùng lại ra đi trong câm lặng.
Năm 2019 là năm chứng kiến rất nhiều điều mới mẻ trên danh mục sản phẩm của các ông lớn công nghệ, và Apple cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí, 2019 còn có thể coi là năm thay đổi rộng khắp nhất của Apple trong vòng nửa thập kỷ qua: iPad Air và iPad Mini hồi sinh, Apple Watch thế hệ 5 ra mắt, AirPods lần đầu tiên được làm mới với mẫu Pro, Mac Pro cũng từ bỏ thân hình "thùng rác" để trở thành… máy cạo bơ...
Chỉ có riêng iPhone là không thay đổi nhiều. Thậm chí, iPhone còn mất đi một phần quan trọng: chế độ cảm biến lực nhấn 3D Touch.
iPhone 11, thế hệ iPhone đầu tiên từ bỏ 3D Touch.
Nhắc đến 3D Touch là nhắc đến một câu chuyện đặc biệt. Khi được vén màn cùng iPhone 6s (2015), 3D Touch mang trọng trách thiết lập một kênh giao tiếp hoàn toàn mới giữa người dùng và iPhone. Nếu như trước đây người dùng chỉ có thể chạm, vuốt, nhấn giữ và kéo thả thì bây giờ họ có thể nhấn mạnh lên bất kỳ một vị trí nào của iPhone để kích hoạt một tác vụ riêng biệt. Thông thường, menu này sẽ không thể được kích hoạt bằng bất kỳ cử chỉ cảm ứng nào khác.
Sẽ là không sai khi nói rằng 3D Touch chỉ là một phần nhỏ trong trải nghiệm iPhone. 3D Touch lại là điểm khác biệt lớn duy nhất giữa iPhone 6s và iPhone 6, vốn là thế hệ đã góp phần quan trọng giúp doanh số smartphone của Apple bùng nổ. Về mặt công nghệ, 3D Touch cũng đòi hỏi Apple phải thiết kế và lắp đặt nhiều bộ phận mới dưới tấm màn. Những thay đổi đi kèm 3D Touch hoàn toàn đúng với ý nghĩa của một thế hệ iPhone "S": bình không thay đổi mấy, nhưng rượu thì thay đổi rất nhiều.
Quan trọng hơn hết, 3D Touch lúc đó là nỗ lực mới nhất của Apple nhằm thay đổi cách con người sử dụng smartphone. Nhắc đến Apple là nhắc đến công ty đóng vai trò tiên phong trong quá trình giao tiếp giữa người và máy. Những thay đổi được Apple thực hiện hoàn toàn có thể tạo ra những làn sóng khổng lồ, lan tỏa ra khắp thị trường – theo cùng một cách Clickwheel của iPad, màn hình điện dung của iPhone hay vòng xoay Digital Crown của Apple thực hiện trước đó.
Khi ra mắt, 3D Touch từng mang hy vọng thêm một lần cách mạng hóa trải nghiệm smartphone.
Và thực sự là 3D Touch đã lan tỏa ra thị trường. Ngay từ khi công nghệ này mới chỉ là tin đồn, Huawei đã vội vã tung ra tính năng cảm biến lực nhấn trên chiếc smartphone … ra mắt vào tháng … trước đó. Trong khi Huawei có thể nói là đã vượt mặt Apple trong việc đưa công nghệ này lên smartphone, sự thật là hãng smartphone Trung Quốc vẫn chạy theo Apple: thiết kế iPhone năm nào cũng rò rỉ, và Apple trước đó đã có công nghệ tương tự trên MacBook. Huawei thậm chí còn đặt tên cảm biến lực nhấn của mình là "Force Touch", y hệt như công nghệ của Apple trên touchpad của MacBook.
Đi sau iPhone 6s, 2 hãng smartphone Trung Quốc khác là Gionee và Meizu cũng có cảm biến 3D Touch. Xiaomi từng được đồn đại mong muốn mang công nghệ tương đồng lên Mi 5 nhưng không thể thương lượng với nhà cung ứng để hạ giá linh kiện. Tin đồn Google hỗ trợ công nghệ cảm biến này trên Android đã xuất hiện từ Nougat cho đến tận trước khi Android Q (Android 10) chính thức ra mắt.
Và rồi khi Android 10 ra mắt và không có 3D Touch hay Force Touch, Apple cũng khai tử công nghệ này. Toàn bộ 3 mẫu iPhone 2019 đều từ bỏ kênh giao tiếp "mới’ trước đó đã từng là tính năng đỉnh của iPhone 6s. Thậm chí, Apple còn tận diệt tính năng từng được coi là át chủ bài của 4 năm trước khi hạn chế các cử chỉ này trên bản cập nhật iOS dành cho các thế hệ iPhone trước. Một scandal nhỏ nổ ra, nhưng nói chung 2019 vẫn là năm thành công của iPhone.
3D Touch đã chết. Khi Apple vén màn chiếc iPhone SE 2 (có thể sẽ mang tên "iPhone 9") vào năm sau, gần như chắc chắn sẽ không có cơ chế cảm biến lực nhấn nào được lắp đặt dưới tấm màn cả. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, người ta sẽ lãng quên rằng công nghệ này đã từng tồn tại. Thực tế, ngay trong những năm vừa qua, rất nhiều người vẫn đã yêu thích chiếc iPhone của họ mà chưa từng biết đến sự tồn tại của 3D Touch.
Cái chết của 3D Touch minh chứng một điều quan trọng: ngay cả Apple cũng có thể vấp ngã khi thiết kế trải nghiệm người dùng.
Dù sao, cái chết ấy cũng có thể báo hiệu một tín hiệu quan trọng cho tương lai của công nghệ. Một lần nữa, Apple vẫn là "ông vua" về thiết kế thân thiện với người dùng – thành công của Apple Watch và AirPods chính là minh chứng rõ ràng nhất. Nhưng giữa 2 thành công ấy, Apple vẫn đã vấp ngã với 3D Touch, một "kênh" giao tiếp mà rất nhiều iFan đã không thể hình dung ra, hoặc không thèm dùng tới. Một tính năng dở tệ như 3D Touch vẫn đã được chọn để làm vũ khí chủ lực cho cả một thế hệ iPhone.
Liệu Apple có từ cú ngã này nhận ra rằng không gian sáng tạo trên smartphone đã thực sự cạn kiệt, và nhà Táo đã bắt đầu phải tìm đến những "sáng tạo" không mấy hấp dẫn? Liệu Apple có tự vấn mình về 3D Touch và bắt đầu hành trình đi tìm một cuộc cách mạng mới, tái lập lại những gì Mac, iPod, iPhone và iPad đã từng làm được?